• Zalo

Khách hàng Nhật Bản cam kết nhập khẩu khoảng 1 nghìn tấn vải thiều từ Bắc Giang

Thị trườngThứ Sáu, 28/05/2021 19:24:00 +07:00Google News
(VTC News) -

Được người tiêu dùng Nhật Bản đánh giá cao nên năm nay, vải thiều Bắc Giang có thể được xuất khẩu khoảng 1.000 tấn sang thị trường này.

Chia sẻ với VTC News chiều 28/5, ông Nguyễn Văn Thọ, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại (Sở Công Thương Bắc Giang), cho biết, vải thiều của Bắc Giang xuất sang thị trường Nhật Bản được người tiêu dùng đánh giá rất tích cực nhờ chất lượng vượt trội, an toàn, không tồn dư thuốc bảo vệ thực vật.

Khách hàng Nhật Bản cam kết nhập khẩu khoảng 1 nghìn tấn vải thiều từ Bắc Giang - 1

Vải thiều Bắc Giang lên kệ siêu thị tại Nhật Bản với giá 1.650 yên/kg. (Ảnh: N.V.T)

Trước những phản ứng, đánh giá tích cực từ người tiêu dùng Nhật Bản, thời gian tới, Bắc Giang sẽ đẩy mạnh xuất khẩu quả vải sang thị trường này.

"Các nhà nhập khẩu Nhật Bản đang cam kết nhập khẩu khoảng 1 nghìn tấn vải từ Bắc Giang”, ông Thọ nói và cho biết thêm, lô vải thiều 20 tấn mới xuất khẩu sang Nhật gần đây được tiêu thụ gần hết trong ngày với giá từ 350 – 500 nghìn đồng/kg.

Ngày 26/5, tỉnh Bắc Giang tổ chức xuất chuyến vải thiều sớm Tân Yên đến thị trường Nhật Bản bằng đường hàng không, với số lượng khoảng 20 tấn.

Ông Đỗ Hoàng Phương, Giám đốc Công ty cổ phần Xuất khẩu thực phẩm Toàn Cầu, cho biết đây là số vải thu hoạch sớm tại huyện Tân Yên (Bắc Giang), được sơ chế, đóng gói đảm bảo các tiêu chuẩn, điều kiện theo quy định của Nhật Bản.

Khách hàng Nhật Bản cam kết nhập khẩu khoảng 1 nghìn tấn vải thiều từ Bắc Giang - 2

Vải thiều Việt Nam được thị trường Nhật Bản đón nhận tích cực. (Ảnh: N.V.T)

Từ năm 2020, Nhật Bản chấp thuận nhập khẩu quả vải tươi của Việt Nam. Bộ Nông, Lâm, Ngư nghiệp Nhật Bản (MAFF) đã cấp bằng bảo hộ chỉ dẫn địa lý đối với vải thiều của tỉnh Bắc Giang.

Theo quy định của MAFF, chuyên gia về kiểm dịch thực vật Nhật Bản phải trực tiếp sang Việt Nam để kiểm tra, giám sát công tác kiểm dịch và xử lý từng lô vải xuất khẩu. Tuy nhiên, do dịch COVID-19 nên năm nay, các chuyên gia Nhật không sang Việt Nam giám sát công tác kiểm dịch.

Phía Nhật đã uỷ quyền việc giám sát vải xuất khẩu sang thị trường này cho cơ quan kiểm dịch thực vật của Việt Nam. Khi có hàng hóa xuất khẩu đi Nhật Bản, Cục Bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) sẽ cử lực lượng kiểm dịch về địa phương để hỗ trợ, phối hợp.

Trước đó, vải thiều cũng đã được bảo hộ nhãn hiệu thành công tại Trung Quốc, Lào, Campuchia, Hàn Quốc, Singapore, Úc và được tiêu thụ tại nhiều nước trên thế giới.

Báo cáo của UBND tỉnh Bắc Giang cho thấy, năm 2021, diện tích vải thiều của toàn tỉnh dự kiến đạt khoảng 28.100 ha, sản lượng dự kiến đạt 180.000 tấn. Trong đó, diện tích vải thiều sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP của tỉnh dự kiến đạt trên 15.200 ha, theo tiêu chuẩn GlobalGAP đạt diện tích 82 ha.

Vùng sản xuất để xuất khẩu sang thị trường Mỹ, Úc... có diện tích 218 ha, sản lượng ước đạt 1.800 tấn; vùng sản xuất vải thiều sang thị trường Nhật Bản là 219 ha, sản lượng ước đạt 1.800 tấn.

Trước ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19 trên thế giới và trong nước, tỉnh Bắc Giang trước đó đã phải xây dựng kế hoạch tiêu thụ vải thiều với 3 kịch bản có thể xảy ra.

Nếu dịch bệnh được kiểm soát, vải thiều được tiêu thụ tương đối thuận lợi. Khi đó, mục tiêu sản lượng vải thiều được tiêu thụ 50% trong nước, khoảng 90.000 tấn; 50% xuất khẩu, khoảng 90.000 tấn. Kênh tiêu thụ thông qua các chợ đầu mối trong nước, các Tập đoàn phân phối có các hệ thống siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng tiện ích như: Big C, GO, Lan Chi, Vinmart&Vinmart; các doanh nghiệp chế biến; xuất khẩu; các chợ truyền thống, tiểu thương, xe cóc, điểm cân nhỏ.

Nếu COVID-19 diễn biến phức tạp, tuy nhiên vẫn trong tầm kiểm soát. Theo kịch bản này, mục tiêu tiêu thụ 70% sản lượng vải thiều trong nước, khoảng 130.000 tấn; 30% xuất khẩu khoảng 50.000 tấn. Kênh tiêu thụ tại các chợ đầu mối; các tập đoàn phân phối có các hệ thống siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng tiện ích; các doanh nghiệp chế biến xuất khẩu; các chợ truyền thống…

Ở kịch bản xấu nhất, dịch COVID-19 ảnh hưởng toàn diện, hoạt động xuất khẩu nhỏ giọt, sản lượng vải thiều chủ yếu tiêu thụ nội địa. Khi kịch bản này xảy ra, tập trung mọi nguồn lực, cả hệ thống chính trị chung tay vào cuộc hỗ trợ, giúp người dân từ công tác thu hoạch, chế biến và tiêu thụ vải thiều. Sản lượng vải thiều chủ yếu được tiêu thụ trong nước, chiếm 90%, khoảng 160.000 tấn; xuất khẩu 10%, khoảng 20.000 tấn. Tăng cường khuyến cáo người dân thu hoạch rải vụ, nơi nào có quả vải chín trước cần tập trung thu hoạch, tiêu thụ sớm.

Kênh tiêu thụ tại các chợ đầu mối, xác định đây là kênh tiêu thụ trong nước chủ yếu, dự kiến tiêu thụ khoảng 60.000 tấn; các tập đoàn phân phối có các hệ thống siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng tiện ích; các doanh nghiệp chế biến xuất khẩu; các chợ truyền thống. Tăng cường chính sách hỗ trợ xây dựng thêm các lò sấy, tuyên truyền cho người dân sớm có thông tin về tình hình tiêu thụ quả tươi để kịp thời chuyển một phần sang chế biến sấy khô. Tiêu thụ trên sàn thương mại điện tử…

Hòa Bình
Bình luận
vtcnews.vn