(VTC News) -Là một trong những công ty có tốc độ tăng trưởng lớn, VinaCafé Biên Hòa không chọn con đường tăng cường đầu tư mà chọn cách 'xà xẻo' từng phần doanh nghiệp để bán.
“Miếng bánh ngon”
“Miếng bánh ngon”
Công ty Cổ phần VinaCafé Biên Hòa (VCF) được đánh giá là “miếng bánh ngon” trong làng cà phê Việt Nam. Tiền thân là Nhà máy cà phê Biên Hòa (Nhà máy chế biến cà phê hòa tan đầu tiên tại VN), VCF được chuyển đổi từ doanh nghiệp nhà nước sang mô hình công ty cổ phần từ năm 2004.
Vinacafé Biên Hòa là công ty lâu đời có hệ thống mạng lưới phân phối rộng khắp toàn quốc. Hoạt động chính của VCF là sản xuất chế biến các sản phẩm mang thương hiệu Vinacafé như: cà phê rang xay, cà phê hòa tan, ngũ cốc dinh dưỡng…
Thường xuyên có tên trong danh sách doanh nghiệp dẫn đầu thị trường cà phê hòa tan tại Việt Nam nên VinaCafé không gặp nhiều khó khăn như các đối thủ khác. Mặc cho khủng hoảng kinh tế lan rộng trên toàn thế giới, VCF vẫn có tốc độ tăng trưởng đáng nể. Niêm yết từ năm 2011, VCF có vốn điều lệ 265,79 tỷ đồng.
VinaCafé Biên Hòa có tỷ suất lợi nhuận đáng mơ ước
Theo kế hoạch, năm 2010, VCF đặt mục tiêu đạt 1.300 tỷ đồng doanh thu và 160 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế. Kết quả là VCF vượt kế hoạch, đạt 161,5 tỷ đồng. Như vậy, tỷ suất lợi nhuận của VCF gần 61%, một con số mà bất cứ doanh nghiệp nào cũng phải mơ ước.
Lợi nhuận của VCF tăng trưởng khá đều đặn và đạt “đỉnh” vào năm 2012 với lợi nhuận gần 300 tỷ đồng. Tới 2013, lợi nhuận VCF giảm 13%, “chỉ” còn hơn 260 tỷ đồng. Lợi nhuận giảm nhưng 260 tỷ đồng vẫn là con số đáng nể.
Trong bối cảnh cạnh tranh mạnh mẽ, VCF biết có những bước đi khá đúng đắn. Trong quý 4/2013, VCF có bước tiến về doanh thu. Nguyên nhân mà SSI Research đưa ra chính là VCF thành công trong việc tái ra mắt sản phẩm Wake-up Sài Gòn với công thức mới và giới thiệu sản phẩm mới cà phê Phinn nhắm tới khách hàng ưa thích cà phê rang xay trong tháng 7.
Theo ban lãnh đạo VCF, đó là nhờ hiệu quả sản xuất của nhà máy mới ở Long Thành được cải thiện. Với công suất tăng thêm 3.200 tấn/năm, VCF không phải nhập khẩu cà phê đen hòa tan (nguyên liệu sản xuất cà phê sữa hòa tan) như trước đây khi phải chạy với công suất tối đa 1.000-1.200 tấn/năm. Với nhà máy mới ở Long Thành, VCF giờ đây đã có thể tự cung cà phê đen hòa tan giúp VCF tiết kiệm chi phí mua nguyên liệu, nhờ đó cải thiện tỷ suất lợi nhuận gộp.
SSI Research dự báo, doanh thu năm 2014 của CTCP Vinacafé Biên Hòa (mã VCF - HOSE) sẽ tăng 10,2% so với năm trước lên 2.538 tỷ đồng khi cầu tiêu dùng bắt đầu phục hồi. Lợi nhuận ròng dự báo tăng 20,8% so với năm trước.
Những số liệu trên cho thấy VCF là một trong những doanh nghiệp có kết quả kinh doanh tốt nhất hiện nay trên thị trường chứng khoán. Kết quả được đó thể hiện qua giá cổ phiếu. Hiện tại, trên 2 sàn, không nhiều mã có giá trên 100.000 đồng. Nhưng VCF lại đạt 147.000 đồng/CP.
Cổ phiếu tăng giá mạnh giúp vốn hóa thị trường của VCF đạ hơn 3.900 tỷ đồng thay vì như con số 265 tỷ đồng vốn điều lệ. VCF được hưởng lợi rất nhiều từ mức giá cổ phiếu cao ngất ngưởng này.
'Xà xẻo' từng phần để bán
Có được doanh nghiệp tốt đã khó, thúc đẩy doanh nghiệp đi lên càng khó hơn. Không biết có phải suy nghĩ như vậy hay không mà VCF không chọn cách mở rộng đầu tư để tự tay mình bước sang trang mới mà lại chọn cách 'xà xẻo' từng phần doanh nghiệp để bán.
Vì thế, câu chuyện thâu tóm VCF liên tục là vấn đề nóng được báo chí mổ xẻ. Được dư luận chú ý nhưng không vì thế VCF ngừng bán mình. Những thương vụ giao dịch VCF trị giá trăm tỷ vẫn âm thầm diễn ra. Và cổ đông lớn bán VCF có cả “cha đẻ” VCF - Tổng công ty Vinacafe.
Chỉ 4 tháng sau khi VCF niêm yết, “cha đẻ” Tổng công ty Cà phê Việt Nam (Vinacafe) đã bán ra 3,44 triệu cổ phiếu, tương đương 13% vốn. Vinacafe chỉ giữ 9,91 triệu cổ phiếu, tương đương 37,3% vốn. Trước đây, Vinacafe giữ 50,26% vốn VCF. Số cổ phần của VCF được chuyển giao cho Masan.
Chỉ với 13%, rõ ràng Masan không có tiếng nói lớn trong VCF. Thế nhưng, trước khi lên sàn, Masan đã mua 20% vốn của VCF từ tay các cổ đông lớn là VinaCapital, VF1, Quỹ Vietcombank, Vietnam Holding. Tuy nhiên, với 33% vốn, Masan vẫn “thấp bé” hơn Vinacafe.
Vì thế, không lâu sau, Tập đoàn Masan, thông qua Masan Consumer bỏ ra hơn 1.000 tỷ đồng mua 13,32 triệu cổ phiếu. Sau nhiều thương vụ liên tiếp, tới ngày 11/10/2011, Masan Consumer đã sở hữu 50,11% vốn điều lệ của VCF.
Sau khi hoàn tất thâu tóm, Masan vẫn muốn tăng quyền lực của mình tại công ty ăn nên làm ra này bằng cách tiếp tục mua thêm cổ phần. Tính tới cuối năm 2012, Masan đã nắm giữ hơn 14,14 triệu cổ phiếu VCF, nâng tỷ lệ sở hữu lên 53,2%.
Sau khi sở hữu hơn một nửa cổ phần tại VCF, Masan tạm dừng hoạt động mua vào. Theo số liệu từ báo cáo tình hình quản trị VCF, tính tới cuối năm 2013, Masan vẫn “chỉ” giữ 53,2% cổ phần VCF. Masan không tham gia hoạt động mua bán VCF nữa. Nhưng không vì thế mà các thương vụ VCF bớt nóng.
Sau khi bán 3,44 triệu cổ phiếu VCF và thu về khoản tiền khổng lồ, “cha đẻ” Vinacafe vẫn chưa hết ý định “bán con”. Trong phiên giao dịch sáng 20/12/2013, toàn bộ 6,5 triệu cổ phiếu VCF đã được Vinacafe bán hết bằng phương thức thoả thuận. Giá trị giao dịch là con số vô cùng lớn 877,5 tỷ đồng.
Tại thời điểm đó, danh tính bên mua chưa được tiết lộ Nhưng chỉ một tuần sau đó, cổ đông lớn mới của VCF lộ diện. Đó là GaoLing Fund, quỹ đầu tư Hồng kông. Thương vụ này giúp GaoLing Fund, quỹ đầu tư Hồng kông trở thành cổ đông lớn thứ 2 của VCF với 23,13% vốn. Vinacafe chỉ đứng thứ 3 với 12,85%.
Với giá cổ phiếu VCF cao như vậy, không chắc các cổ đông lớn như Vinacafe sẽ không thoái vốn để thu về khoản tiền khổng lồ. Vì vậy, có thể thấy, VCF rất thành công trên con đường tìm kiếm lợi nhuận nhưng lại thất bại trong việc “giữ mình”.
Bảo Linh
Với giá cổ phiếu VCF cao như vậy, không chắc các cổ đông lớn như Vinacafe sẽ không thoái vốn để thu về khoản tiền khổng lồ. Vì vậy, có thể thấy, VCF rất thành công trên con đường tìm kiếm lợi nhuận nhưng lại thất bại trong việc “giữ mình”.
Bảo Linh
Bình luận