Sáng 26/3, phiên xét xử bị cáo Trương Mỹ Lan (68 tuổi, Chủ tịch Tập đoàn Vạn Thịnh Phát) và 85 bị cáo khác tiếp tục phần bào chữa.
Cho nghỉ việc vì không làm theo chỉ đạo
Bào chữa cho bị cáo Lê Anh Phương (cựu Giám đốc SCB chi nhánh Sài Gòn), luật sư cho rằng, mức án mà VKSND TP.HCM đề nghị cho thân chủ từ 8 - 9 năm tù về tội Vi phạm quy định về hoạt động Ngân hàng, hoạt động khác liên quan đến hoạt động Ngân hàng là khá nặng.
Theo luật sư, bị cáo Lê Anh Phương với vai trò làm công ăn lương, nhận chỉ đạo của cấp trên, Phương đã ký tờ trình thẩm định, hợp đồng tín dụng, hợp đồng thế chấp/cầm cố… để các khách hàng ở Tập đoàn Vạn Thịnh Phát vay vốn.
Bị cáo Lê Anh Phương không được trao đổi, bàn bạc, hứa hẹn, cho hưởng lợi gì ngoài lương, thưởng và chính sách theo hợp đồng lao động.
Cũng theo luật sư, mô hình quản trị SCB là quản trị tập trung tại hội sở, tất cả các chi nhánh được xem là đơn vị kinh doanh, Giám đốc chi nhánh chỉ thực hiện nhiệm vụ ký hợp đồng tín dụng, hợp đồng thế chấp mà không có quyền thẩm định lại những hồ sơ do khối tái thẩm định đưa xuống.
"Do tin tưởng cấp trên và danh tiếng của bà Lan, tại thời điểm đó không thể biết những người đứng tên hộ tài sản đảm bảo. Trong quá trình làm việc bị cáo Lê Anh Phương cũng nhiều lần không đồng ý thực hiện và đã bị lãnh đạo SCB cho nghỉ việc tháng 10/2020", luật sư nói.
Cụ thể, năm 2020 khi bị cáo Phương đang làm Giám đốc SCB chi nhánh Sài Gòn, có một số khoản vay được bị cáo Trần Thị Mỹ Dung (Phó tổng Giám đốc SCB), Trương Khánh Hoàng (cựu quyền Tổng Giám đốc Ngân hàng SCB) chỉ đạo chi nhánh lập hồ sơ cho vay.
Tuy nhiên, bị cáo Phương đã không đồng ý đối với các khoản vay này. Ngay sau đó, Bùi Anh Dũng (Chủ tịch Hội đồng quản trị SCB) mời Phương lên nói sẽ sắp xếp cho qua đơn vị khác và Phương nghỉ công tác tại SCB từ đó.
"Việc này thể hiện ý chí chủ quan của bị cáo Phương khi nhận biết những hồ sơ vay vốn sai đã không thực hiện và chấp nhận nghỉ việc. Đồng thời, quá trình phê duyệt hồ sơ vay, Phương cũng không được trực tiếp gặp, trao đổi, giao dịch, đàm phán với khách hàng vay vốn mà tất cả chỉ thông qua 2 người khác", luật sư trình bày.
Luật sư cũng cho rằng, bị cáo Phương chỉ tham gia với vai trò người giúp sức nhưng không đáng kể, phạm tội không vì động cơ vụ lợi hoặc động cơ cá nhân khác, là người có quan hệ lệ thuộc người làm công hưởng lương, khi phát hiện sai phạm đã kiên quyết không thực hiện.
Quá trình điều tra, bị cáo đã ăn năn hối cải, thành khẩn khai báo; tự nguyện nộp tiền, tài sản để khắc phục hậu quả do hành vi phạm tội của bản thân gây ra. Ngoài ra, bị cáo còn cung cấp những tài liệu chứng cứ của những tội phạm khác, bị cáo khác giúp mở rộng điều tra, củng cố hành vi của Trương Mỹ Lan và các đồng phạm.
Vì thế, luật sư đề nghị HĐXX xem xét cho bị cáo Phương được giảm nhẹ hình phạt.
Đề nghị miễn hình phạt
Bào chữa cho bị cáo Trần Thuận Hòa (thành viên HĐQT Ngân hàng SCB) bị đề nghị 4 - 5 năm tù, luật sư đề nghị HĐXX xử áp dụng chính sách khoan hồng của Nhà nước để miễn hình phạt cho bị cáo hoặc áp dụng Điều 65 Bộ luật Hình sự 2015 phạt tù 1 năm tù treo.
Theo luật sư, thực hiện đề án tái cơ cấu, hợp nhất 3 ngân hàng theo chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước, với yêu cầu cấp bách cần thiết để xử lý những tồn tại khó khăn liên quan đến những khoản nợ xấu, có khả năng mất vốn đã tốn tại từ trước đó của các Ngân hàng SCB, Ngân hàng Đệ Nhất, Ngân hàng Tín Nghĩa.
Vì những sự việc chưa có tiền lệ, chưa được hướng dẫn chính thức thức nên các bị cáo trong nhóm HĐQT rất khó khăn, thách thức trong việc quyết định thực hiện 71 khoản vay xử lý cho nợ xấu tồn tại trước đây theo phương án tối ưu nhất có thể.
Vì thế, để đảm bảo an toàn nhất, tránh nguy cơ mất vốn nếu xảy ra tình huống xấu nhất, các bị cáo đã đồng ý bổ sung loạt tài sản của Tập đoàn Vạn Thịnh Phát để đảm bảo cho 71 khoản vay với giá trị tài sản được định giá gần 53.000 tỷ so với tổng dư nợ gốc hơn 19.000 tỷ.
Việc bị cáo Hòa ký 2 phiếu biểu quyết về việc cấp tín dụng cho 71 khách hàng vay là vì công việc chung của Ngân hàng SCB, bản thân bị cáo không có động cơ vụ lợi, cũng không nhận được bất kỳ lợi ích gì trong việc ký 2 phiếu biểu quyết này. Việc biểu quyết của bị cáo Hòa là theo quy trình của Ngân hàng.
Cũng theo luật sư, VKSND áp dụng tình tiết tăng nặng phạm tội nhiều lần cho bị cáo là chưa thoả đáng. Vì đây là đề án tái cơ cấu xử lý chung của 71 khoản vay đã mất vốn, nợ xấu cũ tồn tại để lại.
Bị cáo mong muốn đổi mới, xây dựng phát triển ngân hàng, không có tính quyết định, lần đầu phạm tội, không có động cơ vụ lợi, là người làm công ăn lương và chỉ đơn thuần thực hiện theo chỉ đạo nên mong mức án khoan hồng.
Bình luận