Báo cáo về hoạt động thương mại 3 tháng đầu năm của Bộ Công Thương cho thấy giá trị nhập khẩu của Việt Nam từ khu vực Trung Quốc và Nhật Bản bắt đầu tăng trở lại từ đầu tháng 3.
Theo đó tháng 3, nhập khẩu từ thị trường Trung Quốc tăng 7% so với cùng kỳ 2019, nhập khẩu từ Nhật Bản tăng 2,3%.
Tuy nhiên tính chung quý I, trong khi giá trị nhập khẩu từ thị trường Nhật Bản tăng 15,8% thì nhập khẩu từ thị trường Trung Quốc lại giảm 18%.
Đáng chú ý, đối với thị trường ASEAN, nhập khẩu 3 tháng đầu năm ước giảm 8,3% so với cùng kỳ, trong khi cùng kỳ tăng 6,3%.
Cũng theo báo cáo, kim ngạch hàng hóa nhập khẩu tháng 3 ước tính đạt 19 tỷ USD, tăng 2,3% so với tháng trước, trong đó khu vực kinh tế trong nước đạt 7,7 tỷ USD, tăng 4,1%, khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 11,3 tỷ USD, tăng 1%.
Xuất khẩu chậm lại kéo theo kim ngạch nhập khẩu hàng hóa trong quý I giảm 1,9%, ước đạt 56,26 tỷ USD.
Trong quý đầu năm, kim ngạch nhập khẩu của khối doanh nghiệp trong nước và khối doanh nghiệp FDI đều giảm so với cùng kỳ năm 2019, với mức giảm lần lượt là 3,4% và 0,8%.
Về cơ cấu hàng hóa nhập khẩu, số liệu của Bộ Công Thương cho thấy chiếm 87,9% tổng kim ngạch hàng hóa nhập khẩu là nhóm hàng cần nhập khẩu (nguyên phụ liệu phục vụ sản xuất trong nước) với kim ngạch đạt 49,47 tỷ USD, giảm 2,1% so với cùng kỳ 2019.
Tuy nhiên, trong tháng 3, kim ngạch nhập khẩu nhóm hàng này có sự tăng trưởng trở lại khi tăng 3,5% so với tháng 2/2020.
Máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện tiếp tục là mặt hàng có kim ngạch nhập khẩu lớn nhất, đạt 13,19 tỷ USD, tăng 11,8% so với cùng kỳ năm 2019. Ngoài ra, kim ngạch nhập khẩu điện thoại các loại và linh kiện tăng 14,1% so với quý I/2019, dầu thô tăng mạnh 67,9%...
Trong khi đó, nhiều mặt hàng có kim ngạch nhập khẩu giảm so với năm trước như máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng giảm 8,6%, vải các loại giảm 17,7%, chất dẻo nguyên liệu giảm 6,2%, sắt thép các loại giảm 16%, nguyên phụ liệu dệt, may, da giày giảm 14,5%, xăng dầu các loại giảm 17,6%....
Kim ngạch nhập khẩu nhóm hàng cần hạn chế nhập khẩu cũng giảm 8,2% trong quý, đạt 3,72 tỷ USD. Đáng chú ý, trong nhóm này nhập khẩu ô tô nguyên chiếc dưới 9 chỗ đã giảm 43,8% về lượng và 46,6% về trị giá so với cùng kỳ.
Ở chiều ngược lại, kim ngạch hàng hóa xuất khẩu tháng 3 ước tính đạt 20 tỷ USD, giảm 4,1% so với tháng trước.
Hầu hết các mặt hàng xuất khẩu trong tháng 3 có kim ngạch giảm so với tháng trước. Cụ thể, dầu thô giảm 20,8%, sắt thép giảm 20,3%, hàng dệt may giảm 19,4%, giày dép giảm 19,1%...
Tính chung kim ngạch xuất khẩu 3 tháng đầu năm 2020 ước đạt 59,1 tỷ USD, chỉ tăng 0,5% so với cùng kỳ 2019 (cùng kỳ tăng 5,2%).
Tăng trưởng xuất khẩu trong quý I đạt mức thấp nhất kể từ năm 2003 đến nay. Đây cũng là xu hướng chung của thương mại quốc tế và khu vực bởi trong 2 tháng đầu năm 2020 kim ngạch xuất khẩu của Trung Quốc giảm 17%, Hàn Quốc giảm 1,5%, Thái Lan giảm 0,8%, Nhật Bản giảm 4,1%, Hồng Kông giảm 12%, Đài Loan giảm 6,3%...
Trong đó, khu vực khối doanh nghiệp trong nước ước đạt 18,65 tỷ USD, tăng 8,7%, khu vực có vốn đầu tư nước ngoài giảm 2,9% so với cùng kỳ năm trước.
Video: Gói tín dụng 285.000 tỷ đồng giải nguy doanh nghiệp ảnh hưởng do COVID-19
Bình luận