• Zalo

Xét xử vụ 200 triệu lít xăng giả: Biết ông trùm bị bắt, 1 bị cáo cho đốt giấy tờ

Pháp đìnhThứ Sáu, 04/11/2022 15:51:28 +07:00Google News
(VTC News) -

Sau khi biết tin bị cáo cầm đầu Phan Thanh Hữu bị bắt, bị cáo Trần Thị Thanh Vân đã chỉ đạo nhân viên đốt nhiều giấy tờ quan trọng.

Ngày 4/11, ngày thứ 9 của phiên tòa xét xử vụ án 200 triệu lít xăng giả, HĐXX tiếp tục xét hỏi các bị cáo: Trần Thị Thanh Vân (54 tuổi, Giám đốc Công ty TNHH TMDV Vân Trúc) và Lê Thanh Tú (56 tuổi, chồng Vân); Trần Văn Du (54 tuổi, thuyền trưởng tàu Vân Trúc 01, 02, 03, 05).

Tại phiên tòa, 2 bị cáo Vân, Tú thừa nhận hành vi buôn lậu xăng và cho rằng đã nộp lại tiền thu lợi bất chính nên mong HĐXX trả lại toàn bộ tàu và các sổ đỏ đã bị thu giữ bởi bị cáo đang nợ ngân hàng rất nhiều.

"Riêng sổ đỏ là bị cáo có từ trước khi thực hiện hành vi phạm tội, không liên quan vụ án", bị cáo Vân nói.

Xét xử vụ 200 triệu lít xăng giả: Biết ông trùm bị bắt, 1 bị cáo cho đốt giấy tờ - 1

Bị cáo Trần Thị Thanh Vân. (Ảnh: Tố Tâm)

Bị cáo Vân khai biết hành vi buôn xăng là phạm pháp nên thường thanh toán bằng tiền mặt cho bị cáo Phan Thanh Hữu. Sau khi biết tin bị cáo cầm đầu Phan Thanh Hữu bị bắt, Vân đã chỉ đạo nhân viên đốt nhiều giấy tờ quan trọng và không biết đã hủy những loại giấy tờ gì. 

Bị cáo Tú và Du (thuyền trưởng tàu Vân Trúc 01, 02, 03, 05) giúp sức cho bị cáo Vân vận chuyển xăng dầu đã thừa nhận hành vi đồng phạm giúp sức cho Vân buôn lậu.

Trước đó, bị cáo Phan Thanh Hữu khai chỉ bán xăng cho bị cáo Nguyễn Hữu Tứ (56 tuổi, chủ doanh nghiệp tư nhân Sơn Huỳnh), không bán cho đầu mối nào khác và cáo trạng quy kết bán xăng cho nhiều người là chưa đúng. Lý giải việc chỉ bán xăng cho 1 người, Hữu nói để dễ quản lý, giám sát.

Bị cáo Phan Thanh Hữu cho rằng, việc khai nhận tại CQĐT bán xăng cho vợ chồng Trần Thị Thanh Vân vì có sự hướng dẫn của cán bộ điều tra. Do đó tại tòa, bị cáo này khai lại nhằm làm sáng tỏ bản chất vụ án.

Lúc đó nghĩ rằng bán xăng cho ai thì hành vi cũng như vậy nên bị cáo khai. Tuy nhiên, khi xác định lại, bị cáo nhận thấy việc bị cáo bán xăng cho Vân và Tú sẽ làm sai bản chất của sự việc. Vì bán xăng cho vợ chồng Vân, Tú sẽ có phần chiết khấu cao hơn dẫn đến số tiền thu lợi của bị cáo chênh lệch rất lớn. Trong khi đó, thực tế bị cáo chỉ hưởng chiết khấu từ Tú ”, bị cáo Hữu nói.

Vợ chồng bị cáo Tú, Vân có công ty xăng dầu và thành lập thêm 7 chi nhánh kinh doanh xăng dầu tại tỉnh Bình Dương và TP.HCM. Cuối năm 2019, bị cáo Hữu đến gặp vợ chồng Vân đặt vấn đề bán xăng nhập lậu với mức giá thấp hơn giá thị trường 3.000 đồng/lít và hứa hẹn đảm bảo an toàn bằng việc sẽ làm hợp đồng và xuất hóa đơn “khống” để đối phó với cơ quan chức năng khi bị kiểm tra và Vân đã đồng ý.

Sau đó, khi có nguồn xăng nhập lậu đưa về tại khu vực kho Nam Phong (tỉnh Vĩnh Long) và Nhà nuôi yến (tỉnh Long An),  Vân, Tú điều tàu Vân Trúc 01, 02, 03, 05 đến chở xăng về nhập vào kho của Công ty Vân Trúc rồi bán sỉ và lẻ cho nhiều khách hàng. Đối với xăng nhạt màu, Vân sẽ cho người pha chế các loại phẩm màu và dung môi để giống với màu xăng mua hợp pháp đang tiêu thụ.

Hoàng Thọ
Bình luận
vtcnews.vn