Ủy ban khẩn cấp của WHO lần đầu tiên đưa ra tuyên bố về COVID-19 vào ngày 30/1/2020. Quyết định này giúp đẩy nhanh quá trình nghiên cứu, tài trợ và các biện pháp y tế công cộng quốc tế để ngăn chặn dịch bệnh.
Trong những tháng gần đây, cơ quan của Liên hợp quốc cho biết, trong khi các ca bệnh đang giảm ở nhiều nơi trên thế giới, các quốc gia vẫn cần duy trì cảnh giác và thúc đẩy tiêm chủng cho các nhóm dân số dễ bị tổn thương nhất.
Ủy ban của WHO cho biết: “Mặc dù công chúng nhận thức rằng đại dịch đã kết thúc ở một số nơi trên thế giới, nhưng nó vẫn là sự kiện sức khỏe cộng đồng có ảnh hưởng xấu và mạnh mẽ đến sức khỏe của mọi người".
WHO lưu ý rằng mặc dù số người chết hàng tuần do dịch bệnh đã rơi xuống mức thấp nhất kể từ khi đại dịch bắt đầu, con số này vẫn ở mức cao so với số người chết do các loại bệnh virus khác gây ra.
Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus nói với các phóng viên: “Đại dịch này đã từng khiến chúng ta bất ngờ trước đây và rất có thể điều đó sẽ xảy ra một lần nữa”.
WHO cũng cảnh báo về các biến chứng liên quan đến COVID-19 và các tình trạng hậu COVID-19, khi tác động đầy đủ của những điều này vẫn chưa được hiểu rõ hoàn toàn. Ủy ban khẩn cấp nhận định đợt bùng phát có thể tiến triển trong mùa đông sắp tới ở bắc bán cầu.
Trong khi đó, những lỗ hổng hiện tại trong giám sát toàn cầu đối với COVID-19 có thể cản trở việc xác định sớm và đánh giá sự tiến hóa của virus. Với việc loại virus này dự kiến sẽ tiếp tục phát triển, các biến thể có thể gây ra thách thức đối với vaccine và phương pháp điều trị hiện tại.
Ủy ban khuyến nghị cần có ba ưu tiên chính trong tương lai: tăng cường giám sát và đạt được các mục tiêu tiêm chủng cho các nhóm nguy cơ; tiếp tục tăng cường khả năng tiếp cận các phương pháp trị liệu giá cả phải chăng; và tăng cường lập kế hoạch chuẩn bị sẵn sàng cho đại dịch, đồng thời tiếp tục bảo vệ các nhóm có nguy cơ cao nhất.
Bình luận