Hôm 4/1, ông Abdi Mahamud - quan chức quản lý sự cố về COVID-19 của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho biết, biến chủng mới phát hiện ở Pháp "đã nằm trong tầm ngắm của chúng tôi".
Ông Abdi Mahamud cho rằng, biến chủng này vẫn chưa gây nhiều đe dọa kể từ khi được xác định hồi tháng 11, Theo vị chuyên gia của WHO, biến chủng mới không lây lan nhanh chóng vào lúc này là dấu hiệu tích cực, song nhấn mạnh chủng virus này "có nhiều cơ hội để lây nhiễm".
Hiện WHO vẫn đang trong quá trình điều tra, đánh giá biến chủng này. Biến chủng này sẽ chỉ được tuyên bố là "biến chủng đáng lo ngại" nếu có bằng chứng cho thấy nó gây ra các nguy cơ nghiêm trọng.
Biến chủng COVID-19 mới được gọi là IHU, hoặc B.1.640.2, lần đầu tiên được ghi nhận chính thức ở Pháp vào cuối tháng năm 2021. Ít nhất 12 trường hợp mắc biến chủng IHU được cho là có liên quan đến việc du lịch đến quốc gia châu Phi Cameroon, đã được xác nhận ở miền nam nước Pháp.
Chủng này có 46 đột biến, khiến các chuyên gia lo ngại rằng nó có thể có khả năng kháng các loại vaccine hiện có hơn. Thông tin về chủng IHU chiện thu hút sự chú ý của giới khoa học toàn cầu.
“Còn quá sớm để suy đoán về các đặc điểm virus học, dịch tễ học hoặc lâm sàng của biến chủng IHU dựa trên 12 trường hợp nhiễm bệnh", các nhà nghiên cứu thuộc viện đại học IHU Mediterranee Infection của Pháp cho hay.
Thông tin về biến chủng mới được đưa ra trong bối cảnh biến chủng Omicron lây lan chóng mặt, trở thành biến chủng trội ở Pháp, chiếm khoảng 60% ca nhiễm.
Pháp được đánh giá là quốc gia giám sát chặt chẽ các biến thể COVID-19, đồng nghĩa bất cứ biến chủng nào mới cũng sẽ nhanh chóng được phát hiện.
Các nhà khoa học cũng khẳng định việc phát hiện biến thể IHU cho thấy tầm quan trọng của việc xét nghiệm kỹ lưỡng và giám sát bộ gene.
Bình luận