Hãng hàng không Vietnam Airlines (mã chứng khoán HVN) cho hay, do ảnh hưởng của dịch COVID-19, hoạt động kinh doanh bị đình trệ và rơi vào khó khăn, thâm hụt dòng tiền, giảm vốn chủ sở hữu.
Để hỗ trợ Vietnam Airlines, Quốc hội và Chính phủ đã có “gói giải cứu” trị giá 12.000 tỷ đồng. Trong đó, có 4.000 tỷ đồng cho vay ưu đãi theo hình thức tái cấp vốn, 8.000 tỷ đồng từ phát hành cổ phiếu tăng vốn điều lệ. Tới nay, gói giải pháp này đã triển khai xong.
Cụ thể, với gói phát hành thêm 800 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu trị giá 8.000 tỷ đồng, tới ngày 14/9, Vietnam Airlines đã phát hành được hơn 796 triệu cổ phiếu, thu về 7.961 tỷ đồng. Với số tiền bổ sung này, vốn điều lệ của Vietnam Airlines đã tăng lên 22.143 tỷ đồng (tương đương gần 1 tỷ USD).
“Với kết quả đợt phát hành cổ phiếu này, hãng đã được bổ sung đáng kể nguồn vốn và dòng tiền, các chỉ số tài chính được cải thiện đảm bảo đáp ứng các điều kiện niêm yết trên sàn chứng khoán TP.HCM - HOSE”, đại diện Vietnam Airlines khẳng định.
Về kiến nghị Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cho cơ chế để hãng không bị hủy niêm yết cổ phiếu trên sàn chứng khoán HOSE, theo Vietnam Airlines, đây là kiến nghị từ trước thời điểm phát hành thêm cổ phiếu để tăng vốn. Do việc phát hành cổ phiếu tăng vốn với doanh nghiệp nhà nước cần thời gian để xử lý thủ tục theo quy định. Tới nay, hãng đã phát hành cổ phiếu thành công, nên không phải sử dụng tới kiến nghị trên.
Lãnh đạo hãng hàng không này cũng nhận định, cổ phiếu HVN niêm yết trên sàn HOSE sẽ tạo điều kiện thuận lợi để hãng bảo vệ vốn đầu tư của các cổ đông, huy động vốn trong tương lai. Từ đó từng bước vượt qua các khó khăn do dịch COVID-19 để phục hồi và phát triển.
Trong đợt phát hành cổ phiếu để tăng vốn lần này, Tổng công ty Đầu tư Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) được Chính phủ giao mua số cổ phiếu thuộc quyền của cổ đông nhà nước, với số tiền hơn 6.894 tỷ đồng.
Trong khi đó, cổ đông chiến lược của Vietnam Airlines là Tập đoàn ANA (Nhật Bản) đã chuyển nhượng không lợi nhuận quyền mua 70 triệu cổ phiếu cho cán bộ, nhân viên Vietnam Airlines.
Sau khi tăng vốn, các cổ đông lớn của Vietnam Airlines hiện gồm: Uỷ ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp (55,2%), SCIC (31,14%) và Tập đoàn ANA (5,62%).
Bình luận