• Zalo

Xuất khẩu 50 tấn vải thiều Bắc Giang sang Nhật Bản

Thị trườngChủ Nhật, 30/05/2021 10:53:00 +07:00Google News
(VTC News) -

Bắc Giang xuất khẩu được 50 tấn vải thiều sang Nhật Bản, có doanh nghiệp đang xuất khẩu mỗi ngày 4-6 tấn sang thị trường này.

Trả lời VTC News sáng 30/5, ông Đỗ Hoàng Phương, Giám đốc Công ty cổ phần Thực phẩm xuất nhập khẩu Toàn Cầu - một trong những doanh nghiệp xuất khẩu vải thiều sang Nhật Bản cho biết quả vải thiều sớm của Bắc Giang được người tiêu dùng tại Nhật ưa chuộng, đánh giá cao do chất lượng vượt trội, thơm ngon, an toàn. Các lô vải được tiêu thụ hết chỉ vài tiếng sau khi được phân phối tại các siêu thị, kênh bán hàng trực tuyến.

“Sau chuyến vải thiều sớm đầu tiên xuất khẩu thành công sang Nhật Bản, được người tiêu dùng thị trường này đánh giá cao, chúng tôi đang tiếp tục thu mua vải để xuất khẩu. Trung bình mỗi ngày Toàn Cầu xuất khẩu từ 4 – 6 tấn vải thiều sang Nhật”, ông Phương nói.

Xuất khẩu 50 tấn vải thiều Bắc Giang sang Nhật Bản  - 1

Vải thiều Bắc Giang lên kệ siêu thị Nhật Bản với giá 1.650 Yên/kg.

Ngoài Nhật Bản, ông Phương cho hay doanh nghiệp cũng đang xúc tiến mở rộng thị trường xuất khẩu sang châu Âu và Mỹ.

Theo thống kê của cơ quan này, tổng cộng đã có 50 tấn vải thiều Hải Dương, Bắc Giang được các doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản từ 23/5 đến nay. Hiện các doanh nghiệp vẫn tiếp tục thu mua vải tại các mã vùng trồng đã được công nhận, sau đó chuyển về cơ sở xử lý, kiểm dịch và chiếu xạ, trước khi vận chuyển sang Nhật..

Theo ông Nguyễn Văn Thọ, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại (Sở Công Thương Bắc Giang), năm nay các nhà nhập khẩu Nhật Bản cam kết nhập khoảng 1.000 tấn vải từ Bắc Giang. Lô vải thiều 20 tấn mới xuất sang Nhật gần đây được tiêu thụ gần hết trong ngày với giá từ 350 – 500 nghìn đồng/kg.

“Trước những phản ứng, đánh giá tích cực từ người tiêu dùng Nhật Bản, thời gian tới, Bắc Giang sẽ đẩy mạnh xuất khẩu quả vải sang thị trường này”, ông Thọ nói.

Cũng theo ông Thọ, tình hình xuất khẩu quả vải thiều sớm của tỉnh Bắc Giang qua cửa khẩu tỉnh Lào Cai và Lạng Sơn hiện cũng thuận lợi. Vải thiều được xuất đi qua luồng xanh, luồng ưu tiên và được ban quản lý cửa khẩu cử cán bộ làm trước giờ hành chính, tạo điều kiện thông quan trước cho quả vải.

Đối tác Nhật Bản cũng vừa đồng ý cho 2 cơ sở của Công ty Ameii Việt Nam và Công ty TNHH Rồng Đỏ tạm thời được xử lý vải thiều xuất khẩu sang Nhật Bản do nhu cầu tại thị trường này tăng cao.

Tính chung đến nay có tổng số 4 cơ sở xử lý vải thiều với 5 buồng xử lý của Công ty Ameii Việt Nam, Công ty TNHH Rồng Đỏ, Công ty Toàn Cầu và Trung tâm Kiểm dịch SNK 1.

Báo cáo của UBND tỉnh Bắc Giang cho thấy, năm 2021, diện tích vải thiều của toàn tỉnh dự kiến đạt khoảng 28.100 ha, sản lượng dự kiến đạt 180.000 tấn. Trong đó, diện tích vải thiều sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP của tỉnh dự kiến trên 15.200 ha, theo tiêu chuẩn GlobalGAP là 82 ha.

Vùng sản xuất để xuất khẩu sang thị trường Mỹ, Úc... có diện tích 218 ha, sản lượng ước đạt 1.800 tấn; vùng sản xuất vải thiều sang thị trường Nhật Bản là 219 ha, sản lượng ước đạt 1.800 tấn.

Để phục vụ xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản, ngay từ đầu năm 2021, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bắc Giang, các huyện Lục Ngạn, Tân Yên (Bắc Giang) đã phối hợp với Cục Bảo vệ thực vật tập trung sản xuất vùng vải thiều an toàn, chất lượng.

Trước đó, do dịch bệnh diễn biến phức tạp, Cục Bảo vệ thực vật và Cơ quan Kiểm dịch thực vật Nhật Bản đã thống nhất một quy trình ủy quyền tạm thời cho phía Việt Nam thực hiện giám sát xử lý. Cục Bảo vệ thực vật bố trí cán bộ và thiết bị giám sát, kiểm tra kiểm dịch thực vật và cấp giấy chứng nhận tại cơ sở xử lý vải được phía Nhật công nhận, để tạo điều kiện thuận lợi nhất cho việc xuất khẩu vải.

Vải thiều Việt Nam tại Nhật được các doanh nghiệp bán trên kênh siêu thị và trực tuyến, giá dao động 350.000-550.000 đồng một kg.

Dự kiến mùa vụ năm nay, các công ty đầu mối xuất khẩu sẽ xuất khoảng 2.000 tấn vải thiều tươi sang Nhật Bản, trong đó Bắc Giang và Hải Dương mỗi địa phương là 1.000 tấn.

Nhật Bản là thị trường có các tiêu chuẩn nhập khẩu nghiêm ngặt, đòi hỏi cao về chất lượng thực phẩm. Do đó, Thương vụ Việt Nam tại Nhật lưu ý, phía người sản xuất, nông dân trồng vải phải duy trì chất lượng quả sạch, đảm bảo giá thu mua, bán và xuất khẩu ổn định. Đồng thời tích cực củng cố, đẩy mạnh nâng cao hình ảnh, thương hiệu hàng Việt Nam tại thị trường khó tính này.

Hòa Bình
Bình luận
vtcnews.vn