Hàn Quốc bắt đầu đầu tư vào Việt Nam từ những năm 1990 và nhanh chóng trở thành đối tác lớn. Tính đến năm 2008, có 2.114 doanh nghiệp nước này hoạt động ở Việt Nam với tổng số vốn lũy kế là 18,952 tỷ USD.
Đặc biệt, kể từ khi hai nước thiết lập quan hệ đối tác chiến lược vào năm 2012, đầu tư của Hàn Quốc vào Việt Nam đã tăng vọt.
Vốn đầu tư tăng mạnh
Theo Nikkei Asia, năm 2013, các doanh nghiệp Hàn Quốc đầu tư 3,8 tỷ USD vào Việt Nam. Tuy nhiên, chỉ sau đó một năm, vốn đầu tư đã tăng gần gấp đôi lên 6,1 tỷ USD và giúp Hàn Quốc trở thành quốc gia có vốn FDI lớn nhất tại Việt Nam.
Qua các năm, khoản vốn này vẫn duy trì tăng ổn định. Cụ thể, năm 2015, số vốn đầu tư của Hàn Quốc vào Việt Nam là 6,72 tỷ USD; năm 2016 là 7 tỷ USD; năm 2017 đạt 8,49 tỷ USD; năm 2018 là 7,2 tỷ USD và năm 2019 là 7,92 tỷ USD.
Năm 2020, do tác động của đại dịch Covid -19, vốn đầu tư giảm sâu nhưng vẫn đạt 3,9 tỷ USD, rồi đến năm 2021 lại bật tăng trở lại đạt 7,4 tỷ USD. Tuy vậy, đến năm 2022, do suy giảm kinh tế toàn cầu, vốn đầu tư từ Hàn Quốc vào Việt Nam đã giảm xuống còn 4,88 tỷ USD.
Dù vậy, theo SMCP, đây vẫn là đối tác đầu tư đưa ra nhiều quyết định đầu tư mới nhất (chiếm 20,4% số dự án mới, 32,6% số lượt điều chỉnh dự án và 34,1% số lượt góp vốn, mua cổ phần).
Đáng chú ý, nếu trước đây, các dự án FDI của Hàn Quốc vào Việt Nam chủ yếu có quy mô nhỏ và vừa thì hiện nay có hàng loạt dự án quy mô lớn, điển hình là các dự án của Samsung vào Bắc Ninh, Thái Nguyên, TP.HCM, dự án của LG tại Hải Phòng... Nhờ đó, Việt Nam đã trở thành điểm sản xuất toàn cầu của nhiều tập đoàn hàng đầu Hàn Quốc.
Bên cạnh đó còn nhiều dự án lớn khác như nhà máy gang thép của Tập đoàn Posco với tổng vốn đăng ký 1,126 tỷ USD; dự án tổ hợp văn phòng - khách sạn Landmark Tower của Tập đoàn Keangnam với tổng vốn 1 tỷ USD; dự án cụm tháp đôi khách sạn Hà Nội Plaza và khu văn phòng cao cấp với tổng vốn đầu tư 500 triệu USD của Tập đoàn Charmvit...
Khởi đầu từ dệt may và đến nay là công nghệ, cùng với thời gian, vốn đầu tư của Hàn Quốc còn mở rộng sang các lĩnh vực mới như xây dựng, bất động sản, phân phối, bán lẻ, văn phòng, khách sạn, bảo hiểm... Tính đến năm 2022, vốn FDI Hàn Quốc trong lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo vẫn chiếm tỷ lệ cao nhất trong tổng vốn đầu tư với 86%.
Sức hấp dẫn của thị trường Việt Nam
Theo tờ Newdaily của Hàn Quốc, để có được sự hợp tác như ngày hôm nay, phải kể đến sức hấp dẫn của thị trường Việt Nam, từ tiềm năng phát triển đến thể chế chính trị ổn định.
Cụ thể, tốc độ tăng trưởng kinh tế của Việt Nam năm 2022 đạt 8,02%, thuộc nhóm cao nhất trong khu vực. Quy mô của ngành cơ sở hạ tầng tại Việt Nam được dự đoán tăng trưởng trung bình 9,8%.
Đây là những minh chứng cho thấy tiềm năng phát triển vượt bậc của kinh tế Việt Nam, đồng thời là nguồn hấp dẫn đối với các doanh nghiệp Hàn Quốc.
Từ năm 2012 đến nay, các công ty xây dựng lớn của Hàn Quốc liên tục tăng cường sự hiện diện tại Việt Nam thông qua các dự án phát triển quy mô lớn tại nhiều địa phương.
Dựa trên kinh nghiệm của các dự án đi trước tại Hàn Quốc, các công ty như Daewoo E&C, Lotte E&C và GS E&C đang tích cực đầu tư vào các dự án xây dựng khu đô thị thông minh tại Việt Nam với mức tăng trưởng ổn định và tạo ra lợi nhuận cao.
Nhiều lãnh đạo công ty Hàn Quốc đều đánh giá Việt Nam hiện là thị trường hấp dẫn với tiềm năng tăng trưởng cao, theo Newdaily.
Nhiều nghiên cứu của giới chuyên gia nước này khẳng định rằng việc Chính phủ Việt Nam mở rộng các dự án phát triển cơ sở hạ tầng dựa trên các dự án hợp tác công tư (PPP) - với mục tiêu thúc đẩy tăng trưởng và đa dạng hóa cơ cấu kinh tế - sẽ là cơ hội tốt với nhiều công ty Hàn Quốc.
Bình luận