Bước ngoặt quan trọng của ngành công nghiệp ô tô Việt Nam đó là: Với sự đóng góp của VinFast, lần đầu tiên Việt Nam đã sản xuất được động cơ ô tô thương hiệu Việt.
Năm 2002, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Quyết định Chiến lược phát triển ngành công nghiệp ô tô Việt Nam tới năm 2010, tầm nhìn năm 2020 với mục tiêu hướng tới xuất khẩu các dòng ô tô ra thế giới.
Tuy nhiên, sau hơn 20 năm phát triển một cách chậm chạp, ngành công nghiệp ô tô Việt Nam mới chỉ dừng lại bằng việc gia công cho các hãng ô tô nước ngoài.
Các chuyên gia kinh tế đã chỉ ra, gia công lại là khâu mang lại giá trị thấp nhất trong chuỗi giá trị sản xuất ô tô. Công đoạn gia công cho các hãng ô tô nước ngoài không thể có ngành công nghiệp ô tô và không thể mang lại giá trị cao cho đất nước.
Chính vì vậy, sự xuất hiện của một hãng ô tô “nội” như VinFast là điều rất cần thiết, đưa vị thế của ngành công nghiệp ô tô Việt Nam ra thế giới.
Sứ mệnh của ngành công nghiệp ô tô nội địa
Kể từ khi VinFast công bố hàng loạt dự án xây dựng nhà máy, sản xuất xe máy điện, ô tô tại Hải Phòng vào năm 2017, đã có rất nhiều ý kiến hoài nghi về sự thành công của thương hiệu “ô tô nội”.
Trao đổi với PV VTC News, Bà Lê Thị Thu Thủy, Phó Chủ tịch Tập đoàn Vingroup kiêm Chủ tịch VinFast cho biết, đã từng có quá nhiều sự hoài nghi khi VinFast bắt đầu kế hoạch sản xuất ô tô Việt. “Với khát vọng cháy bỏng xây dựng một thương hiệu Việt Nam có đẳng cấp, uy tín trên thế giới và là niềm tự hào của người Việt, chúng tôi đã nỗ lực ngày đêm vượt qua mọi khó khăn thử thách để hoàn thành dự án này”, bà Thủy nói.
Trong khi đó, ông Võ Quang Huệ, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Vingroup, cho rằng, VinFast không phải chỉ là câu chuyện của thương hiệu ô tô Việt Nam mà đây còn là câu chuyện của ngành công nghiệp ô tô Việt Nam.
Bởi lẽ, một ngành công nghiệp ô tô đủ mạnh sẽ có thể sinh ra những ngành công nghiệp khác như công nghiệp hỗ trợ… “Trên thế giới người ta đã chứng minh là cứ 1 người làm trong ngành công nghiệp ô tô, trong nhà máy ô tô có thể dẫn đến 7 đến 10 người làm trong các ngành công nghiệp phụ trợ khác nhau. Đó là một kịch bản rõ ràng cho nên công nghiệp phụ trợ đang phủ đầy những đề án sẵn sàng triển khai tại khu tổ hợp VinFast này”, ông Huệ nói.
Nhìn sang các nước trong khu vực châu Á và ASEAN, rất nhiều quốc gia đã có thương hiệu ô tô cho riêng mình. Đơn cử, 2 “đại gia” trong ngành công nghiệp ô tô thế giới là Nhật Bản và Hàn Quốc đã có hàng loạt thương hiệu, trở thành những doanh nghiệp tiêu biểu gắn liền với mỗi quốc gia đó.
Trong khi đó, trong khu vực ASEAN, Malaysia đang rất thành công với các thương hiệu nội như Perodua. Thậm chí, các dòng xe Perodua còn “đánh bại” các thương hiệu ô tô ngoại để thống trị thị trường nội địa, trở thành hãng xe số 1 tại quốc gia này.
Đó chính là lý do vì sao VinFast được kỳ vọng sẽ chinh phục người Việt và vươn ra thế giới.
Lần đầu tiên sản xuất động cơ ô tô thương hiệu Việt
Để cho ra một sản phẩm hoàn chỉnh, bất kỳ hãng xe nào phải đáp ứng được rất nhiều tiêu chuẩn, yêu cầu về chất lượng sản xuất xe. Trong đó, động cơ ô tô là quan trọng nhất.
Đối với VinFast, việc một hãng ô tô “nội” có thể tự sản xuất động cơ là một bước ngoặt lịch sử, chấm dứt sự phụ thuộc vào các công nghệ, dây chuyền sản xuất ô tô nước ngoài.
Hiện tại, VinFast là nhà máy ô tô duy nhất tại Việt Nam làm chủ được các công đoạn cốt lõi, có năng lực tự sản xuất những cấu phần chính của một chiếc ô tô như thân vỏ, động cơ… Với năng lực tự dập các tấm lớn (hơn 20 tấm cơ bản cho mỗi xe); và khả năng gia công, sản xuất động cơ tại chỗ theo tiêu chuẩn cao của châu Âu – VinFast đã khẳng định được vị thế của một nhà sản xuất ô tô độc lập.
Ngoài ra, nhà máy ô tô VinFast nhận được sự hợp tác chặt chẽ từ nhiều đối tác nổi tiếng trong ngành ô tô thế giới. Điều này đã giúp khẳng định chất lượng của ô tô VinFast.
Đơn cử, xưởng hàn trong nhà máy ô tô VinFast được tư vấn thiết kế bởi công ty tư vấn hàng đầu thế giới đến từ Đức là Dürr và thi công lắp đặt bởi tổng thầu WELCOM. Dây chuyền thiết kế với tiêu chuẩn châu Âu về môi trường lao động và mức độ an toàn của các trạm hàn khung.
100% công đoạn hàn khung xe máy điện được hàn bởi Robot ABB, không gia công thủ công. 95% thiết bị dây chuyền được nhập khẩu từ châu Âu, sản xuất bởi các hãng nổi tiếng thế giới như ABB, Frorious, ItalMeg.
Dây chuyền Hàn có tổng số 25 robot hàn tự động với công nghệ hàn CMT ít bắn téo, ít xỉ hàn đảm bảo độ ngấu chất lượng mối hàn.
Về tổng quan, VinFast ứng dụng công nghệ 4.0 tại các nhà máy, giúp cho các thiết bị và một phần/toàn thể dây chuyền ở một nhà máy được kết nối với nhau thông qua các cảm biến được kết nối qua mạng và/hoặc điện toán đám mây. Trong đó, phần quan trọng nhất là máy móc, thiết bị sản xuất và hàng hóa được sản xuất trong nhà máy và những công nhân, kỹ thuật viên và quản lý được kết nối và liên tục tương tác để tự kiểm tra và tự điều chỉnh, từ đó liên tục nâng cao hiệu quả, tăng năng suất và chất lượng trong sản xuất.
Các thông tin trong quá trình sản xuất được liên tục cập nhật, lưu trữ và phân tích. Các dữ liệu này sẽ là thông tin đầu vào quan trọng cho việc nghiên cứu phát triển các dòng sản phẩm mới với các thiết kế, nguyên liệu cũng như quy trình sản xuất mới phù hợp với các mong muốn ngày càng đa dạng và thay đổi nhanh chóng của khách hàng về nhu cầu sử dụng, kỹ thuật, mẫu mã, chất lượng, thời gian giao hàng và giá thành.
Ngoài việc sản xuất ô tô, VinFast còn chú trọng phát triển công nghệ bằng cách thành lập Viện Nghiên cứu và Phát triển tầm cỡ khu vực, quy tụ được các chuyên gia có nhiều năm kinh nghiệm trong ngành ô tô trên thế giới và trong nước, đảm nhiệm việc nghiên cứu và chọn lựa các giải pháp công nghệ cho dòng xe của VinFast.
Trong tương lai, Viện cũng hy vọng góp phần xây dựng và nâng cao nền tảng công nghệ cho ngành công nghiệp ô tô trong nước thông qua việc đào tạo các kỹ sư người Việt thiết kế ô tô theo tiêu chuẩn Châu Âu, đồng thời phối kết hợp với các trường đại học lớn trong nước thực hiện đào tạo theo các chương trình phù hợp với yêu cầu thực tế của ngành ô tô.
Bình luận