Sau 21 năm, thuỷ điện Hoà Bình đã phải xả cả ba cửa đáy sau nhiều đợt mưa lớn kéo dài làm nước dâng cao hơn giới hạn cho phép gần 5 mét; phóng viên báo điện tử VTC News đã có mặt và ghi lại những hình ảnh ấn tượng về đợt xả lũ này.
Lần xả lũ lần này được bắt đầu vào ngày 19 tháng 7 và đến ngày 22 tháng 7 đã xả đến cửa đáy số 3. Tuy xung quanh khu vực xả lũ đã có biển báo cấm lại gần nhưng rất nhiều người dân từ tận Hà Nội và các tỉnh lân cận đã không quản ngại đường xá vẫn đến đây để được chiêm ngưỡng cảnh tượng hùng vỹ này.
Được tin nhà máy sẽ xả lũ cửa số 1 nên rất nhiều người đã tập trung trước giờ xả để không bỏ lỡ cơ hội có một không hai này. Đến ngày hôm sau thì hàng nghìn người đã tập trung xung quanh cửa xả.
Để đảm bảo an toàn cho người dân, ban quản lý nhà máy đã phối hợp với công an tỉnh Hoà Bình, nhanh chóng triển khai lực lượng tại các khu vực quá gần, đặc biệt là các mỏm nhô ra gần khu vực xả lũ.
Theo ghi nhận của phóng viên VTC News, đến sáng ngày 22 tháng 7, trên khu vực nhà máy vẫn còn rất nhiều người đến xem xả lũ nhưng tập trung nhiều bên bờ phải và trên mặt đập.
Video: Sau 21 năm, nhà máy thuỷ điện Hoà Bình đã phải xả 3 cửa đập đáy
Nhà máy thuỷ điện Hoà Bình được xây dựng thành công là nhờ công sức lao động không biết mệt mỏi của hàng chục nghìn con người, trong đó có rất nhiều kỹ sư Liên Xô. Trong quá trình xây dựng, gần 200 người đã mãi mãi nằm xuống.
Sau khi kết thúc xây dựng, các kỹ sư Việt Nam và Liên Xô đã cùng nhau viết một bức tâm thư gửi thế hệ mai sau và chôn bức thư đó trong một khối bê tông. Theo lời dặn thì phải đến năm 2100 mới được phá khối bê tông và mở bức thư đó.
Thời điểm năm 2100 cũng chính là lúc nhà máy thuỷ điện Hoà Bình hết hạn sử dụng và sẽ phải tính đến phương án phả huỷ.
Lá thư đó được đánh bằng máy chữ và đặt vào một ống đồng to hơn bắp tay được xoắn chặt ở hai bên rồi cho vào hốc của tảng bê tông. Đầu tiên cái hốc đó được bịt lại bằng tấm biển cố định bằng bốn chiếc bu lông nhưng sau này có kẻ xấu đã lấy cắp mấy cái bu lông nên người ta đã phải hàn chặt tấm biển lại.
Một điều thú vị về việc xây dựng nhà máy, đó là toàn bộ thân đập nhà máy thuỷ điện Hoà Bình được xây bằng đất sét thay vì bê tông như các công trình thuỷ điện khác bởi đáy sông có nền không ổn định.
Sau khi nghiên cứu, các kỹ sư Liên Xô và Việt Nam đã quyết định xây đập thuỷ điện bằng đất sét. Bởi nếu xây hoàn toàn bằng bê tông thì chỉ cần vỡ một mảng là sẽ nhanh chóng lan ra toàn bộ thân đập, không có thời gian sửa chữa.
Nếu thân đập làm bằng bê tông thì chỉ cần làm một bức tường dày hàng chục mét, như thế cũng rất chắc chắn nhưng về lâu dài sẽ có nhiều rủi ro.
Và nếu vỡ đập thuỷ điện Hoà Bình thì toàn bộ 6 tỉnh đồng bằng Bắc bộ ven sông Hồng sẽ bị cuốn trôi ra biển chỉ trong một ngày. Và thủ đô Hà Nội sẽ ngập dưới 30 mét nước tính từ chỗ cao nhất của nhà ga Hàng Cỏ.
Lựa chọn đất sét là bởi đặc tính không thấm nước lại mềm dẻo, do đó nếu có rò rỉ ở đâu thì cũng có thời gian sửa chữa, khắc phục sự cố trong thời gian ngắn nhất mà không ảnh hưởng đến phần còn lại của thân đập. Vậy thân đập bằng đất sét khi đó được làm như thế nào?
Đầu tiên, những cột bê tông cao hàng chục mét được đóng sâu xuống lòng hồ, sau đó đất sét sẽ được nhồi vào giữa các cột bê tông đó. Cuối cùng là những khối bê tông nặng tầm 10 tấn sẽ được xếp xung quanh rồi trải đá, xi măng lên bên trên. Đó là lý do vì sao chúng ta thấy phần thân đập thuỷ điện Hoà Bình có phần thoai thoải về phía dưới chứ không thẳng đứng.
Còn về sau này, các đập thuỷ điện như Sơn La lại được xây dựng bằng phương pháp đập bê tông trọng lực, tức là các tảng đá núi sẽ được nghiền vụn ra đến khi mịn hơn cả cát, khi đó sẽ được trộn với bê tông và sử dụng để xây thân đập, do đó thân đập sẽ như một khối đá đặc cực kỳ vững chắc.
Hồ thuỷ điện Hoà Bình được khởi công xây dựng vào ngày 7 tháng 11 năm 1979 với sự giúp đỡ của Liên bang Xô Viết cũ. Đó không những là công trình mang giá trị lớn về mặt kinh tế mà còn là minh chứng rõ ràng nhất về tình anh em sâu đậm của hai dân tộc.
Sau 15 năm, vào ngày 20 tháng 12 năm 1994, nhà máy thuỷ điện Hoà Bình được khánh thành nhưng đã có 9 năm vừa quản lý vận hành, vừa giám sát thi công các tổ máy. Vào thời điểm đó, nhà máy thuỷ điện Hoà Bình được đánh giá là một trong những nhà máy thuỷ điện an toàn nhất thế giới, chỉ sau Aswan của Ai Cập.
Trong thời gian xả lũ lần này với khối lượng nước rất lớn đã làm ảnh hưởng đến việc chăn nuôi, sản xuất của nhiều người dân vùng hạ nguồn, gây tổn thất về kinh tế.
Nhưng điều gì sẽ xảy ra nếu đập tiếp giữ nước từ thượng nguồn, không xả thì sẽ có ngày đập vỡ và nếu vậy thì không những thiệt hại về kinh tế mà còn là tính mạng của hàng triệu con người sống dọc khu vực dòng nước đi qua.
Vậy nên, nếu mất của còn có thể xây dựng lại nhưng mất mạng thì không làm lại được đâu.
Bình luận