Ngày 11/6/2018, tại Nhà khách Chính phủ Phần Lan ở Thủ đô Helsinki đoàn Việt Nam và Phần Lan tiến hành tham vấn liên ngành. Đoàn Việt Nam do ông Đinh Toàn Thắng, Vụ trưởng Vụ Châu Âu, Bộ Ngoại giao dẫn đầu, với sự tham gia của đại diện Văn phòng Chính phủ và các Bộ Kế hoạch - Đầu tư, Công Thương, Tài chính, Khoa học - Công nghệ, Xây dựng.
Phía Phần Lan do ông Kimmo Lähdevirta, Tổng Vụ trưởng Vụ Châu Á và Châu Mỹ Bộ Ngoại giao Phần Lan dẫn đầu, với sự tham dự của đông đảo các cán bộ phụ trách quan hệ chính trị, thương mại - đầu tư, hợp tác phát triển, giáo dục - đào tạo, khoa học - công nghệ của Bộ Ngoại giao, Bộ Kinh tế - Việc làm và Ủy ban Hợp tác phát triển Phần Lan.
Quốc Vụ khanh Bộ Ngoại giao Phần Lan Elina Kalkku đã tiếp đoàn liên ngành Việt Nam và chủ trì cuộc trao đổi chung với các đại biểu hai bên về hợp tác Việt Nam - Phần Lan nhằm thực hiện Chương trình nghị sự 2030 của Liên hợp quốc về phát triển bền vững cũng như ứng phó với biến đối khí hậu. Đại sứ Việt Nam tại Phần Lan Phạm Thị Ngọc Bích và Đại sứ Việt Nam tại Phần Lan Kari Kahiluoto đã tham dự các cuộc Tham vấn và trao đổi.
Quốc Vụ khanh Bộ Ngoại giao Elina Kalkku và Tổng Vụ trưởng Vụ Châu Á và Châu Mỹ Bộ Ngoại giao Phần Lan Kimmo Lähdevirta khẳng định coi trọng quan hệ hữu nghị truyền thống và hợp tác nhiều mặt tốt đẹp với Việt Nam và nhấn mạnh mong muốn tiếp tục đồng hành với Việt Nam trong giai đoạn phát triển tới.
Phía Phần Lan thông báo tuy các chương trình viện trợ chính thức theo hình thức không hoàn lại của Phần Lan dành cho Việt Nam sẽ kết thúc vào cuối năm 2018 nhưng Phần Lan sẽ tăng cường các công cụ khác trong hợp tác với Việt Nam như Công cụ hỗ trợ đầu tư công (PIF), Chương trình hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới sáng tạo (BEAM), Công cụ hỗ trợ thể chế (ICI), Quỹ hỗ trợ các doanh nghiệp khu vực tư nhân (Finnfund)…
Phía Việt Nam đánh giá cao sáng kiến của Bộ Ngoại giao Phần Lan tổ chức cuộc Tham vấn liên ngành vào thời điểm hai nước kỷ niệm 45 năm thiết lập quan hệ ngoại giao và đang chuyển dần từ quan hệ đối tác phát triển sang quan hệ đối tác cùng có lợi; tin tưởng hai bên còn nhiều tiềm năng để đẩy mạnh hợp tác trongcác lĩnh vực Phần Lan có thế mạnh và Việt Nam có nhu cầu như giáo dục - đào tạo, khoa học - công nghệ, đổi mới - sáng tạo, công nghệ sạch, thân thiện với môi trường, năng lượng tái tạo, cấp thoát nước, lâm nghiệp, công nghệ thông tin - truyền thông, đô thị thông minh…
Hai bên nhấn mạnh cần tiếp tục duy trì, phát huy những thành tựu hợp tác quan trọng mà hai nước đã đạt được trong nhiều thập kỷ qua, đồng thời tăng cường trao đổi để xác định những phương hướng hợp tác cho giai đoạn sắp tới, tiếp tục hoàn thiện các cơ chế, quy trình tham vấn cũng như xác định lĩnh vực, dự án hợp tác nhằm bảo đảm điều kiện thuận lợi nhất cho các đối tác hai bên cũng như hiệu quả của hợp tác giữa hai nước.
Hai bên cũng sẽ tăng cường hỗ trợ và thúc đẩy vai trò chủ động, tích cực của các doanh nghiệp, trường đại học, viện nghiên cứu và địa phương hai nước kết nối và đưa hợp tác đi vào chiều sâu.
Phía Phần Lan ủng hộ việc tăng cường hợp tác giữa Việt Nam và EU và hai bên nhất trí cần thúc đẩy việc sớm ký kết, phê chuẩn và triển khai Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU nhằm thúc đẩy quan hệ kinh tế, thương mại, đầu tư giữa Việt Nam và EU nói chung và giữa Việt Nam và Phần Lan nói riêng.
Chia sẻ mong muốn thúc đẩy hợp tác đa phương phục vụ phát triển và giữ gìn hòa bình, hai bên đã trao đổi về các biện pháp tăng cường phối hợp trên các diễn đàn quốc tế, nhất là tại Liên hợp quốc, Diễn đàn hợp tác Á - Âu (ASEM) và trong khuôn khổ hợp tác ASEAN - EU. Hai bên cũng đã trao đổi về nhiều vấn đề quốc tế và khu vực cùng quan tâm, nhất trí cần thúc đẩy việc tôn trọng luật pháp quốc tế, công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 cũng như giải quyết tranh chấp bằng các biện pháp hòa bình.
Sáng 12/6/2018, đoàn đại biểu liên ngành Việt Nam đã có cuộc gặp gỡ với hơn 50 đại diện doanh nghiệp, tổ chức tín dụng và cơ quan xúc tiến thương mại của Phần Lan đang quan tâm đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam; giới thiệu về các chính sách tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp nước ngoài của Chính phủ Việt Nam và những cơ hội sẽ mở ra cho cộng đồng doanh nghiệp hai nước sau khi Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU được ký kết và triển khai.
Bình luận