Gần đây, câu chuyện về một nữ giáo viên (Hải Dương) đang mang thai nhảy cầu tự vẫn, để lại thư tuyệt mệnh, hay người phụ nữ 33 tuổi (Hưng Yên) khai sát hại con trai và cháu gái ruột rồi định tự tử nhưng bất thành.
Nguyên nhân đều được cho là xuất phát từ căn bệnh trầm cảm. Trải qua hai lần sinh nở, Thủy Anh nhận thức rõ sự đáng sợ của căn bệnh trầm cảm.
Chỉ biết nhìn con và khóc
Trầm cảm rất nguy hiểm, rất khó nhận ra, người mắc cũng khó phát hiện mình bị bệnh. Đó là những vết thương tâm lý nặng nề, dai dẳng và có thể để lại nhiều hậu quả không thể lường trước, đặc biệt với phụ nữ.
Thủy Anh cũng từng mắc chứng bệnh trầm cảm sau sinh. Một tháng đầu sau sinh nở, tôi chỉ quanh quẩn trong phòng, tay run lẩy bẩy, lưng đau nhức vì hậu quả của việc sinh con.
Lần đầu làm mẹ, nhìn em bé quá nhỏ, có khi tôi chỉ biết nhìn con và khóc. Thủy Anh không dám chạm vào, sợ làm đau con, tinh thần kiệt quệ mà không hiểu vì lý do gì. Cảm giác ấy khó tả, sau này, sau khi gặp bác sĩ tư vấn, tôi mới biết mình bị stress sau sinh và có biểu hiện của trầm cảm nhẹ.
Nguyên nhân chính của trầm cảm sau sinh là thay đổi nội tiết do việc giảm đột ngột estrogen và progestrogen, gây nên trạng thái trầm cảm.
Khi bị trầm cảm sau sinh, người mẹ dễ sụt cân, suy dinh dưỡng, suy nhược thần kinh, hoang tưởng, hành vi nguy hiểm. Người bị trầm cảm sau sinh có nguy cơ suy nghĩ đến hành vi tự tử. Có thể các mẹ sau sinh cũng gặp cảm giác giống Thuỷ Anh, chúng chưa phải là bệnh nhưng là biểu hiện quan trọng bạn cần phải nhận ra và cố gắng thay đổi nó.
Ngày đó, những cánh tay kéo tôi thoát khỏi hiện tượng của trầm cảm sau sinh đó là sự yêu thương, chăm sóc của cả hai mẹ, sự kiên nhẫn lắng nghe, chia sẻ của chồng. Mọi người nói chuyện với tôi hàng ngày, hướng dẫn và chia sẻ công việc làm mẹ.
Tôi bắt đầu ngồi viết lách về những thứ mình đang làm hàng ngày, xung quanh chuyện chăm con, nuôi con bằng sữa mẹ, giảm cân, dạy con… và chia sẻ câu chuyện của mình lên mạng xã hội. Nhận được sự yêu thích của mọi người, tôi thấy mình đang làm được việc tốt, sống có ích và bắt đầu đam mê với nó.
Phụ nữ vốn chịu nhiều thiệt thòi. Vì thế phụ nữ hãy quan tâm đến bản thân mình trước, hãy yêu lấy mình. Các ông chồng hãy là chỗ dựa vững trãi cho vợ, chăm sóc người phụ nữ hy sinh tuổi thanh xuân để cho mình những đứa con. Bởi vì chỉ có sự yêu thương mới có thể hàn gắn được những vết đổ vỡ và tìm lại bình yêu cho tâm hồn.
Từ kinh nghiệm bản thân và sự tư vấn của bác sĩ chuyên khoa, Thủy Anh rút ra được một số dấu hiệu của bệnh trầm cảm như:
- Giấc ngủ bất thường: Mất ngủ, ngủ không đủ, không ngon giấc hoặc ngủ quá nhiều hơn mức bình thường.
- Đau ngực: Trầm cảm làm tăng tỷ lệ mắc các bệnh tim mạch, những người từng bị đau tim cũng có khả năng mắc bệnh cao hơn những người khác.
- Mệt mỏi và kiệt sức dù cho ngủ và nghỉ ngơi nhiều. Trầm cảm và mệt mỏi thường đi chung với nhau, khiến cho tình trạng cả hai tệ hơn.
- Đau nhức cơ và khớp: Khi bạn phải sống cùng cơn đau dai dẳng thì điều này có thể làm tăng nguy cơ mắc trầm cảm. Đây là lý do các bà mẹ sau sinh dễ mắc trầm cảm.
- Rối loạn ăn uống: Buồn nôn, khó tiêu, rối loạn vị giác, ăn không thể dừng…
- Mất hứng thú với chuyện "chăn gối".
- Khó tập trung, giảm chú ý, hay quên, giao tiếp kém linh hoạt.
- Buồn chán, bi quan về cuộc sống, không còn cảm thấy bất kỳ điều gì vui vẻ, hứng khởi.
Video: Phụ nữ trầm cảm, đáng sợ và nguy hiểm thế nào?
Một số giải pháp
- Nhận thức được sự nghiêm trọng của bệnh và cư xử đúng đắn
- Đến các cơ sở y tế, nghe tư vấn của bác sĩ có chuyên môn
- Tập thể dục
- Được người xung quanh yêu thương, quan tâm, chia sẻ, lắng nghe
Cách phòng tránh
- Học cách suy nghĩ tích cực trong mọi vấn đề
- Xây dựng những mối quan hệ tốt đẹp với những người xung quanh
- Tập thể dục thường xuyên
- Trân trọng và gìn giữ những ký ức, hình ảnh tươi đẹp, luôn nhắc nhở bản thân nhớ về nó.
Bình luận