Biển Đông là địa bàn chiến lược, không gian sinh tồn (phát triển và an ninh), chiếm vị trí địa chính trị quan trọng không chỉ đối với các quốc gia trong khu vực mà còn cả của Châu Á - Thái Bình Dương và Mỹ.
Biển Đông đóng vai trò vô cùng quan trọng trong thương mại hàng hải toàn cầu, nằm trên tuyến hàng hải huyết mạch nối liền Thái Bình Dương - Ấn Độ Dương, châu Âu - châu Á, Trung Đông - châu Á. Biển Đông cũng là một phần của tuyến đường biển nối trực tiếp Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.
Với vị trí chiến lược và tầm quan trọng như vậy, Biển Đông trở thành đối tượng tranh chấp gay gắt giữa các quốc gia trong khu vực, là địa bàn tranh giành ảnh hưởng của các cường quốc hàng đầu thế giới với các yêu sách về quyền cùng lợi ích khác nhau.
Tại Biển Đông, tuyệt đại đa số các quốc gia cả trong và ngoài khu vực đều tuân thủ và bảo vệ quyền pháp lý trên Biển Đông theo các quy định của Công ước Luật Biển 1982.
Đồng thời, các nước công nhận sự có mặt của một vùng biển nằm ngoài quyền tài phán quốc gia trong Biển Đông, nơi các quốc gia trong và ngoài khu vực được hưởng các quyền tự do, trong đó có tự do hàng hải và hàng không.
Tuy nhiên, Trung Quốc - bên có tranh chấp ở Biển Đông, đơn phương tuyên bố chủ quyền lịch sử và yêu sách phi lý về “đường chín đoạn” (còn gọi là “đường lưỡi bò”) chiếm hơn 80% diện tích toàn Biển Đông. Điều này cho thấy Bắc Kinh không coi trọng vai trò đặc biệt quan trọng của Công ước Luật Biển 1982, không thừa nhận sự có mặt một vùng biển nằm ngoài quyền tài phán quốc gia trong Biển Đông.
Nghiêm trọng hơn, Bắc Kinh còn đưa ra những tuyên bố và hành động đơn phương tôn tạo các bãi cạn thành các đảo nhân tạo, đe dọa đến an ninh môi trường và hòa bình ở Biển Đông. Đáng chú ý, gần đây nước này còn có những hành động ngang ngược, khiêu khích ở Biển Đông như tuyên bố lập 2 huyện quản lý Trường Sa và Hoàng Sa, ngang nhiên công bố cái gọi là “danh xưng tiêu chuẩn” cho hàng chục đảo, bãi cạn trên Biển Đông, tuyên bố và tiến hành các cuộc tập trận quân sự ở Biển Đông…
Những hành động của Trung Quốc khiến dư luận khu vực và cộng đồng quốc tế phẫn nỗ, một loạt nước gửi công hàm lên Liên hợp quốc, phản đối yêu sách phi pháp của Trung Quốc ở Biển Đông.
"Cuộc chiến công hàm" đang được nhiều nước trong ASEAN triển khai, đáng chú ý là bao gồm cả những nước không tranh chấp trực tiếp trên Biển Đông như Indonesia, Mỹ, Australia. Việc có nhiều nước tham gia "Cuộc chiến công hàm" góp phần làm nổi bật sự phi lý và bất hợp pháp trong các yêu sách của Trung Quốc ở Biển Đông.
Chia sẻ với VTC News, PGS, TSKH Trần Khánh, nguyên Tổng biên tập Tạp chí Đông Nam Á cho rằng, Biển Đông là vấn đề có tác động sâu sắc đến an ninh - chính trị của ASEAN, bởi vì Biển Đông không chỉ giữ vị trí chiến lược trong giao thông hàng hải, hàng không mà là nơi có thể thay đổi vị thế địa chính trị của nhiều nước ASEAN cũng như các nước lớn.
“Nếu Biển Đông bị một nước nào đó khống chế hoặc chiếm đóng thì vị thế, vai trò trung tâm của ASEAN giảm đi, và an ninh của các nước thành viên cũng đối mặt với nguy cơ bị đe dọa. Vai trò ASEAN ở Biển Đông là một trong những nguồn cấu thành, tạo nên hợp tác chính trị - an ninh trong tổ chức này và ASEAN phải có trách nhiệm cùng hợp tác giải quyết vấn đề, duy trì hòa bình, ổn định ở Biển Đông”, chuyên gia Trần Khánh cho hay.
Đồng quan điểm, ông Gregory Poling - Giám đốc cửa Sáng kiến Minh bạch hàng hải châu Á, chuyên gia tại Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS) cho rằng, nỗ lực hoàn thiện Cộng đồng Chính trị và An ninh ASEAN hiện vấp phải bức tường thành - vấn đề Biển Đông. Việc tổ chức này không thể hiện được vai trò, khả năng trong giải quyết tranh chấp ở Biển Đông là đáng lo ngại và có nguy cơ phá hoại sự thống nhất của ASEAN.
“Việc ASEAN chưa chứng minh được vai trò trong giải quyết vấn đề Biển Đông dấy lên những hoài nghi về khả năng của tổ chức này trong việc hoàn thiện Cộng đồng An ninh - Chính trị ASEAN. Việc không có sự đồng thuận trong giải quyết vấn đề Biển Đông ngày càng cho thấy vấn đề này nhiều khả năng sẽ phá vỡ sự đoàn kết, gây chia rẽ trong ASEAN”, ông Gregory Poling nhận định.
Vấn đề Biển Đông liên quan đến lợi ích đan xen, phức tạp giữa các bên và không dễ hóa giải. Nơi đây có sự đan xen lợi ích giữa các nước láng giềng trong khu vực, các quốc gia trong khu vực và ngoài khu vực, nước lớn và nước nhỏ, các nước lớn với nhau, lợi ích đa phương và song phương và lợi ích cốt lõi và lợi ích chung.
Quan hệ lợi ích đan xen ở Biển Đông định hình các loại tranh chấp ở vùng biển này, trong đó có tranh chấp chủ quyền lãnh thổ với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, về quy chế pháp lý đôi với các thực thể tự nhiên (đảo, đá, các cấu trúc khác); vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa giữa các nước láng giềng với đường lưỡi bò; quyền và nghĩa vụ của các quốc gia trong các vùng biển chủ quyền và quyền tài phán quốc gia; quyền tự do hàng hải, hàng không trong Biển Đông.
Tùy theo diễn biến tình hình quốc tế và khu vực cũng như căn cứ vào tình hình nội bộ mỗi nước, các bên có liên quan đến tranh chấp Biển Đông có cách tiếp cận khác nhau trong việc bảo vệ quyền và lợi ích chiến lược của quốc gia mình.
Bao trùm lên các “quan hệ lợi ích” giữa các bên về vấn đề Biển Đông lại chính là mối quan hệ phức tạp giữa “quyền pháp lý” và “quyền lịch sử” khi các bên có các quan điểm khác nhau. Điều này khiến cho việc giải quyết mối quan hệ lợi ích giữa các nước là không dễ dung hòa trên thực tế. Do đó, chỉ khi nào bảo vệ được các quyền như vậy thì mới bảo vệ được lợi ích lâu dài của các bên liên quan ở Biển Đông.
Khác biệt lợi ích ở Biển Đông giữa các nước thành viên, cùng với sự lôi kéo, tranh thủ của các nước lớn được coi là thách thức lớn đối với ASEAN.
PGS, TSKH Trần Khánh cho rằng, ASEAN dần nhận ra những thách thức này song đây là vấn đề không dễ giải quyết.
“Biển Đông là thách thức vì lợi ích giữa các nước trong ASEAN là không giống nhau, có nước tranh chấp, nước không. Do đó, mức độ can dự, giành sự ưu tiên cũng như quan tâm cho vấn đề Biển Đông của các nước không liên quan trực tiếp về vấn đề Biển Đông là có chừng mực.
Hiện nay, các nước sẽ đặt lợi ích quốc gia lên trên hết. Vì vậy, họ sẽ có cân nhắc giữa lợi ích chung và riêng. Nhiều nước có thể sẽ lờ đi trong các vấn đề chung của khối ASEAN nếu như lợi ích họ với đối tác (Trung Quốc) lớn hơn.
Năm 2012, Hội nghị cấp cao ASEAN lần đầu tiên không ra được tuyên bố chung vì Campuchia bị Trung Quốc lôi kéo. Bên cạnh đó, một số nước cũng đưa ra quan điểm rất trung dung, không rõ ràng trong vấn đề Biển Đông, trong đó có Lào - láng giềng Việt Nam, vì nước này không có lợi ích bị tranh chấp ở Biển Đông và nước này cho rằng các nguy cơ đe dọa đối với họ từ Biển Đông là không trực tiếp”, PGS, TSKH Trần Khánh cho hay.
Còn theo ông Gregory Poling, Việt Nam và một số bên tranh chấp khác như Philippines, đôi khi là Indonesia - nước không có tranh chấp trực tiếp, muốn có tiến bộ cụ thể về những vấn đề như quản lý nghề cá và cơ chế khác để giải quyết các tranh chấp. Họ sẵn sàng làm điều đó thông qua đàm phán Bộ quy tắc ứng xử trên Biển Đông (COC) do ASEAN dẫn đầu, song cũng sẵn sàng theo đuổi vấn đề này trong các cơ chế tiểu vùng ngoài ASEAN.
“Điều đó tạo ra một vấn đề. ASEAN không có khả năng đạt được tiến bộ thực sự đối với COC vì các bên không tranh chấp, đặc biệt là Campuchia, sẽ không thúc ép Trung Quốc về các vấn đề nhạy cảm. Trong khi đó, một số thành viên, trong đó có Singapore, do dự trong việc tán thành các nỗ lực của ASEAN”, chuyên gia Biển Đông đến từ Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS) phân tích.
Ông Gregory Poling cũng cho rằng, thời gian qua, Trung Quốc đã sử dụng đòn bẩy về kinh tế, tác động đến các bên không tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông, đặc biệt là Campuchia, để phá hoại sự đồng thuận của ASEAN. Điều này là thách thức đối với việc hoàn thiện Cộng đồng Chính trị - An ninh theo Tầm nhìn ASEAN 2025.
Tiến sĩ Hosoda Takashi chuyên gia an ninh châu Á tại Đại học Charles (CH Séc) và là nhà nghiên cứu tại Trung tâm Đối ngoại Tokyo (Nhật Bản) nhận định, Biển Đông không chỉ còn là vấn đề của các bên liên quan trực tiếp như Việt Nam, Malaysia, Brunei và Philippines mà còn là vấn đề của ASEAN. Ông cho rằng, ASEAN luôn nhấn mạnh tầm quan trọng của tính thống nhất và vai trò trung tâm của tổ chức này song ASEAN dường như chưa cho thấy điều đó trên thực tế.
“Tôi cho rằng cơ chế hiện tại, cách tiếp cận chính trị và chiến lược khác nhau của các thành viên ASEAN là những trở ngại chính trong việc giải quyết vấn đề Biển Đông nói riêng và xây dựng Cộng đồng Chính trị - An ninh ASEAN nói chung. ASEAN chưa thể hiện được vai trò, cho thấy tầm quan trọng của khối trong giải quyết vấn đề Biển Đông khi mà Trung Quốc đẩy mạnh cải tạo đất và quân sự hóa trên vùng biển này”, Tiến sĩ Hosoda Takashi nhấn mạnh
Bên cạnh đó, theo PGS, TSKH Trần Khánh, ASEAN là tổ chức hợp tác liên chính phủ, không phải hợp tác liên quốc gia như Liên minh châu Âu (EU). Cho nên vấn đề chủ quyền an ninh quốc gia được coi là tối thượng. Mỗi nhà nước đều có chính sách đối ngoại riêng, dù có chia sẻ nhưng chính sách phát triển là độc lập. Trong khi châu Âu có chính sách đối ngoại chung trên mọi lĩnh vực. Mặc dù ASEAN có liên nghị viện, đoàn thanh niên, phụ nữ… có đại hội nhưng không đưa ra quyết sách mang tính pháp lý ràng buộc, mà còn lỏng lẻo.
Đến nay, quá trình hoàn thiện Cộng đồng Chính trị - An ninh ASEAN còn khoảng 10% các tiêu chí, nhiệm vụ chưa đạt. PGS, TSKH Trần Khánh cho rằng, điều này xuất phát từ nhiều nguyên nhân: “Do chế độ chính trị và hệ thống pháp luật giữa các nước ASEAN tương đối khác nhau. Bên cạnh đó, lợi ích, tầm ảnh hưởng và tiềm lực của các nước cũng khác nhau. Ngoài ra, mỗi quốc gia lại có một chính sách riêng.
Vấn đề Biển Đông được xem là bức tường thành, yếu tố phá vỡ sự đoàn kết, gây chia rẽ trong quá trình xây dựng, hoàn thiện cộng đồng ASEAN.
Chuyên gia Gregory Poling
Vì thế, việc hợp tác hài hòa để có chung hệ thống pháp luật ASEAN là khó có thể đạt được. Ngay trong hợp tác an ninh - quốc phòng, có các cuộc họp cấp Bộ trưởng liên quan về các vấn đề này song các cuộc họp diễn ra mang tính tự nguyện, thậm chí một nước không tham gia cũng không sao. Cuộc họp này chủ yếu đưa ra các tuyên bố hợp tác nhưng không mang tính bắt buộc phải thực thi mà chỉ mang tính khuyến nghị”, chuyên gia về ASEAN cho hay.
PGS, TSKH Trần Khánh cho rằng, trên thực tế, ASEAN có tham gia hệ thống cướp biển, an ninh trên biển… nhưng để có một tổ chức mang tính pháp quy là khó khi mà Cộng đồng Chính trị - An ninh có nhiều vấn đề phức tạp, nhạy cảm liên quan đến chủ quyền an ninh quốc gia, chính trị nội bộ.
Trong trường hợp một nước có xung đột sắc tộc, tôn giáo, đảo chính thì ASEAN cũng không thể can thiệp, giải quyết được bởi quan điểm của ASEAN là không can thiệp vào vấn đề nội bộ của các nước, giải quyết các vấn đề tranh chấp bằng biện pháp hòa bình.
Vấn đề Biển Đông rất phức tạp, liên quan đến nhiều bên. Để giải quyết vấn đề Biển Đông không hề đơn giản, đòi hỏi các thành viên trong ASEAN phải có chung chí hướng về an ninh - chính trị, trong đó cần xây dựng cơ chế xử lý xung đột trong Cộng đồng An ninh - Chính trị ASEAN.
PGS, TSKH Trần Khánh cho rằng, các nước ASEAN cần tăng cường, duy trì sự đoàn kết, tìm kiếm đồng thuận trong việc giải quyết vấn đề Biển Đông. Đồng thời, những nước có lợi ích trực tiếp ở Biển Đông phải có tiếng nói mạnh mẽ hơn trong vấn đề này.
“Để giải quyết vấn đề Biển Đông, trước hết các nước trong ASEAN phải đoàn kết, có chung quan điểm trong xử lý các vấn đề xung đột ở vùng biển này. Cơ chế giải quyết xung đột hiện nay trong Cộng đồng An ninh - Chính trị ASEAN chính là việc các nước cùng thảo luận, thống nhất về nội dung đàm phán COC với Trung Quốc”, ông Trần Khánh cho hay.
Nói về cách thức giải quyết vấn đề Biển Đông, từ đó tiến tới hoành thiện Cộng đồng Chính trị - An ninh ASEAN, Tiến sĩ Hosoda Takashi cho rằng, đàm phán về vấn đề Biển Đông thông qua tất cả các nền tảng ASEAN sẽ không hiệu quả vì vấn đề này chỉ liên quan trực tiếp đến các nước ASEAN có liên quan Việt Nam, Malaysia, Brunei và Philippines chứ không phải hầu hết các quốc gia ASEAN.
“Để hình thành, thông qua được COC cần phải đưa ra quy tắc hoặc cơ chế để các bên liên quan trực tiếp về vấn đề Biển Đông có tiếng nới chủ yếu, mạnh mẽ hơn trong ASEAN và các thành viên không liên quan trực tiếp cần tôn trọng tiếng nói của những nước này”, Tiến sĩ Hosoda Takashi nói.
Trong khi đó, chuyên gia đến từ Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS) Gregory Poling cho rằng, ASEAN nên kiên quyết đàm phán COC theo hướng xây dựng các nguyên tắc chung, chẳng hạn như không sử dụng vũ lực và tránh việc chiếm đóng các thực thể trên biển không có người ở…
“Hơn nữa, ASEAN nên tán thành các cuộc đàm phán riêng biệt về các vấn đề như ngư nghiệp, dầu khí, bảo tồn biển và hợp tác thực thi pháp luật chỉ liên quan đến Trung Quốc và các bên tranh chấp Đông Nam Á”, ông Gregory Poling nói.
Chuyên gia Gregory Poling cũng cho rằng, các nước trong ASEAN có liên quan trực tiếp về vấn đề Biển Đông cần đồng thời thúc đẩy đàm phán theo hướng hai chiều (song phương và đa phương) về vấn đề Biển Đông trong các cuộc họp ASEAN, cũng như gây áp lực lên Trung Quốc tại các diễn đàn khác như Liên hợp quốc. Áp lực đó có thể buộc Bắc Kinh tham gia một cách xây dựng hơn vào các cuộc đàm phán trong và ngoài ASEAN.
Bên cạnh việc tiếp tục duy trì cơ chế đồng thuận, các nước cần đặt ASEAN vào trung tâm khi giải quyết các vướng mắc trong khối, nhất là trong vấn đề Biển Đông.
Theo PGS, TSKH Trần Khánh, ASEAN phải thể hiện được vai trò trung tâm của mình hơn nữa trong giải quyết các vấn đề khác biệt, còn tồn tại trong khu vực. Vấn đề Biển Đông không thể giải quyết bằng song phương mà phải bằng đa phương, trong đó vai trò của ASEAN rất quan trọng.
“Phải khẳng định, Biển Đông là không gian sinh tồn, an ninh phát triển ở Đông Nam Á. Nếu ASEAN giải quyết vấn đề này bằng con đường hòa bình, tăng hợp tác, giảm xung đột thì vai trò ASEAN sẽ tăng lên. Nếu ASEAN yếu đi thì có khả năng xảy ra đụng độ, chiến tranh giữa các nước lớn ở Biển Đông. Ngược lại, khi ASEAN mạnh lên, thảm họa địa chính trị hay cạnh tranh quyền lực ở khu vực cũng sẽ giảm đi”, chuyên gia Trần Khánh phân tích.
Đề cập đến việc tìm kiếm, kêu gọi tiếng nói chung của ASEAN trong giải quyết vấn đề Biển Đông, Tiến sĩ Hosoda Takashi kỳ vọng Việt Nam, với tư cách là Chủ tịch ASEAN 2020, sẽ thúc đẩy các nước láng giềng để tăng cường tiếng nói, nhất là với các quốc gia hàng hải trong ASEAN như Singapore, Indonesia, Malaysia và Philippines.
“Một số quốc gia hàng hải trong ASEAN nên thúc đẩy vị trí ‘trung tâm của ASEAN’ trong vấn đề Biển Đông. Sau một loạt các hành động quyết đoán của Trung Quốc ở Biển Đông, lãnh đạo của các quốc gia này đã nhận ra và chia sẻ nhận thức chung về mối đe dọa. Điều quan trọng là phải đồng lòng, có sự nhất trí cao giữa các nước để giải quyết vấn đề chung, góp phần giải quyết vấn đề gai góc trong quá trình hoàn thiện Cộng đồng Chính trị - An ninh theo Tầm nhìn ASEAN 2025”, ông Hosoda Takashi cho hay.
Có thể nói, quá trình xây dựng, hoàn thiện Cộng đồng ASEAN theo Tầm nhìn ASEAN 2025 cần sự đồng thuận, quyết tâm của tất cả các thành viên, trong đó lợi ích quốc gia cũng cần phải đồng hành cùng lợi ích chung của ASEAN. Nếu các nước chỉ quan tâm đến lợi ích quốc gia, phớt lờ trách nhiệm, giá trị chung của khối thì ASEAN khó có thể đạt được mục tiêu đề ra.
Bên cạnh đó, ASEAN cũng cần phải chứng minh, thể hiện mạnh mẽ hơn vai trò trung tâm của mình trong việc giải quyết các vấn đề vướng mắc, tồn tại trong khu vực. Vị thế, ảnh hưởng của ASEAN sẽ được nâng cao một khi tổ chức này ngày càng cho thấy uy tín, tham gia giải quyết tích cực, có trách nhiệm và hiệu quả các vấn đề có liên quan. Chỉ có như vậy thì việc xây dựng, hoàn thiện Cộng đồng ASEAN mới được hiện thực hóa.
Năm 2020, nước ta lần thứ 2 trở thành nước Chủ tịch ASEAN, đồng thời cũng là dịp kỷ niệm 25 năm ngày Việt Nam gia nhập Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á. VTC News xin gửi đến quý độc giả tuyến bài viết tìm hiểu về chặng đường này qua góc nhìn của các nhà ngoại giao cũng như điểm lại các dấu mốc lịch sử quan trọng.
Đọc các kỳ trước:
Kỳ 1: Việt Nam gia nhập ASEAN: Khi lá cờ đỏ sao vàng tung bay trên bầu trời Brunei
Kỳ 2: Việt Nam ‘đi học việc’ và những dấu ấn đặc biệt trong ASEAN
Bài tiếp theo: Trung tâm ASEAN: Thách thức chính là cơ hội và tương lai
Bình luận