Theo dự kiến, ngày 5/8, TAND TP Hà Nội sẽ đưa ra phán quyết đối với 50 bị cáo trong vụ án "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản, Thao túng thị trường chứng khoán" xảy ra tại Công ty cổ phần Tập đoàn FLC.
Rất ít bị hại có mặt
Phiên toà bắt đầu từ ngày 22/7, dự kiến kéo dài nhiều ngày. Tuy nhiên, phiên toà diễn ra nhanh chóng khi các bị cáo, đặc biệt là ông Trịnh Văn Quyết (cựu Chủ tịch Tập đoàn FLC) với vai trò lớn nhất đã chấp nhận toàn bộ quy kết của cáo trạng.
Trên cơ sở đó, các luật sư bào chữa cho các bị cáo cũng chủ yếu tập trung vào phần đưa ra các tình tiết giảm nhẹ. Bên cạnh đó là cách điều hành phiên toà theo phương pháp hỏi "cuốn chiếu", hỏi dứt điểm từng bị cáo. Các luật sư bào chữa cũng được HĐXX đề nghị đi thẳng vào trọng tâm, hạn chế dẫn giải các điều luật.
Bị hại vụ án được xác định lên tới 25.000 người (cáo trạng trước đó là 30.000), TAND TP Hà Nội đã cho dựng rạp với hàng nghìn chỗ ngồi phục vụ bị hại đến dự.
Tuy nhiên, trong ngày đầu xét xử chỉ có khoảng 30 người tới, những ngày sau đó cũng rất ít bị hại có mặt.
Theo luật sư Vũ Đặng Hải Yến (bào chữa cho Trịnh Văn Quyết), chỉ khoảng gần 40% bị hại trong danh sách trên làm việc trực tiếp với cơ quan tố tụng, nhiều người trong số đó cũng không có yêu cầu đòi bồi thường, nhiều người đã bán cổ phiếu và có lãi.
Hiện tại có 133 bị hại còn giữ cổ phiếu F0 (mua trực tiếp từ Trịnh Văn Quyết và 15 cổ đông ban đầu). Trong số đó, 95 người yêu cầu bồi thường thiệt hại do đang sở hữu hơn 381.000 cổ phiếu với giá trị mua gần 1,4 tỷ đồng.
Được biết, gia đình ông Trịnh Văn Quyết đã bồi thường hơn 2 tỷ đồng cho nhóm bị hại này.
Tranh cãi về cách xác định bị hại
Việc xác định bị hại, thiệt hại trở thành vấn đề được tranh luận nhiều tại phiên tòa. Cho đến ngày xét xử cuối cùng (29/7) để HĐXX bước vào thời gian nghị án, nhiều luật sư vẫn băn khoăn về điều này.
Sáng 29/7, sau khi rà soát lại danh sách bị hại theo đề nghị của luật sư, đại diện VKS xác định có hơn 25.000 bị hại (do trùng tên), thấp hơn so với trên 30.000 bị hại xác định tại cáo trạng.
"Các nhà đầu tư ban đầu đã bỏ tiền thật (với 30.403 tài khoản chứng khoán) để mua hơn 391 triệu cổ phiếu ROS khống và bị thiệt hại hơn 3.620 tỷ đồng", đại diện VKS lý giải căn cứ để xác định họ là bị hại của vụ án.
Nhóm 4 luật sư bào chữa cho ông Quyết cho rằng, trong 133 bị hại theo tiêu chí tại bút lục 549.142 (về tiêu chí xác định bị hại) thì họ phải đáp ứng các điều kiện là: Mua cổ phiếu ROS từ F0 và chưa bán hoặc bán ít hơn tổng số đã mua.
Vậy có nghĩa rằng, các nhà đầu tư đã bán hoặc không còn dư cổ phiếu F0 trong tài khoản sẽ không đáp ứng tiêu chí tiếp theo của danh sách bị hại.
"Một điểm nữa, trong tài liệu gửi đến HĐXX là biên bản làm việc giữa CQĐT, VKS và Uỷ ban chứng khoán Nhà nước xác định chỉ có 200 tài khoản còn dư cổ phiếu F0. Vì thế chúng tôi xin đề nghị HĐXX xem xét lại các tiêu chí VKS đang dùng để xác định bị hại là gì?", luật sư đề nghị.
Sau cùng, luật sư đề nghị HĐXX xem xét bị hại chỉ gồm 133 nhà đầu tư còn sở hữu cổ phiếu ban đầu; Xem xét số tiền chiếm đoạt là 2,2 tỷ đồng tương ứng với giá trị của số cổ phần ROS con dư của 133 bị hại.
Luật sư đề nghị HĐXX ghi nhận Trịnh Văn Quyết đã khắc phục toàn bộ số tiền chiếm đoạt của các bị hại là 2,2 tỷ đồng. Còn số tiền 3.600 tỷ đồng được coi là số tiền hưởng lợi không ngay tình và bị cáo Trịnh Văn Quyết đã cam kết nộp vào ngân sách.
Mong muốn dùng khối tài sản 5.000 tỷ đồng để khắc phục
Tại phiên toà, ông Trịnh Văn Quyết nhiều lần bày tỏ mong muốn được gỡ phong toả khối tài sản ước tính khoảng 5.000 tỷ đồng để khắc phục hậu quả vụ án. Trong đó, tài sản có giá trị nhất là 30% cổ phần tại Tập đoàn FLC.
Ông Quyết nhận định, chỉ xét theo giá trị thực (không tính theo giá cổ phiếu) thì với khoảng 5.000 – 6.000 phòng khách sạn, thì giá trị Tập đoàn này lên tới hàng tỷ USD.
"Bị cáo tha thiết mong được tạo điều kiện, gỡ phong tỏa để khắc phục. Hiện bị cáo mới được tạo điều kiện để bán đứa con tâm huyết nhất là hãng hàng không Bamboo Airways", ông Quyết nói và cho biết đã bán với giá 700 tỷ đồng, được thanh toán 200 tỷ đồng hiện đã nộp vào tài khoản tạm giữ của cơ quan chức năng.
"Trong hoàn cảnh khó khăn, bản thân bị cách ly khỏi xã hội, tài sản bị phong tỏa, ông Trịnh Văn Quyết liên tục thúc giục gia đình huy động tối đa mọi nguồn lực để khắc phục hậu quả. Đến nay đã khắc phục được gần 240 tỷ đồng và gia đình bị cáo vẫn đang tiếp tục nỗ lực khắc phục hậu quả", luật sư Nguyễn Nam Long (bảo vệ quyền lợi cho ông Quyết) thông tin.
"Tài sản còn lại của Trịnh Văn Quyết hoàn toàn khả thi trong việc khắc phục hậu quả. Đã có những đối tác sẵn sàng mua lại như quan điểm của bị cáo", luật sư Trịnh Hồng Phúc nói và đề nghị HĐXX xem xét việc xử lý gỡ bỏ phong toả tài sản của ông Quyết.
Về vấn đề này, HĐXX cho biết sẽ xem xét, đánh giá.
Bị cáo không nhận tội đã "quay xe"
Trong số các bị cáo, chỉ duy nhất ông Lê Văn Tuấn - Kiểm toán viên Công ty TNHH Kiểm toán và kế toán Hà Nội (CPA Hà Nội) là người bác bỏ cáo buộc theo cáo trạng.
Tại toà, ông Tuấn cho rằng, tại CPA Hà Nội, bản thân chỉ có vai trò tìm kiếm khách hàng cho công ty kiểm toán. Bị cáo, không được tham gia vào các cuộc họp, không ký tên vào các báo cáo kiểm toán toàn phần giúp Công ty Faros hoàn thiện hồ sơ niêm yết.
Cáo trạng cho biết, trong suốt giai đoạn điều tra, kết luận điều tra vụ án, bị can Lê Văn Tuấn thừa nhận toàn bộ hành vi phạm tội. Tuy nhiên, trong giai đoạn truy tố, bị can thay đổi lời khai, không thừa nhận hành vi phạm tội, nhưng không cung cấp được bằng chứng chứng minh cho lời khai của mình.
Đến phiên tranh luận ngày 27/7, ông Tuấn bất ngờ "quay xe" thừa nhận toàn bộ hành vi phạm tội. Do đó, luật sư của bị cáo này đã được HĐXX tạo điều kiện bào chữa ở phiên đối đáp vào sáng 29/7.
Bình luận