1. Trong lúc đẩy mạnh phương pháp bán vé 4.0, VFF đã rất nhân văn và thực hiện đúng tinh thần ưu tiên đối tượng chính sách khi để dành một số lượng vé nhất định để bán theo kiểu truyền thống cho các thương binh. Theo lời Tổng thư ký VFF Lê Hoài Anh, đó là những người “có khó khăn trong việc tiếp cận công nghệ hiện đại”.
Đấy không phải là hình ảnh của những người thương binh mà chúng ta biết tới và tôn trọng. Đó là những kiêu binh, những 'Chí Phèo' đòi vé.
Thế nhưng, “có khó khăn trong việc tiếp cận công nghệ hiện đại” không phải là cái cớ để những người được cho là thương binh lao cả xe lam vào trụ sở VFF để "khủng bố" tinh thần, đe doạ, bắt VFF phải bán bằng được vé chung kết Việt Nam vs Malaysia như cảnh tượng kinh khủng hôm qua.
Thậm chí, họ còn "gửi lời thách thức pháp luật" khi ngang nhiên ngồi nhậu nhẹt trong trụ sở VFF.
Đấy không phải là hình ảnh của những người thương binh mà chúng ta biết tới và tôn trọng. Đó là những kiêu binh, những 'Chí Phèo' đòi vé.
Tôi chợt nhớ tới đoạn phim quảng cáo của một dịch vụ viễn thông khá nổi tiếng, trong đó có khẩu hiệu: “Khi công nghệ tiến về phía trước, sẽ không ai bị bỏ lại phía sau”. Tuy nhiên những người chứng kiến cảnh tượng ở VFF hôm qua chắc sẽ muốn bổ sung thêm một mệnh đề nữa: “Tất cả đều tiến lên, trừ những người muốn ở lại”.
Với số đông trong đám người nổi loạn, có lẽ chẳng việc gì phải tiến lên để đua tranh với lớp trẻ trong khi việc bám vào quá khứ có thể đổi lại những đặc quyền. Luôn có chế độ ưu tiên, hỗ trợ dành cho các đối tượng chính sách, đặc biệt là thương binh và dường như chính điều đó đã tạo ra cho nhiều người tư tưởng lợi dụng. Những kẻ "đánh chiếm" trụ sở VFF là ví dụ rõ ràng nhất.
Có một khái niệm gọi là triết lý viên kẹo, đại ý là khi một người được tặng quá nhiều thứ thì người đó sẽ không nghĩ đấy là món quà mà là bổn phận, là trách nhiệm của người cho. VFF đã luôn dành một cổng ưu tiên cho thương binh trong mỗi lần mở bán vé theo kiểu truyền thống.
Giờ đây khi “viên kẹo” bé lại, những người tự nhận là thương binh bắt đầu làm loạn. Họ không hiểu, hoặc không muốn hiểu rằng quyền được ưu tiên không có nghĩa là muốn gì được nấy.
Video: Lao xe lam vào trụ sở VFF 'ăn vạ'
2. Tôi cũng như nhiều đồng nghiệp không muốn gọi đám đông làm loạn trụ sở VFF bằng một cái tên chung là thương binh hay cựu chiến binh. Thật khó để gọi một người đàn ông tóc vẫn chưa mấy sợi bạc, trông chỉ chừng 30-40 tuổi là cựu chiến binh. Có vài bác già trông giống cựu quân nhân hơn chút, chỉ trừ bộ quân phục gắn phù hiệu quân đội… Hoa Kỳ.
Nhưng kể cả những người từng ra chiến trường hoặc phục vụ nơi hậu phương, cầm trên tay tấm giấy xác nhận thương binh để đòi mua vé cũng không xứng đáng được gọi như vậy. Cái tên chính xác phải là “kiêu binh”, những kẻ ỷ công làm càn, vin vào những hi sinh trong quá khứ để đòi lấy quyền lợi như một sự bù đắp đương nhiên được nhận.
“Không có chúng tôi thì làm gì có các anh bây giờ?”. Không chỉ một, mà nhiều người quát lên như vậy khi ăn vạ trong trụ sở VFF đòi mua vé. Đó là một cái cớ phổ biến trong những trường hợp như thế này. Cũng chính vì nó mà lực lượng an ninh cũng không thể mạnh tay trấn áp những kẻ gây rối.
Có kiêu binh và có cả những kẻ giả danh, nhưng đó chưa phải là tận cùng của sự lợi dụng. Ăn vạ chính sách là chưa đủ, đoàn kiêu binh thật giả lẫn lộn còn nhân danh người hâm mộ bóng đá để tư lợi.
Sẽ có người tự hỏi rằng nếu giá vé chợ đen của trận chung kết không bị đẩy lên gấp năm gấp mười, liệu đoàn người ấy có điên cuồng đến như vậy? Việc những người mua vé ở cổng dành cho thương binh vừa ra ngoài đã bán ngay lại cho phe vé cũng không phải chuyện mới mẻ. Một tấm giấy hẹn trả vé có được nhờ gây rối hôm qua được sang tay ở cổng VFF với giá 1 triệu đồng.
Một việc làm xuất phát từ ý nghĩa nhân văn của VFF hóa ra lại khơi nguồn cho một thứ tệ nạn, một kiểu loạn kiêu binh thời hiện đại. Các thế hệ cựu chiến binh đích thực, những người vẫn luôn hiểu rõ ý nghĩa cao cả của sự hi sinh không vụ lợi vì Tổ quốc, chắc sẽ thấy chạnh lòng khi chứng kiến cảnh màu xanh áo lính và hai chữ "thương binh" trở thành một nỗi ám ảnh tồi tệ.
Công văn hỏa tốc mà Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội và Sở Lao động, thương binh và xã hội nhận được tối qua không chỉ là lời cầu cứu từ VFF. Hai chữ “thương binh” cũng đang cần được trả lại sự trong sạch khi bị vấy bẩn bởi thứ tư duy lợi dụng đặc quyền, không chỉ trong chuyện mua vé xem bóng đá.
Bình luận