Dù lây lan với tốc độ mạnh mẽ trên khắp thế giới song chủng Omicron dường như ít nghiêm trọng hơn nhiều so với lo ngại ban đầu. Điều này dấy lên hy vọng rằng đại dịch COVID-19 có thể được kiểm soát và cuộc sống trở lại bình thường hơn.
Tuy nhiên, quan chức cấp cao của WHO về cấp cứu, Catherine Smallwood đã đưa ra một lưu ý đáng lo ngại rằng, tỷ lệ lây nhiễm tăng cao có thể có tác dụng ngược lại.
"Omicron càng lan rộng thì càng có nhiều khả năng sẽ tạo ra một biến chủng mới. Omicron có thể không nguy hiểm như Delta, nhưng không ai biết trước tác hại của biến chủng tiếp theo", Tiến sĩ Smallwood nói.
Châu Âu đã ghi nhận hơn 100 triệu trường hợp mắc COVID-19 kể từ khi bắt đầu đại dịch và hơn 5 triệu trường hợp nhiễm mới vào tuần cuối cùng của năm 2021.
“Chúng ta đang ở trong một giai đoạn rất nguy hiểm, đang thấy tỷ lệ lây nhiễm tăng rất đáng kể ở Tây Âu, và tác động cụ thể của dịch bệnh hiện vẫn chưa rõ ràng", chuyên gia Catherine Smallwood cho hay.
Theo bà Catherine Smallwood, Omicron có thể giảm nguy cơ nhập viện so với chủng Delta, song Omicron có thể gây ra mối đe dọa lớn hơn vì số lượng trường hợp nhiễm bệnh vượt trội.
“Khi bạn thấy các ca bệnh tăng lên đáng kể, điều đó có khả năng tạo ra nhiều người mắc bệnh nặng hơn, phải nhập viện và có thể tử vong", bà Catherine Smallwood nói.
Hôm 4/1, Anh phải đối mặt với cảnh báo về một cuộc khủng hoảng y tế sắp xảy ra do tình trạng thiếu nhân viên chăm sóc khi ca nhiễm Omicron tăng mạnh. Anh đã lần đầu tiên ghi nhận ca mắc COVID-19 hơn 200.000 người trong ngày.
Bà Catherine Smallwood cảnh báo viễn cảnh đó cũng sẽ diễn ra ở các nước châu Âu khác."Ngay cả trong các hệ thống y tế năng lực tốt, vẫn có những cuộc đấu tranh và có khả năng những điều này sẽ tái diễn trên toàn khu vực khi chủng Omicron thúc đẩy các ca bệnh tăng lên", bà Catherine Smallwood nói.
Bình luận