Đây là một trong những nội dung được lãnh đạo Tổng công ty Hàng không Việt Nam - Vietnam Airlines (HVN) đưa ra lấy ý kiến cổ đông tại phiên họp bất thường diễn ra sáng 14/12.
Nội dung chính của phiên họp bất thường này là để bàn về các vấn đề định hướng tái cơ cấu tổng thể doanh nghiệp trước ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 giai đoạn 2021-2025, thông qua việc thay đổi ngành nghề kinh doanh và kiện toàn HĐQT, Ban kiểm soát của hãng.
Theo tờ trình định hướng tái cơ cấu tổng công ty, Vietnam Airlines cho biết dịch COVID-19 đã làm thay đổi toàn bộ kế hoạch khai thác và hoạt động sản xuất kinh doanh của hãng, làm tiềm lực tài chính của công ty mẹ bị suy giảm, các cân đối tài chính bị thay đổi đột ngột theo hướng tiêu cực.
Những thiệt hại do dịch bệnh gây ra cùng thay đổi trong hoạt động kinh doanh khiến Vietnam Airlines buộc phải thực hiện tái cơ cấu, đặc biệt trong nguồn vốn doanh nghiệp.
Phát hành thêm cổ phiếu
Trong giai đoạn 2021-2025, Vietnam Airlines dự kiến tái cơ cấu nguồn vốn thông qua việc phát hành thêm cổ phiếu để tăng vốn điều lệ nhằm đảm bảo nguồn vốn hợp lý, phù hợp với quy mô kinh donah, thích nghi với tình hình mới và tăng tiềm lực tài chính của hãng.
Bên cạnh đó, hãng bay này cũng dự kiến huy động thêm nguồn vốn từ bên ngoài với chi phí hợp lý thông qua các kênh phát hành trái phiếu, vay tín dụng ngân hàng trong nước.
Với các khoản nợ vay dài hạn hiện có, Vietnam Airlines sẽ tái cơ cấu theo hướng giãn hoãn trả nợ vay sang các năm sau để giảm áp lực trả nợ ngắn hạn.
Với danh mục đầu tư, Vietnam Airlines dự kiến tái cơ cấu tại cả công ty mẹ và các doanh nghiệp thành viên.
Trong đó, tại các doanh nghiệp thành viên, hãng sẽ xem xét chuyển nhượng vốn, cổ phần hóa, bán một số danh mục đầu tư để có cơ cấu hợp lý hơn, tập trung vào lĩnh vực kinh doanh chính là vận tải hàng không và các dịch vụ đồng bộ cho ngành.
Nguồn tiền thu từ các hoạt động này dự kiến bổ sung thu nhập, bù đắp lỗ lũy kế và dòng tiền cho công ty mẹ, đồng thời nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, thu hút nguồn lực từ bên ngoài để tăng cường sức cạnh tranh của các doanh nghiệp thành viên.
Với danh mục đất và tài sản trên đất, Vietnam Airlines sẽ rà soát và xây dựng phương án sử dụng hợp lý để quản lý tập trung, thống nhất, gắn với hoạt động sản xuất kinh doanh của hãng, đảm bảo hiệu quả và tuân thủ quy định của Nhà nước.
Tháng 9 vừa qua, Vietnam Airlines đã chào bán thành công hơn 796,1 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu và thu về hơn 7.961 tỷ đồng bổ sung vốn điều lệ. Theo kế hoạch, việc chuyển giao cổ phiếu phát hành thêm cho cổ đông đã thực hiện thành công quyền mua sẽ được thực hiện trong quý IV năm nay.
Sau đợt phát hành, vốn điều lệ của hãng đã tăng lên 22.143 tỷ đồng (xấp xỉ 1 tỷ USD quy đổi). Trong đó, tỷ lệ sở hữu của các cổ đông lớn nhất là Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp nắm 55,2%, Tổng công ty Đầu tư Kinh doanh vốn Nhà nước - SCIC nắm 31,14% và Tập đoàn ANA sở hữu 5,62%.
Hủy một số hợp đồng mua tàu bay
Ngoài nguồn vốn, hãng hàng không này cũng dự kiến tái cơ cấu đội bay thông qua việc đàm phán với các bên cho thuê tàu bay để giãn, hoãn tối đa thời hạn thanh toán tiền thuê, giảm tiền thuê gắn liền với việc gia hạn thời gian thuê, đàm phán đẩy lùi lịch nhận các tàu bay mới. Thậm chí, hãng cho biết sẽ hủy một số hợp đồng tàu bay chưa nhận.
Vietnam Airlines cũng dự kiến tái cơ cấu tài sản thông qua thực hiện thanh lý các tàu bay cũ, thực hiện bán và thuê lại máy bay để đổi mới đội tàu bay thân hẹp, đảm bảo nguồn lực máy bay đáp ứng nhu cầu thị trường giai đoạn phục hồi sau dịch bệnh, trên cơ sở cân đối các nguồn vốn huy động.
Theo đánh giá của ban lãnh đạo Vietnam Airlines, doanh nghiệp đã nỗ lực khắc phục khó khăn từ nguồn lực nội tại. Tuy nhiên, hậu quả của đại dịch đến hãng quá lớn và tình hình dịch dự báo còn kéo dài.
Vì vậy, hãng bay dự kiến phải tiếp tục đối mặt với rất nhiều khó khăn, thách thức, đặc biệt là khả năng thanh toán và duy trì hoạt động liên tục nếu không có sự tham gia hỗ trợ của các cổ đông và hỗ trợ từ Chính phủ.
Trong đề án tái cơ cấu, hãng đã đưa ra một số kiến nghị, đề xuất lên Chính phủ với vai trò là cơ quan quản lý Nhà nước có các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp hàng không.
Trong đó, các giải pháp được nêu trong đề án bao gồm có cơ chế chính sách về lộ trình mở cửa, nới lỏng biện pháp giãn cách, điều tiết thị trường và tiếp tục triển khai một số chính sách giảm thuế, phí ưu đãi đã có cho các doanh nghiệp hàng không.
Cùng với đó, hãng cũng đang phối hợp với cơ quan chủ sở hữu nghiên cứu, đề xuất Nhà nước với tư cách chủ sở hữu nắm giữ cổ phần chi phối tiếp tục có giải pháp hỗ trợ thông qua giải pháp tăng vốn cho doanh nghiệp và các công cụ nợ, đây cũng là các hình thức phổ biến mà Chính phủ các nước hỗ trợ ngành hàng không.
Bình luận