Liên quan đến vụ việc xe khách tông xe cứu hỏa trên cao tốc Pháp Vân – Cầu Giẽ, vào thời điểm xảy ra vụ tai nạn, xe cứu hỏa đang đi ngược chiều trên cao tốc để cấp cứu nạn nhân vụ tai nạn xảy ra trước đó. Vụ việc gây nhiều ý kiến trái chiều khi một số người cho rằng xe ưu tiên không được phép đi ngược chiều trên đường cao tốc.
Chiều 19/3, trả lời VTC News về vấn đề trên, luật sư Đặng Văn Sơn (Đoàn luật sư TP Hà Nội) cho biết, Điều 22 Luật giao thông đường bộ 2008 quy định xe cứu hỏa được phép đi ngược chiều khi làm nhiệm vụ, kể cả đường cao tốc.
Tuy nhiên, luật này cũng quy định, xe cứu hỏa được quyền đi vào làn đường ngược chiều khi làm nhiệm vụ, phải có tín hiệu còi, cờ, đèn theo quy định.
Video: Xe cứu hỏa hú còi, phát loa liên tục trước khi gặp nạn trên cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ
“Trong vụ tai nạn xảy ra tại cao tốc Pháp Vân – Cầu Giẽ, lực lượng chức năng sẽ làm rõ việc đáp ứng các điều kiện của xe cứu hỏa khi đi làm nhiệm vụ hay chưa. Nếu thiếu một trong những điều kiện trên, đương nhiên xe cứu hỏa vi phạm luật giao thông đường bộ.” – luật sư Sơn khẳng định.
Theo luật sư Sơn, nếu xe cứu hỏa đi làm nhiệm vụ có tin hiệu còi, cờ, đèn theo quy định sẽ không bị hạn chế tốc độ, được phép đi ngược chiều, đi vào các đường khác có thể đi được, kể cả có tín hiệu đèn đỏ và chỉ phải tuân theo chỉ dẫn của người điều khiển giao thông.
Do đó, khi các phương tiện tham gia giao thông trên đường thấy có tín hiệu của xe ưu tiên phải nhanh chóng giảm tốc độ, tránh hoặc dừng lại sát lề đường bên phải để nhường đường. Không được gây cản trở xe được quyền ưu tiên.
Với các phương tiện trên đường, khi có tín hiệu của xe ưu tiên, người tham gia giao thông phải nhanh chóng giảm tốc độ, tránh hoặc dừng lại sát lề đường bên phải để nhường đường. Không được gây cản trở xe được quyền ưu tiên.
Luật sư Sơn cho biết thêm, theo Nghị định 46/2016 quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, đường sắt cũng quy định về việc phạt tiền từ 700.000 đồng đến 8.000.000 đồng đối với người không chấp hành hiệu lệnh, tín hiệu của xe ưu tiên đang đi làm nhiệm vụ khẩn cấp theo quy định.
“Qua vụ việc vừa xảy ra, người dân cần tìm hiểu thêm về luật giao thông đường bộ để tránh hiểu sai luật và hiểu rõ hơn về việc các xe ưu tiên đi làm nhiệm vụ. Thứ tự ưu tiên khi qua đường giao nhau, những xe sau đây được đi trước xe khác theo thứ tự xe chữa cháy - quân sự, công an - cứu thương - hộ đê - xe tang” – luật sư Sơn kết luận.
Trước đó như VTC News đưa tin, vụ tai nạn xảy ra vào lúc 16h20 ngày 18/3, tại Km192 cao tốc Pháp Vân – Cầu Giẽ (đoạn thuộc khu vực huyện Thường Tín, Hà Nội).
Vào khoảng thời gian trên, một chiếc xe cứu hỏa đi ngược chiều làm nhiệm vụ trên cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ, khi đến khu vực huyện Thường Tín thì bị một chiếc xe khách mang biển kiểm soát 29B - 078.43 tông trúng.
Cú va chạm mạnh khiến các phương tiện bị hư hỏng nặng, 5 hành khách và 6 cảnh sát PCCC bị thương vong. Hiện số nạn nhân trên xe khách đã được đưa vào Bệnh viện Việt Đức kiểm tra.
Đối với các chiến sĩ PCCC, 4 người sau khi sơ cứu xuất viện, một chiến sĩ bị rạn xương quai xanh đang được điều trị tại Bệnh viện 19-8. Người nặng nhất là Trung sĩ Chử Văn Khánh (25 tuổi), dù được tận tình cứu chữa nhưng do vết thương quá nặng nên đã hy sinh vào rạng sáng 19/3.
Video: Khoảnh khắc xe khách đâm xe cứu hỏa trên cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ
Điều 22 Luật Giao thông đường bộ 2008: Quyền ưu tiên của một số loại xe.
1. Những xe sau đây được quyền ưu tiên đi trước xe khác khi qua đường giao nhau từ bất kỳ hướng nào tới theo thứ tự:
a) Xe chữa cháy đi làm nhiệm vụ;
b) Xe quân sự, xe công an đi làm nhiệm vụ khẩn cấp, đoàn xe có xe cảnh sát dẫn đường;
c) Xe cứu thương đang thực hiện nhiệm vụ cấp cứu;
d) Xe hộ đê, xe đi làm nhiệm vụ khắc phục sự cố thiên tai, dịch bệnh hoặc xe đi làm nhiệm vụ trong tình trạng khẩn cấp theo quy định của pháp luật;
đ) Đoàn xe tang.
2. Xe quy định tại các điểm a, b, c và d khoản 1 Điều này khi đi làm nhiệm vụ phải có tín hiệu còi, cờ, đèn theo quy định; không bị hạn chế tốc độ; được phép đi vào đường ngược chiều, các đường khác có thể đi được, kể cả khi có tín hiệu đèn đỏ và chỉ phải tuân theo chỉ dẫn của người điều khiển giao thông.
Chính phủ quy định cụ thể tín hiệu của xe được quyền ưu tiên.
3. Khi có tín hiệu của xe được quyền ưu tiên, người tham gia giao thông phải nhanh chóng giảm tốc độ, tránh hoặc dừng lại sát lề đường bên phải để nhường đường. Không được gây cản trở xe được quyền ưu tiên.
Bình luận