Sự kiện diễn ra trong khuôn khổ hội nghị thượng đỉnh về khí hậu COP 29 của Liên hợp quốc tại Baku, Azerbaijan.
Nhiều cơ hội
Theo đó, đại diện các tổ chức bao gồm Hiệp hội thị trường carbon Malaysia, Liên minh ASEAN về thị trường carbon, Hiệp hội tài chính bền vững Singapore, Câu lạc bộ thị trường carbon Thái Lan và Hiệp hội thương mại carbon Indonesia ký một thỏa thuận kéo dài hai năm nhằm mục đích khai thác tiềm năng của các cơ hội dự án carbon tại ASEAN; bên cạnh đó thúc đẩy hợp tác khu vực để giảm chi phí thực hiện các sáng kiến carbon.
Các nước ASEAN bao gồm Brunei Darussalam, Malaysia, Việt Nam, Singapore, Campuchia, Indonesia, Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào, Myanmar, Philippines, Thái Lan và Việt Nam.
Khuôn khổ này cũng nhằm mục đích thúc đẩy khả năng tương tác giữa các thị trường carbon ASEAN để tăng tính thanh khoản của thị trường. Bộ trưởng Tài nguyên thiên nhiên và Phát triển bền vững môi trường của Malaysia Nik Nazmi Nik Ahmad cho biết, khuôn khổ carbon toàn diện này sẽ đóng vai trò là chất xúc tác cho các cuộc thảo luận.
Ông cho biết thêm rằng đây là bước quan trọng để đạt được sự tăng trưởng của thị trường carbon trên toàn ASEAN, nhằm đạt được một cách tiếp cận thống nhất trong việc thiết lập một thị trường carbon tích hợp và đẩy nhanh các khoản đầu tư carbon thấp.
Sàn giao dịch chứng khoán Malaysia Bursa Malaysia giới thiệu khái niệm ACCF vào tháng trước tại Diễn đàn Carbon ASEAN, nêu rõ rằng khuôn khổ này mong muốn mở khóa các dự án độc đáo cho khu vực Đông Nam Á, tạo ra tín hiệu nhu cầu mạnh hơn bằng cách tạo ra các thị trường carbon có thể tương tác trong khu vực, để có thị trường cung và cầu lớn hơn.
Một số quốc gia Đông Nam Á, đặc biệt là Singapore, Malaysia, Indonesia và Thái Lan đã và đang nỗ lực phát triển các thị trường carbon. Renard Siew, chủ tịch Hiệp hội thị trường carbon Malaysia cho biết một khía cạnh cần khám phá trong khuôn khổ này là thiết lập các khu vực công nhận lẫn nhau về phương pháp luận carbon.
Ông cho biết thêm rằng nếu khuôn khổ này chứng minh được sự thành công, nó cũng sẽ thúc đẩy sự phát triển của một nhóm các đơn vị xác thực và xác minh. Việc tận dụng các hiệp hội thị trường carbon ASEAN cũng sẽ giúp xây dựng năng lực trên toàn khu vực.
Bà Natalia Rialucky Marsudi, Phó chủ tịch phụ trách các vấn đề nội khối ASEAN tại Liên minh ASEAN về thị trường carbon, cho biết khuôn khổ này cần phải là một phương tiện truyền tín hiệu thị trường hiệu quả, để cho thấy khu vực đang áp dụng tính toàn vẹn cao nhất khi phát triển các dự án carbon.
Bà cũng cho biết thêm rằng khuôn khổ này cũng sẽ ủng hộ một phương pháp luận "dành riêng cho ASEAN" và giải quyết thách thức về cách thức xây dựng thêm lòng tin vào các phương pháp luận của Đông Nam Á.
Hợp tác ASEAN - Vương quốc Anh
Tại Hội nghị COP29 ở Baku, đại diện của Bộ Tài nguyên và Môi trường Việt Nam tại Nhóm công tác ASEAN về Biến đổi khí hậu, tham dự Hội thảo về hợp tác khí hậu ASEAN – Vương quốc Anh nhằm giới thiệu quan hệ đối tác và vai trò lãnh đạo của ASEAN - Anh về khí hậu, năng lượng và thiên nhiên.
Vương quốc Anh đồng lãnh đạo Chương trình Đối tác Chuyển dịch Năng lượng Công bằng (JETP) – một sáng kiến trị giá 15,8 tỷ USD nhằm đẩy nhanh quá trình chuyển đổi năng lượng của Việt Nam. Sau khi công bố Kế hoạch huy động nguồn lực JETP tại COP28 năm ngoái, các đối tác của JETP đang tập trung các hành động chính sách ưu tiên và huy động tài chính cho các dự án năng lượng sạch mang tính xúc tác.
Bên cạnh quan hệ đối tác chuyển dịch năng lượng, Vương quốc Anh cũng hỗ trợ Việt Nam về nông nghiệp bền vững, thành phố xanh và cơ sở hạ tầng, phát triển nông thôn xanh và vùng ven biển chống chịu với biển đổi khí hậu để thúc đẩy tham vọng chung về mục tiêu phát thải ròng bằng 0.
Các tranh luận về thị trường carbon
Cuối tuần qua, phiên bế mạc Cuộc họp các Ban bổ trợ lần thứ 61 (SB61) đánh dấu kết thúc tuần làm việc đầu tiên tại Hội nghị lần thứ 29 các Bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về Biến đổi khí hậu (COP29) tại Azerbaijan diễn ra.
Hội nghị COP 29 được kỳ vọng sẽ đưa được Mục tiêu định lượng tổng thể về tài chính khí hậu (NCQG). Vẫn còn nhiều ý kiến và quan điểm khác nhau về NCQG. Dự thảo tài liệu đàm phán trong ngày họp 16/11 giảm từ 35 trang còn 25 trang, trong đó vẫn còn 43 lựa chọn khác nhau và 415 đoạn chưa thống nhất. Dự thảo này sẽ được trình các Bộ trưởng để tiếp tục đàm phán vào ngày 18/11.
Liên quan đến nội dung thị trường carbon toàn cầu theo Điều 6 Thỏa thuận Paris, Điều 6.2 quy định rõ cách tính chuyển nhượng tín chỉ carbon, trong khi Điều 6.4 thiết lập một cơ cấu chức năng để triển khai thị trường carbon quốc tế và làm rõ cách chính phủ các nước nên hạch toán tín chỉ carbon trong các mục tiêu cắt giảm phát thải khí CO₂ quốc gia.
Phiên đàm phán về thị trường carbon vẫn chưa thống nhất được các nội dung quan trọng để vận hành đầy đủ thị trường carbon toàn cầu.
Dự thảo dài các quyết định cho Điều 6.2 đã được đưa ra. Dù phản ánh quan điểm của các Bên nhưng văn bản này vẫn chưa đạt được đồng thuận trong nhiều nội dung trọng yếu, và các cuộc đàm phán sẽ tiếp tục vào tuần làm việc thứ hai. Tương tự, các Bên cũng yêu cầu đàm phán thêm về Điều 6.4. Bên cạnh đó, Ban bổ trợ khuyến nghị Cuộc họp các bên tham gia Thỏa thuận Paris lần thứ 6 trong tuần làm việc thứ hai cần thông qua dự thảo quyết định cho Chương trình làm việc theo Điều 6.8 về cơ chế phi thị trường.
Bình luận