Ngày 24/6, Trung tướng Tô Ân Xô , người phát ngôn Bộ Công an cho biết, Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an đã ra quyết định khởi tố vụ án hình sự "buôn lậu" và "trốn thuế" xảy ra tại cửa khẩu Lao Bảo, tỉnh Quảng Trị; Công ty CP Đầu tư vàng Phú Quý và các đơn vị liên quan.
Kết quả điều tra ban đầu xác định từ năm 2022 đến nay, Nguyễn Thị Hóa, trú thị trấn Lao Bảo, huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị và Nguyễn Thị Gái đã tổ chức đường dây buôn lậu trên 3 tấn vàng, có tổng trị giá khoảng 5.000 tỉ đồng. Số lượng vàng lậu được đưa từ Lào về Việt Nam qua cửa khẩu Lao Bảo, tỉnh Quảng Trị để bán cho các cửa hàng vàng tại Việt Nam thu lời bất chính.
Kết quả điều tra cũng xác định Công ty CP Đầu tư vàng Phú Quý đã kê khai và báo cáo quyết toán thuế năm 2021 không trung thực, có dấu hiệu trốn thuế, gây thiệt hại cho Nhà nước, bước đầu xác định là 6,145 tỉ đồng.
Căn cứ tài liệu, chứng cứ thu thập được, cơ quan điều tra đã ra quyết định khởi tố bị can và áp dụng biện pháp ngăn chặn đối với hai người gồm: Lê Xuân Tùng - Chủ tịch hội đồng quản trị kiêm tổng giám đốc Công ty CP Đầu tư vàng Phú Quý và Lê Thúy Quỳnh về tội "trốn thuế". Đồng thời cơ quan điều tra ra quyết định khởi tố bị can và áp dụng biện pháp ngăn chặn đối với 18 người về tội Buôn lậu, trong đó có: Nguyễn Thị Hóa, Nguyễn Thị Gái, Nguyễn Thị Vân (điều hành cửa hàng vàng Kim Linh)…
Dưới góc độ pháp lý, luật sư Nguyễn Đức Hùng, Chủ tịch HĐTV Công ty Luật TNHH A&H – Đoàn luật sư thành phố Hà Nội cho biết, hiện nay, Cơ quan Cảnh sát điều tra mới khởi tố vụ án và khởi tố bị can, đây là giai đoạn đầu của hoạt động điều tra đối với vụ án. Nội dung vụ án, tính chất và mức độ vi phạm và trách nhiệm hình sự cụ thể đối với từng bị can như thế nào sẽ còn phụ thuộc vào kết quả của các hoạt động điều tra, truy tố và xét xử vụ án của các Cơ quan tiến hành tố tụng có thẩm quyền.
Tuy nhiên, theo kết quả điều tra ban đầu, với số lượng vàng buôn lậu lên đến hơn 3 tấn (tổng trị giá khoảng 5.000 tỷ đồng) và các hành vi trốn thuế gây thiệt hại cho ngân sách Nhà nước bước đầu xác định là 6,145 tỷ đồng, thì đây là vụ án đặc biệt nghiêm trọng, xâm phạm đến trật tự quản lý kinh tế, chế độ quản lý ngoại thương và quản lý thuế của Nhà nước.
Theo luật sư Hùng, với cáo buộc buôn lậu hơn 3 tấn vàng (trị giá khoảng 5.000 tỷ đồng) thì các đối tượng sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về “Tội buôn lậu”, với tình tiết định khung là “vật phạm pháp trị giá 1.000.000.000 đồng trở lên”, có khung hình phạt là phạt tù từ 12 năm đến 20 năm theo quy định tại Khoản 4 Điều 188 Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017.
Đối với các đối tượng bị cáo buộc trốn thuế, gây thiệt hại cho Nhà nước 6,145 tỷ đồng thì sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về “tội trốn thuế”, với tình tiết định khung là “phạm tội trốn thuế với số tiền 1.000.000.000 đồng trở lên”, có loại và khung hình phạt là phạt tiền từ 1.500.000.000 đồng đến 4.500.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 02 năm đến 07 năm theo quy định tại Khoản 3 Điều 200 Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017.
Ngoài ra, người phạm “tội buôn lậu” hoặc “tội trốn thuế” còn có thể bị áp dụng hình phạt bổ sung là phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản (Khoản 5 Điều 188 và Khoản 4 Điều 200 Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017).
Trong vụ án này, theo luật sư Hùng, bên cạnh việc xử lý trách nhiệm hình sự của các cá nhân thì các Cơ quan tiến hành tố tụng cũng cần phải điều tra, làm rõ là Cổ phần Đầu tư Vàng Phú Quý (pháp nhân thương mại) có phạm các tội danh “buôn lậu” hoặc “trốn thuế” hay không? Theo quy định tại Khoản 1 Điều 75 Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017 thì pháp nhân thương mại sẽ phải chịu trách nhiệm hình sự khi có đủ các điều kiện sau đây: “a) Hành vi phạm tội được thực hiện nhân danh pháp nhân thương mại; b) Hành vi phạm tội được thực hiện vì lợi ích của pháp nhân thương mại; c) Hành vi phạm tội được thực hiện có sự chỉ đạo, điều hành hoặc chấp thuận của pháp nhân thương mại; d) Chưa hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều 27 của Bộ luật này.”
Trong trường hợp có đủ căn cứ buộc tội và bị án về các tội danh này thì Cổ phần Đầu tư Vàng Phú Quý cũng sẽ phải chịu các hình phạt theo quy định của pháp luật. Cụ thể:
Đối với “tội buôn lậu”, các pháp nhân thương mại phạm tội (với vật phạm pháp trị giá 1.000.000.000 đồng trở lên) thuộc trường hợp quy định tại Khoản 4 Điều 188 Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017, thì sẽ bị phạt tiền từ 7.000.000.000 đồng đến 15.000.000.000 đồng hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn từ 06 tháng đến 03 năm. Bên cạnh hình phạt chính nêu trên thì pháp nhân thương mại phạm “tội buôn lậu” cũng có thể bị áp dụng hình phạt bổ sung là phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 300.000.000 đồng, cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định hoặc cấm huy động vốn từ 01 năm đến 03 năm (điểm d, và điểm e Khoản 6 Điều 188 Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017).
Đối với “tội trốn thuế”, các pháp nhân thương mại phạm tội (với số tiền 1.000.000.000 đồng trở lên) thuộc trường hợp quy định tại Khoản 3 Điều 200 Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017, thì sẽ bị phạt tiền từ 3.000.000.000 đồng đến 10.000.000.000 đồng hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn từ 06 tháng đến 03 năm. Đồng thời, pháp nhân thương mại phạm tội này còn có thể bị áp dụng hình phạt bổ sung là phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng, cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định hoặc cấm huy động vốn từ 01 năm đến 03 năm (điểm c và điểm đ Khoản 5 Điều 200 Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017)
Trong trường hợp bị kết luận là “gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội và không có khả năng khắc phục hậu quả gây ra” thì pháp nhân thương mại phạm “tội buôn lậu” hoặc “tội trốn thuế” còn có thể bị bị đình chỉ hoạt động vĩnh viễn theo quy định tại Điều 79 và điểm đ Khoản 6 Điều 188 và điểm d Khoản 5 Điều 200 Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017).
Bình luận