• Zalo

Xe chất đống, doanh nghiệp ô tô 'phát ốm'

Xe Thứ Năm, 26/07/2012 11:02:00 +07:00Google News

(VTC News) – Với số lượng xe tồn trên toàn thị trường tới cả chục ngàn xe, các doanh nghiệp ô tô cả “nội” lẫn “nhập” đều “phát ốm”.

(VTC News) – Với số lượng xe tồn trên toàn thị trường tới cả chục ngàn xe, các doanh nghiệp ô tô cả “nội” lẫn “nhập” đều “phát ốm”.

Theo thống kê không chính thức từ Bộ Công thương, trong 6 tháng đầu năm nay, do thị trường ế ẩm, lượng ô tô nhập khẩu và lắp ráp trong nước không tiêu thụ được phải nằm kho đã lên tới cả chục ngàn chiếc.

Tính sơ bộ, thương hiệu xe bán chạy nhất Việt Nam, Toyota cũng phải xếp kho đến hơn 3.000 xe các loại. Lượng xe tồn quá lớn này được đại diện doanh nghiệp này lí giải là do “không đỡ được với diễn biến xấu của thị trường” bởi kế hoạch sản xuất của Toyota Việt Nam cũng như nhiều liên doanh khác đều được lập trước đó vài tháng và linh kiện đã nhập về thì “buộc phải lắp ráp luôn”.

Lượng xe tồn lên tới cả chục ngàn chiếc khiến cả nhà phân phối lẫn các đại lý "phát ốm". 

Một nguồn tin cho biết do tồn kho quá nhiều, liên doanh này còn phải bỏ tiền ra thuê sân bãi để chứa xe vì nhà máy không còn đủ chỗ cho xe tồn.


Cùng cảnh ngộ, số lượng xe tồn của Ford Việt Nam, GM Việt Nam khiêm tốn hơn nhưng cũng lên tới trên dưới 1.000 chiếc xe các loại.

Tình trạng xe tồn của các đơn vị nhập khẩu như Hyundai Thành Công cũng được xác định là khá lớn.

Xe tồn nhiều khiến cả nhà sản xuất lẫn các đại lý đều “phát ốm”. Dù đã tích cực giảm giá kích cầu, lượng xe bán ra vẫn không tăng nhiều. Nhà sản xuất phải cắt giảm sản lượng, hoạt động cầm chừng, thậm chí cho công nhân nghỉ việc hoặc làm cách nhật. Đại lý đau đầu đẩy xe tồn trong khi vẫn phải hứng chịu hàng loạt chi phí như thuê mặt bằng, trả lương nhân viên, trả lãi vay ngân hàng…

“Nhiều dòng xe, chúng tôi đang phải bán dưới giá, bán lỗ để giảm lượng tồn và thu hồi phần nào vốn. Với hàng loạt chi phí vẫn phải duy trì, thực sự chúng tôi không biết sẽ còn trụ được bao lâu”, quản lý một showroom phân phối xe Suzuki tại Hà Nội chia sẻ với phóng viên VTC News.

Thị trường sụt giảm là do người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu đồng thời “sợ thuế phí”. Từ cuối năm ngoái, phí trước bạ tại Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh đã tăng mạnh khiến chi phí sở hữu xe đội lên từ vài chục tới hàng trăm triệu đồng.

Bên cạnh đó, việc Bộ GTVT vẫn để ngỏ về khả năng thu phí lưu hành phương tiện giao thông cá nhân đối với ôtô từ 20 đến 50 triệu đồng/năm khiến nhiều người tiêu dùng “sợ” khi có ý định mua xe.


Theo số liệu của Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA), trong 6 tháng đầu năm, 18 doanh nghiệp thành viên VAMA chỉ tiêu thụ được tổng cộng 34.939 xe; trong đó, xe từ 9 chỗ trở xuống tiêu thụ được trên 17.000 chiếc, giảm mạnh tới 41% so với cùng kỳ 2011. Con số này được dự đoán là sẽ còn tiếp tục giảm mạnh trong thời gian tới.

Bài và ảnh:Khánh Hòa
Bình luận
vtcnews.vn