• Zalo

Vua Quang Trung ba lần viết chiếu cầu hiền vị danh sĩ nào?

Hỏi - ĐápThứ Sáu, 08/11/2024 11:30:00 +07:00Google News
(VTC News) -

Đây là danh sĩ cuối đời Hậu Lê và Tây Sơn, từng dâng kế giúp vua Quang Trung đại phá quân Thanh.

Ông chính là Nguyễn Thiếp (1723-1804), danh sĩ, nhà giáo nổi tiếng giai đoạn cuối thế kỳ XVIII, quê ở Đức Thọ, Hà Tĩnh. 

Tương truyền, từ nhỏ Nguyễn Thiếp bộc lộ thiên chất thông minh, học rộng, hiểu sâu, sớm nhận biết được nhân tình thế thái. Năm 20 tuổi, ông đi thi Hương và đậu hương giải, được bổ làm Huấn Đạo rồi thăng Tri huyện Thanh Chương (Nghệ An).

Ra làm quan giữa thời buổi nhiễu nhương, với cảnh tượng “chúa ác, vua hèn”, giặc giã liên miên, càng ngày Nguyễn Thiếp càng bộc lộ nỗi ưu thời mẫn thế, chán ghét chốn quan trường.

Năm 1786, Nguyễn Thiếp quyết định rũ áo, từ quan, lên núi Thiên Nhẫn lập trại và dạy học, bắt đầu sống cuộc đời ẩn cư với danh hiệu La Sơn Phu Tử. Nổi tiếng là người đạo hạnh thanh cao, có trình độ uyên bác, uy tín của Nguyễn Thiếp dần được lưu truyền, lan tỏa khắp cả nước. 

Không chỉ học trò, ông còn nhận được sự kính trọng rất lớn từ danh sĩ, trí thức và cả vua Quang Trung. Vua ba lần viết chiếu cầu hiền, mời ông ra giúp nước với lời lẽ hết sức thắm thiết nhưng đều bị từ chối. Tới lần thứ tư, ông mới nhận lời.

Tượng La Sơn Phu Tử Nguyễn Thiếp.

Tượng La Sơn Phu Tử Nguyễn Thiếp.

Cuối năm 1788, theo lời cầu khẩn của Lê Chiêu Thống, hoàng đế nhà Thanh sai Tổng đốc Lưỡng Quảng Tôn Sĩ Nghị mang tới 290.000 quân xâm lược nước ta. Vua Quang Trung mời La Sơn Phu Tử Nguyễn Thiếp tới hội kiến, bàn kế đánh giặc.

Theo một số tài liệu lịch sử, Nguyễn Thiếp hiến mưu kế, giúp vua Quang Trung them góc nhìn đúng đắn về tình hình quân địch, cũng như chiến lược đại phá quân Thanh. 

Sau ngày đại thắng, Quang Trung không quên ơn La Sơn Phu Tử. Trong bức thư gửi Nguyễn Thiếp, nhà vua thổ lộ: “Trẫm ba lần xa giá Bắc thành, Tiên sinh đã chịu ra bàn chuyện thiên hạ. Người xưa bảo rằng: Một lời nói mà dấy nổi cơ đồ. Lời Tiên sinh hẳn có thế thật”.

Năm 1791, vua Quang Trung thành lập Viện Sùng ngay tại nơi Nguyễn Thiếp ở ẩn và mời ông làm viện trưởng với nhiệm vụ biên dịch các sách chữ Hán sang chữ Nôm, thực hiện biện pháp cải cách giáo dục, đào tạo nhân tài. Đây chính là thư viện đầu tiên của nước ta.

Nguyễn Thiếp dịch nhiều bộ sách quan trọng từ chữ Hán sang chữ Nôm, như Tiểu học, Tứ thư, Kinh thi, Kinh thư, Kinh dịch… để chuẩn bị quy chế mới về học tập và thi cử dưới thời Tây Sơn.

Năm 1792, vua Quang Trung đột ngột băng hà, mọi lo toan cho sự nghiệp giáo dục của La Sơn Phu tử bị đứt quãng. Sau khi tiêu diệt nhà Tây Sơn, Nguyễn Ánh đã xử những người theo Tây Sơn vô cùng tàn bạo. Tuy nhiên, với Nguyễn Thiếp, Nguyễn Ánh vẫn có lòng kính trọng nhất định, ngỏ ý muốn mời ông ra giúp triều đình nhưng ông từ chối.

Nguyễn Thiếp về lại Thiên Nhẫn, tiếp tục sống cuộc đời ẩn dật như xưa, không bận lòng đến thế sự. Năm 1804, ông mất tại quê nhà trong niềm tiếc thương vô hạn của giới sĩ phu và người dân hiếu học.

Kim Nhã
Bình luận
vtcnews.vn