Hội trường khách sạn JW Marriott, nơi tổ chức Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam - Hàn Quốc chiều 23/6 kín chỗ với sự có mặt của hơn 500 doanh nghiệp hai nước.
Kết thúc sự kiện, hơn 100 công ty Hàn Quốc và Việt Nam đã trao đổi biên bản ghi nhớ hợp tác.
Tại diễn đàn, Tổng thống Hàn Quốc Yoon Sul-Yeol cho biết Hàn Quốc đang triển khai các chính sách đối ngoại lớn như Tầm nhìn quốc gia chủ chốt toàn cầu (GPS) và Sáng kiến đoàn kết Hàn Quốc - ASEAN (KASI). Trong đó, quốc gia quan trọng nhất đối với Hàn Quốc trong Sáng kiến KASI là Việt Nam.
Thu hút đầu tư có chọn lọc
Tổng thống Hàn Quốc đánh giá cao cơ hội và triển vọng hợp tác thương mại và đầu tư với Việt Nam. Trong đó, mục tiêu kim ngạch thương mại song phương hai nước sẽ đạt 150 tỷ USD vào năm 2030.
Nhằm thúc đẩy thương mại, đầu tư Việt - Hàn trong thời gian tới, Tổng thống Hàn Quốc cho biết ngoài đẩy mạnh hợp tác trên một số lĩnh vực, việc hai nước cần làm hiện nay là phá vỡ những rào cản đang ngăn cản hoạt động thương mại, đầu tư giữa hai nước.
Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết rất hoan nghênh sự tham gia tích cực của các nhà đầu tư nước ngoài, nhất là doanh nghiệp Hàn Quốc.
Định hướng thu hút đầu tư của Việt Nam hiện nay là thu hút có chọn lọc, ưu tiên các lĩnh vực kinh tế xanh, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn, kinh tế tri thức, lấy khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo làm nền tảng, lấy chất lượng, hiệu quả, công nghệ và bảo vệ môi trường là tiêu chí đánh giá chủ yếu.
Thúc đẩy năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp Việt
Tại diễn đàn, Tổng giám đốc Samsung Việt Nam Choi Joo Ho nhận định chuỗi cung ứng của các doanh nghiệp toàn cầu đang được tái cấu trúc mạnh mẽ.
Trong bối cảnh đó, ông cho biết triết lý kinh doanh của Samsung là "tương sinh cùng phát triển", hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam gia tăng năng lực cạnh tranh trên chuỗi cung ứng toàn cầu.
Theo đó, Samsung đã chia sẻ các kỹ năng sản xuất cho doanh nghiệp Việt Nam theo yêu cầu của Chính phủ; chia sẻ kinh nghiệm về xây dựng nhà máy thông minh nhằm cải thiện năng lực cạnh tranh trong ngành sản xuất địa phương.
Tập đoàn cho biết đã tư vấn cho gần 400 công ty, giúp thúc đẩy sản lượng 39%, giảm hàng tồn kho 36% và sản phẩm lỗi 52%.
Trong số 379 doanh nghiệp tham gia chương trình đào tạo, 33 công ty đã trở thành đối tác của Samsung. Tập đoàn lên kế hoạch tiếp tục tư vấn cho 24 doanh nghiệp và 50 chuyên gia trong năm 2023.
Samsung Electronics sản xuất gần một nửa số điện thoại thông minh Galaxy tại các nhà máy thuộc tỉnh Bắc Ninh, Thái Nguyên và TP.HCM. Mặt hàng này đóng góp vào khoảng 20% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam.
Ông Lee Jae-yong - Chủ tịch Tập đoàn Samsung - đánh giá "sự phát triển của Việt Nam chính là sự phát triển của các doanh nghiệp Hàn Quốc, sự thành công của Việt Nam chính là sự thành công của các doanh nghiệp Hàn Quốc".
Tiềm năng của kinh tế số
Trong khi đó, tại diễn đàn, đại diện Shinhan Bank đánh giá tiềm năng của thị trường kỹ thuật số của Việt Nam đang rất cao. Tầng lớp thanh niên trẻ tham gia vào thị trường này gia tăng nhanh.
"Chúng tôi đã đầu tư vào Việt Nam 30 năm, và một trong những yếu tố giúp chúng tôi đánh giá cao môi trường đầu tư tại Việt Nam là tăng trưởng GDP cao và ổn định trong nhiều năm liền", đại diện ngân hàng cho biết.
"Fintech đóng vai trò lớn trong việc nâng cao giá trị doanh nghiệp. Nhờ đó, chúng ta có thể tạo ra những sản phẩm có giá trị gia tăng cao", đại diện Shinhan Bank khẳng định. Ông cho biết ngân hàng đang cố gắng cộng sinh cùng phát triển với các doanh nghiệp Việt Nam trong phát triển kinh tế số.
Với triết lý tương sinh cùng phát triển, Samsung Việt Nam sẽ tiếp tục hợp tác với Việt Nam, tăng cường mối quan hệ đối tác hiện có nhằm thúc đẩy ngành công nghiệp hỗ trợ và nâng cao khả năng cạnh tranh của các công ty trong nước
Tổng giám đốc Samsung Việt Nam Choi Joo Ho
Phát biểu tại diễn đàn, ông Đỗ Nhất Hoàng, Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài - cho biết tình hình thế giới đang chịu nhiều khó khăn, bất ổn với xung đột Nga - Ukraine; nhiều tập đoàn đa quốc gia tái cơ cấu chuỗi sản xuất, hạn chế hoạt đầu đầu tư mới; cùng với khủng hoảng của một số ngân hàng.
Ông cũng chỉ ra cạnh tranh thu hút đầu tư nước ngoài của các nước trong khu vực gia tăng; một số đối tác nước ngoài của Việt Nam như Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ và châu Âu có xu hướng giảm đầu tư ra nước ngoài do chi phí đầu tư tăng. Cùng với đó là việc áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu.
"Trong nước, Chính phủ đang thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp để tháo gỡ khó khăn, phục hồi và phát triển kinh tế. Nhưng tình hình kinh tế Việt Nam năm 2023 gặp nhiều khó khăn, thách thức do ảnh hưởng của kinh tế thế giới", ông Hoàng cho biết.
"Cùng với đó là thủ tục hành chính còn bất cập, tình trạng thiếu điện ở một số địa phương phía Bắc, sức mua của thị trường giảm và tình trạng thiếu hụt lao động, nhất là lao động chất lượng cao", ông nói thêm.
Nhận xét về xu hướng đầu tư, ông Hoàng cho biết Nhật Bản, Hàn Quốc đang có xu hướng chậm lại các quyết định đầu tư vào Việt Nam do những vấn đề nội tại của nền kinh tế.
Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam - Hàn Quốc là một trong những hoạt động được tổ chức nhân dịp Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol và phu nhân thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam từ ngày 22 đến 24/6 theo lời mời của Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng.
Chủ tịch các tập đoàn hàng đầu như Samsung Electronics, SK, Hyundai Motor, LG, Lotte cũng có trong đoàn tháp tùng Tổng thống Yoon Suk-yeol thăm Việt Nam.
Theo Yonhap, phái đoàn doanh nghiệp tháp tùng Tổng thống Hàn Quốc gồm 205 thành viên thuộc nhiều lĩnh vực như tài chính, luật, y tế, công nghệ thông tin, dịch vụ. Phái đoàn được đánh giá có quy mô lớn nhất dưới thời chính quyền hiện tại, bao gồm Chủ tịch điều hành Samsung Electronics Lee Jae-yong, Chủ tịch Tập đoàn SK Chey Tae-won và Chủ tịch Tập đoàn ôtô Hyundai Euisun Chung.
Hiện nay, Hàn Quốc là một trong những đối tác quan trọng hàng đầu của Việt Nam, đứng thứ nhất về đầu tư trực tiếp (FDI), thứ hai về hỗ trợ phát triển (ODA) và thứ ba về thương mại.
Năm 2022, kim ngạch thương mại song phương đạt 87 tỷ USD, tăng 11,4% so với năm 2021. Trong quý I, kim ngạch thương mại giữa Việt Nam và Hàn Quốc là 18,1 tỷ USD.
Bình luận