Xe trá hình ‘bóp chết’ xe buýt liền kề Đà Nẵng-Huế: Vì sao khó dẹp?

Tin nhanh 24hThứ Hai, 30/11/2020 11:51:27 +07:00
(VTC News) -

Xe buýt liền kề Đà Nẵng - Thừa Thiên-Huế bị "bóp chết" vì xe trá hình hoạt động rầm rộ, nhưng chính quyền vẫn bất lực trong việc dẹp loại hình vận chuyển này.

Dù lực lượng chức năng Đà NẵngThừa Thiên-Huế từng kiểm tra, xử lý hàng trăm trường hợp xe trá hình vận chuyển khách trên tuyến nhưng thực tế loại hình vận tải này vẫn đang rất khó kiểm soát. 

Xe trá hình tung khuyến mãi

Trưa 29/11, phóng viên VTC News liên hệ với số điện thoại 0777xxx được công bố công khai trên trang Facebook “Đi xe ké miền Trung”, đề nghị đặt chỗ từ Đà Nẵng ra Huế.

Chủ nhân số điện thoại cho biết, trong chiều nay có 3 chuyến từ Đà Nẵng đi Huế, chuyến muộn nhất là 19h30, hôm nay là chủ nhật nên có chương trình giảm giá cho sinh viên: “Nếu em là sinh viên thì được giảm 20% giá vé. Ngày cuối tuần, nhà xe anh có chương trình giảm giá cho sinh viên nhưng vẫn đón và trả khách tận nơi”.

Xe trá hình ‘bóp chết’ xe buýt liền kề Đà Nẵng-Huế: Vì sao khó dẹp? - 1

Xe buýt liền kề Đà Nẵng-Huế gặp nhiều khó khăn, thua lỗ vì vắng khách.

Cũng trên trang Facebook “Đi xe ké Huế-Đà Nẵng-Huế” có  đăng thông tin “xe 7 chỗ đang tìm khách đi Huế” kèm số điện thoai 0934xxx. Khi phóng viên liên hệ, cung cấp thông tin về điểm đón và trả, chủ nhân số điện thoại này hẹn 30 phút nữa sẽ đến đón.

Đúng hẹn, chiếc xe 7 chỗ đến điểm đón. Khi phóng viên lên xe, tài xế đưa ra tờ giấy A4 có chữ “Hợp đồng” nhờ ghi danh sách hành khách cùng số điện thoại và dặn: “Nếu lực lượng công an kiểm tra, anh cứ nói là người nhà giúp em nhé”.

Tài xế này cũng cho biết, giá vé chặng Đà Nẵng - Huế là 120 nghìn đồng, bao gồm chi phí đón khách theo yêu cầu và trả tận nơi. Sau khoảng hơn 30 phút chạy vòng một số tuyến đường ở Đà Nẵng, đón đủ khách và ghi tên, số điện thoại của họ, tài xế cho xe chạy ra đường Nguyễn Tất Thành để đi Huế.

Theo tìm hiểu của phóng viên, hầu hết các loại xe buýt liền kề trá hình chở khách tuyến Huế-Đà Nẵng và ngược lại là xe loại 7 chỗ ngồi, một số xe thuộc dòng Limousine hoặc loại 16 chỗ. Những người làm dịch vụ "chui" này công khai địa điểm, số điện thoại đặt vé và vẫn vô tư đón, trả khách giữa trung tâm thành phố, lách luật bằng cách lập hợp đồng khống, thay đổi hành trình khi bị lực lượng chức năng kiểm tra.

Thực trạng này đẩy các hợp tác xã khai thác tuyến xe buýt liền kề Huế-Đà Nẵng gặp khó, đồng thời làm tăng nguy cơ tai nạn giao thông.

Các tài xế xe buýt liền kề nhiều lần gửi đơn kiến nghị đến cơ quan chức năng Đà Nẵng và Thừa Thiên-Huế đề nghị xử lý nhưng đến nay tình hình vẫn chưa được cải thiện.

Hành khách thích xe trá hình nên khó dẹp

Tại Hội nghị Sơ kết tình hình hoạt động tuyến xe buýt liền kề Đà Nẵng-Huế mới đây, ông Nguyễn Văn Thành, Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải (GTVT) Thừa Thiên-Huế cho rằng, Sở không dẹp hẳn được xe dù, xe trá hình, chỉ có thể xử lý theo các đợt ra quân cao điểm. Lực lượng chức năng không đủ người để duy trì liên tục 24/24h suốt cả năm.

Vấn đề cạnh tranh đối với xe trá hình cơ bản vẫn là thời gian và tiện ích đi lại. Xe trá hình đón và trả khách tận nơi nên được nhiều người lựa chọn. Nên chăng, các đơn vị quản lý vận tải và các HTX nghiên cứu tổ chức xe trung chuyển để đón khách đến bến, lên xe cho tiện lợi”, ông Thành gợi ý.

Xe trá hình ‘bóp chết’ xe buýt liền kề Đà Nẵng-Huế: Vì sao khó dẹp? - 2

Lực lượng chức năng kiểm tra xe nghi hoạt động vận chuyển khách trá hình tuyến Đà Nẵng-Huế.

Theo ông Thành, việc bố trí xe trung chuyển chắc chắn sẽ dẫn đến tăng giá vé. Tuy nhiên, với mức giá 70 nghìn đồng/lượt hiện nay, nếu tăng thêm 20 nghìn đồng thì giá vé rẻ hơn mức 120 nghìn đồng của xe trá hình.

Về công tác liên ngành xử lý xe trá hình, ông Thành đề xuất nên để cảnh sát giao thông chủ trì bởi có lực lượng đông, nhiều quyền hạn, phương tiện, thiết bị hỗ trợ hơn. Mặt khác, lái xe vi phạm cũng sợ cảnh sát giao thông hơn các lực lượng khác.

Ông Nguyễn Trần Hoàng, Phó chánh Thanh tra Sở GTVT Đà Nẵng cũng thẳng thắn nhìn nhận, trên địa bàn Đà Nẵng vẫn còn rất nhiều phương tiện được cấp phù hiệu hợp đồng, hàng ngày vận chuyển hàng trăm, thậm chí hàng nghìn lượt người ra Huế.

Đây không phải xe dù mà có phù hiệu nhưng hoạt động không đúng tuyến. Với nhu cầu đi tận nơi, đón tận nhà, hành khách lơ là tuyến cố định Huế - Đà Nẵng. Nhiều nhà xe lợi dụng hợp đồng du lịch, sử dụng hợp đồng khống để hoạt động trá hình”, ông Hoàng nói.

Theo ông Hoàng, thực tế có thời điểm chỉ trong 1 tuần, tổ liên ngành xử lý 15 xe trá hình. Tuy nhiên, việc xử lý còn gặp nhiều khó khăn do nhà xe dùng đủ chiêu trò; cơ quan chức năng rất khó chứng minh xe có gom khách, thu tiền hay không do hành khách không hợp tác.

Về mặt quản lý, ông Hoàng kiến nghị, ngoài việc xử lý vi phạm của tài xế, chủ xe như thời gian qua, cần cương quyết thu hồi phù hiệu, tước giấy phép kinh doanh các doanh nghiệp vận tải vi phạm.

Phó chánh Thanh tra Sở GTVT Đà Nẵng cũng thẳng thắn đánh giá, nhiều xe buýt không vệ sinh sạch sẽ, không bật điều hòa, một số xe thu cước quá giá niêm yết… và đây cũng là nguyên nhân khiến lượng khách sụt giảm. 

Vì vậy, theo ông Hoàng, bản thân xe buýt liền kề cũng phải tự nâng cao chất lượng phục vụ để lôi kéo được khách sử dụng dịch vụ của mình.

CHÂU THƯ
Bình luận
vtcnews.vn