Sự kiện dàn người mẫu diện bikini của Vietjet như một cơn bão lạ tràn qua thị trường hàng không Việt vốn mang hình ảnh chỉn chu, mực thước chỉ dành cho khách hàng cao cấp.
Tội nghiệp bikini
Một buổi chụp hình tại sân bay Tân Sơn Nhất. Hàng chục người mẫu trẻ đẹp, rạng rỡ, mặc bikini cùng tông màu sơn của hãng bay Vietjet đang thi nhau tạo dáng. Những tấm ảnh này dự kiến sẽ được sử dụng làm lịch Tết năm nay (đây không phải lần đầu tiên hãng in lịch người mẫu mặc bikini).
Chỉ khác là, lần này, thay vì chụp trong studio, trên bãi biển...; các cô người mẫu chụp giữa sân bay, cùng nhân vật chính: Chiếc máy bay. Vietjet đang “kéo” ngành hàng không gần gũi hơn với hành khách
Rủi ro thay, lần chụp này, những hình ảnh đó đã không được giữ bí mật đến phút chót. Dường như ngay lập tức, chúng xuất hiện búa xua trên mạng xã hội. Trong khi nhiều thanh niên hào hứng trước cách xuất hiện mới lạ thì người lớn tuổi phản ứng ngược lại. Hãng hàng không Vietjet vội vàng thanh minh không dùng “chiêu” quảng cáo, mà thực tế chỉ là buổi chụp hình để in lịch Tết như thường lệ.
Ông bầu của các cô người mẫu cũng chính thức lên tiếng xin lỗi vì ảnh hậu trường “rò rỉ” trong lúc chụp. Việc này nằm ngoài sự kiểm soát và ông giám đốc công ty người mẫu chính thức xin lỗi hãng bay Vietjet. Đó không chỉ là do người mẫu vô tình đưa ảnh lên facebook, mà còn bởi nhiều người quanh đó cũng lén chụp rồi tung ra.
Có thể thấy, trong câu chuyện này, Vietjet không có lỗi. Lỗi ở đây, nếu có là do hãng đã thuê một dàn người mẫu quá hot, khiến dư luận xôn xao bàn tán. Vietjet cũng chưa bao giờ chọn Ngọc Trinh đại diện hình ảnh.
Cô chỉ là một trong số hàng chục người mẫu cùng chụp hình. Thế nhưng dư luận đã ồn ào quy kết hãng lựa chọn cô người mẫu “rẻ tiền” và suy diễn xa hơn thành hãng hàng không quá “rẻ tiền”. Có vẻ như một số người đã quá hà khắc với hãng hàng không và bikini.
Thực ra, mặc bikini chụp ảnh với máy bay không có gì mới. Hãng hàng không giá rẻ AirAsia của đất nước đạo Hồi phổ biến như Malaysia từng sử dụng slogan rất độc và bạo: “There’s a new girl in town. She’s twice the fun and half the price” (tạm dịch: Có một cô gái mới trong thành phố. Niềm vui nhân đôi nhưng giá rẻ một nửa).
Hãng hàng không Air Asia hiện đang dẫn đầu ở châu Á với 43 triệu lượt khách đã bay trong năm 2013, lợi nhuận trên 400 triệu đô la Mỹ. Tỷ phú Richard Branson- Tổng GĐ Virgin Atlantic Airways – hãng hàng không của Vương quốc Anh đầy bảo thủ từng dám bế bổng cô người mẫu nóng bỏng với bikini trên cánh máy bay.
Bỏ qua những quy chụp về phạm trù đạo đức, những hình ảnh về những hotgirl bên máy bay đã tạo nên sự khác biệt cho Vietjet, đúng như tinh thần slogan mà hãng hướng đến: “Bay là thích ngay”, dựa trên 4 giá trị cốt lõi An toàn-Vui vẻ-Giá rẻ-Đúng giờ.
Món quà cho người dũng cảm
Câu chuyện chụp hình với dàn người mẫu mặc bikini làm lịch Tết, xem ra, vẫn là chuyện nhỏ so với những vấn đề mà các hãng hàng không mới gia nhập thị trường như Vietjet phải đối mặt. Nếu không có sự dũng cảm, táo bạo, quyết liệt..., liệu hãng có tồn tại và phát triển; bởi trước đó, không ít hãng hàng không tư nhân đã “chết yểu”.
Lâu nay, người ta vẫn mặc định hàng không nội địa chỉ là và chỉ có Hãng Hàng không quốc gia và mọi dịch vụ liên quan đến hàng không chủ yếu xoay quanh “anh cả” của ngành. Thế nên, khi các hãng mới nổi lên, bắt đầu có cạnh tranh, mới thấy, độc quyền là nguyên nhân của câu chuyện phân biệt đối xử, từ chiếc xe thang, xe buýt, xe kéo hành lý đến đường ống lồng dẫn khách, đường vào điểm đỗ tàu bay, tới cung cấp xăng dầu…
Tất cả các dịch vụ, ngoại trừ vận hành máy bay, đều do các “ông lớn” nhà nước độc quyền cung cấp. Chỉ cần mỗi khâu chậm một, cả chuyến bay bị ảnh hưởng. Khi làm thủ tục check-in, chỉ cần nhân viên của công ty phục vụ mặt đất cau có, hãng bay phải chịu trận thay.
Cũng phải thừa nhận rằng, chỉ khi có sự tham gia mạnh mẽ và can đảm của hàng không tư nhân; thêm sự quyết liệt từ phía cơ quan quản lý; thế độc quyền đó đã có sự thay đổi. Điển hình là sau câu chuyện cái xe thang ở sân bay Cát Bi (Hải Phòng), giờ tàu bay nào hạ cánh trước sẽ được phục vụ trước.
Vietjet luôn tạo không khí vui vẻ cho khách khi đi máy bay
Rõ ràng, khi môi trường kinh doanh có sự bình đẳng, các hãng mới có cơ hội phát huy hết khả năng của mình; tùy vào năng lực điều hành, chiến lược kinh doanh. Cạnh tranh cần bắt đầu từ giá vé, từ chất lượng dịch vụ, thân thiện với khách. Nhờ đó, “quyền được bay” được mở rộng ra cho nhiều người dân, và máy bay trở nên phổ biến, gần gũi với người dân (không còn là đặc quyền của người giàu).
Do đó, “cơn bão lạ” với dàn người mẫu mặc bikini, chỉ là nối tiếp của những bước nhảy múa flasmos sôi động, trẻ trung; hay màn múa bụng độc đáo trên máy bay; “đại náo” với Gangnam style... Tất cả đã tạo nên một Vietjet mới mẻ và đột phá. Cơn bão ấy tràn qua hình ảnh hàng không Việt lâu nay đóng khuôn cứng nhắc, “kín cổng cao tường”...; thổi bay suy nghĩ hàng không nhất định cứ phải khuôn thước.
Món quà dành cho Vietjet từ nỗ lực không mệt mỏi những năm qua chính là 8 triệu hành khách, trong đó hàng triệu người lần đầu tiên đi máy bay.
Biết đâu, tới đây, hàng không Việt sẽ còn chứng kiến những “cơn bão lạ” khác, của những hãng hàng không khác nữa? Gì cũng được, miễn là người tiêu dùng phải có lợi.
Theo Tiền Phong
Bình luận