Theo bà Trần Thị Mai Hân - chuyên gia hoạch định tài chính cá nhân tại CTCP Tư vấn đầu tư và Quản lý gia sản FIDT, những đôi vợ chồng trẻ có thể tham gia bảo hiểm nhân thọ từ sớm khi tình trạng sức khỏe còn tốt và mức phí bảo hiểm nhân thọ thấp. Tuy nhiên, cần cân nhắc kỹ khả năng tài chính, theo đó mức phí đóng cho hợp đồng bảo hiểm nhân thọ nên trong khoảng 5 - 8% thu nhập năm.
"Mức phí đóng bảo hiểm quá thấp thì giá trị bảo vệ không tương xứng, không đủ để bù đắp thiếu hụt về tài chính trong những tình huống cần thiết. Ngược lại, mức phí bảo hiểm quá cao sẽ tạo gánh nặng tài chính cho gia đình, gây khó khăn trong việc duy trì bảo hiểm nhân thọ dài hạn", bà Hân phân tích.
Tư vấn về các quyền lợi cần có trong hợp đồng bảo hiểm, bà Hân cho rằng sẽ phụ thuộc vào sản phẩm của mỗi công ty bảo hiểm. Thông thường, một hợp đồng bảo hiểm nhân thọ có các quyền lợi chính như quyền lợi tử vong, thương tật toàn bộ vĩnh viễn hoặc các quyền lợi bổ sung như quyền lợi bệnh hiểm nghèo, tai nạn, nằm viện, hỗ trợ đóng phí.
Các quyền lợi nên ưu tiên mua là các quyền lợi chi trả cho biến cố lớn như tử vong, thương tật toàn bộ vĩnh viễn, bệnh hiểm nghèo. Sau đó sẽ đến các quyền lợi nằm viện, giường dịch vụ, dịch vụ y tế cao cấp. Ngoài ra, khi thu nhập tăng, khách hàng có thể cân nhắc mua thêm bảo hiểm sức khỏe cho các quyền lợi khám chữa bệnh, nằm viện.
Chị Lê Anh, một nhân viên tư vấn bảo hiểm lâu năm tại Hà Nội cho hay, nếu vợ chồng trẻ đã có ý định tham gia bảo hiểm nhân thọ để bảo vệ tài chính trước các biến cố thì nên mua càng sớm càng tốt. Bởi lẽ, khi tham gia ở độ tuổi càng muộn thì phí bảo hiểm sẽ càng đắt và có thêm nhiều điều khoản loại trừ.
Tuy nhiên, mua bảo hiểm là quá trình lâu dài, nên vấn đề tài chính cần được cân nhắc kỹ để lựa chọn gói bảo hiểm phù hợp.
Ví dụ với thu nhập hai vợ chồng 70 - 100 triệu đồng/tháng thì có thể mua gói tài chính cao, khoản phí bảo hiểm của cả 2 hợp đồng này nên dao động từ 10-15% thu nhập/tháng.
Với gói này, sẽ có các quyền lợi về bảo hiểm bệnh hiểm nghèo, bảo hiểm chăm sóc sức khoẻ, đặc biệt là nên tham gia sản phẩm hỗ trợ đóng phí để đảm bảo kế hoạch tài chính được diễn ra đúng hẹn trong trường hợp chồng không may mắc bệnh hiểm nghèo hoặc mất sớm.
Với thu nhập thấp hơn, hai vợ chồng cũng có thể chọn bảo hiểm nhân thọ có kỳ hạn, một loại hình bảo hiểm nhân thọ có giá cả phải chăng, cung cấp quyền lợi tử vong cho những người thụ hưởng.
Các sản phẩm bảo hiểm có thời hạn phổ biến thường là 10, 15, 20, 25 và 30 năm. Thời hạn càng ngắn, phí bảo hiểm càng thấp và có thể gia hạn.
Tuy nhiên, việc đổi mới một chính sách ngắn hạn hơn có thể dẫn đến chi phí cao hơn trong thời gian dài.
Chị Lê Anh dẫn chứng, với thời hạn 30 năm, người mua sẽ phải trả mức phí cao hơn một chút so với thời hạn 10 năm. Nếu người mua gia hạn thời hạn 10 năm sau khi hết hạn, bạn có thể phải trả nhiều hơn số tiền bạn có cho chính sách 30 năm vì mức phí bảo hiểm tăng theo độ tuổi khi đăng ký các chính sách mới.
Ngoài ra, theo chị Lê Anh, nếu thu nhập không quá dư dả, hai vợ chồng cũng có thể chọn hình thức mua chung một hợp đồng bảo hiểm nhân thọ, trong đó người trụ cột gia đình (có thể là vợ hoặc chồng) là người được bảo hiểm chính.
Người trụ cột thường là kiếm tiền chính trong nhà, phải lao động nhiều và đi lại thường xuyên, nên có thể phải đối mặt với nhiều rủi ro hơn. Khi đó, người trụ cột sẽ tham gia một hợp đồng với số tiền hàng tháng 10-15% thu nhập.
"Đây là giải pháp giúp người trụ cột được bảo vệ trước rủi ro, nhưng cũng giúp người còn lại được bảo hiểm bệnh hiểm nghèo và bảo hiểm chăm sóc sức khoẻ", chị Lê Anh chia sẻ.
Chị Nguyễn Thuỳ Anh, một khách hàng mua bảo hiểm nhiều năm chia sẻ, vợ chồng chị tham gia bảo hiểm khá sớm, từ khoảng năm 2005, khi đó bảo hiểm vẫn chưa phổ biến như hiện nay. Vợ chồng chị mua 2 hợp đồng, 1 cho vợ và 1 cho chồng. Mỗi hợp đồng trị giá 10 triệu, đóng trong 15 năm, ứng với 10% tổng thu nhập/năm của vợ chồng.
Tham gia bảo hiểm được khoảng 1 năm thì chồng chị Thuỳ Anh gặp tai nạn giao thông khá nặng, phải nằm viện khoảng 1 tháng. Trung bình mỗi ngày, cả tiền giường, viện phí, thuốc men điều trị hết 2 triệu. Nhưng nhờ có bảo hiểm thanh toán, chị bớt được nhiều gánh nặng.
"Mua bảo hiểm là để phòng ngừa rủi ro, nên đối với vợ chồng tôi đây như một khoản tiền bắt buộc để dành cho bản thân và để bớt gánh nặng tài chính khi xảy ra sự cố", chị Thùy Anh chia sẻ.
Theo các chuyên gia, khi mua bảo hiểm, người mua phải yêu cầu đại lý bảo hiểm tư vấn đầy đủ, rõ ràng về các điều khoản trong hồ sơ yêu cầu BH, quy tắc và điều khoản bảo hiểm, hợp đồng bảo hiểm của sản phẩm bảo hiểm mình muốn mua. Với những câu trả lời không rõ ràng, bạn có thể yêu cầu đại lý bảo hiểm cung cấp căn cứ pháp lý cho nội dung trả lời. Trường hợp cần thiết, bạn phải tự kiểm tra độc lập về thông tin mà bạn nhận được.
Cùng với đó, người mua bảo hiểm phải kê khai đầy đủ và chính xác các thông tin về nhân thân và tình trạng sức khỏe. Việc kê khai không đầy đủ và chính xác có thể được xác định là hành vi lừa dối khi giao kết - căn cứ làm cho hợp đồng bị tuyên bố vô hiệu và không được chi trả bảo hiểm phổ biến nhất hiện nay.
Đặc biệt, khách hàng phải tự mình kê khai tất cả thông tin, ký tên trên các hồ sơ cung cấp và ký tên lên tất cả các trang của hợp đồng bảo hiểm, tuyệt đối không nhờ đại lý bảo hiểm khai hồ sơ và ký tên thay.
Bình luận