• Zalo

VKSND TP.HCM đề xuất khởi tố thêm tội Rửa tiền nếu tẩu tán tài sản tham nhũng

Tin nhanh 24hThứ Sáu, 11/10/2024 12:13:32 +07:00Google News
(VTC News) -

Phó Viện trưởng VKSND TP.HCM cho rằng, tội phạm tham nhũng cố tình tẩu tán tài sản mà không có ý định khắc phục, Viện sẽ đề xuất khởi tố thêm tội danh Rửa tiền.

Thông tin được ông Ngô Phạm Việt, Phó Viện trưởng VKSND TP.HCM nêu tại tọa đàm "Giải pháp thu hồi tài sản tham nhũng trên địa bàn TP.HCM", do Ban Nội chính Thành ủy, cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực TP.HCM, phối hợp với Báo Sài Gòn Giải Phóng tổ chức, sáng 11/10.

Ông Việt cho biết, ngay từ giai đoạn kiểm sát việc giải quyết tin báo và tố giác tội phạm, các kiểm sát viên đã chủ động xác minh, thu thập chứng cứ để làm rõ dấu hiệu phạm tội cũng như xác định các tài sản bị chiếm đoạt. Viện KSND TP.HCM cũng kiểm tra, kiểm soát, và ngăn chặn các tài sản liên quan đến tội phạm, đồng thời vận động đối tượng tự nguyện khắc phục hậu quả để thu hồi tài sản.

"Trong trường hợp tội phạm tham nhũng cố tình tẩu tán tài sản mà không có ý định khắc phục, Viện sẽ đề xuất khởi tố thêm tội danh Rửa tiền", ông Việt nói.

Ông Ngô Phạm Việt, Phó Viện trưởng VKSND TP.HCM phát biểu tại tòa đàm. (Ảnh: BTC)

Ông Ngô Phạm Việt, Phó Viện trưởng VKSND TP.HCM phát biểu tại tòa đàm. (Ảnh: BTC)

Ngoài ra, các kiểm sát viên đã áp dụng nhiều biện pháp ngăn chặn như phong tỏa tài khoản, khám xét, thu giữ tài liệu và đồ vật, cùng với việc cấm xuất cảnh, nhằm đảm bảo hiệu quả trong việc thu hồi tài sản.

Phó Viện trưởng Viện KSND TP.HCM cũng lưu ý, trong quá trình xét xử, cần làm rõ hành vi phạm tội của bị cáo và tài sản bị chiếm đoạt nhằm thu hồi triệt để. Việc bị cáo tự nguyện khắc phục hậu quả sẽ được coi là tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự, tạo động lực cho bị cáo và gia đình chủ động khắc phục hậu quả.

Ông Việt dẫn chứng vụ án tại Cục Đăng kiểm Việt Nam, trong đó VKSND TP.HCM thu hồi được hơn 7,8 tỷ đồng chỉ trong 30 ngày truy tố, nhờ sự tự nguyện khắc phục của các bị can và thân nhân. 

Về công tác thi hành án dân sự, ông Ngô Phạm Việt cho biết, cơ quan thi hành án cần chú trọng đến việc xử lý tài sản đã kê biên, phong tỏa và xác minh các tài sản mới để phục vụ công tác thu hồi. VKS phải thực hiện công tác kiểm sát ngay từ khi nhận được bản án có hiệu lực pháp luật và quyết định thi hành án.

Kiểm sát viên được phân công kiểm sát phải lập hồ sơ và xây dựng kế hoạch cụ thể, đề ra lộ trình và nội dung cần kiểm sát để làm rõ thông tin, tài liệu liên quan đến tài sản cần thi hành án. Việc kiểm sát chặt chẽ tiến độ thi hành án và phối hợp với cơ quan thi hành án là điều cần thiết nhằm kịp thời thúc đẩy việc xử lý và thu hồi tài sản.

Bình luận
vtcnews.vn