Dẫn số liệu của Tổng cục Hải quan, Bộ Công Thương cho biết, 11 tháng đầu năm 2019, xuất khẩu của nước ta đạt 241,7 tỷ USD, tăng 7,9% so với cùng kỳ năm 2018, đạt chỉ tiêu 7-8% của Quốc hội giao; kim ngạch nhập khẩu đạt 230,7 tỷ USD, tăng 6,6% so với cùng kỳ năm 2018. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu đạt khoảng 472 tỷ USD trong 11 tháng đầu năm.
Với tiến độ như hiện nay, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam sẽ vượt mốc 500 tỷ USD vào nửa sau tháng 12 năm 2019.
Kết quả này đạt được trong bối cảnh kinh tế thế giới trong năm 2019 tăng trưởng chậm với các yếu tố rủi ro, thách thức gia tăng. Thương mại toàn cầu cũng giảm tốc, xuất khẩu của các nước trong khu vực đều giảm so với cùng kỳ năm trước. Bất đồng giữa các nước lớn về định hình hệ thống thương mại toàn cầu ngày càng sâu sắc, đặc biệt là xung đột thương mại Mỹ - Trung và vấn đề Anh rời khỏi Liên minh châu Âu (EU). Xu hướng bảo hộ mậu dịch ngày càng tăng, một số nước sẵn sàng vi phạm quy định của WTO để bảo hộ sản xuất trong nước.
Xuất khẩu năm 2019 dù gặp nhiều khó khăn nhưng được tạo thuận lợi môi trường đầu tư kinh doanh được cải thiện mạnh mẽ. Trong năm 2019, Bộ Công Thương tiếp tục đẩy mạnh mở cửa thị trường cho hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam thông qua các hoạt động đàm phán, ký kết các Hiệp định thương mại. Tính đến nay, Việt Nam đã tham gia đàm phán và ký kết 16 Hiệp định thương mại tự do FTA, trong đó có 12 FTA đã ký kết và đi vào hiệu lực.
Bộ Công Thương cũng đang triển khai những công việc cần thiết để thực thi các Hiệp định và hỗ trợ doanh nghiệp khai thác lợi ích của các FTA như nội luật hóa các cam kết; nghiên cứu, đánh giá tác động của các FTA, cải cách thủ tục hành chính, hiện đại hóa công tác cấp Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa (C/O)...
Bên cạnh đó, Chính phủ và Bộ Công Thương đặc biệt quan tâm đến việc thực hiện Hiệp định CPTPP; Hiệp định FTA đã thực thi khác và Hiệp định EVFTA. Kết quả ban đầu thông qua số liệu thống kê cho thấy các doanh nghiệp Việt Nam đã tận dụng tốt hơn các cơ hội do các FTA đem lại. Tổng kim ngạch sử dụng C/O ưu đãi chiếm khoảng 38% tổng kim ngạch xuất khẩu sang các thị trường đối tác FTA. Đặc biệt, một số thị trường mới trong CPTPP có mức tăng tốt ngay sau khi Hiệp định có hiệu lực như sang Canada, Mexico.
Để tiếp tục tạo thuận lợi cho hoạt động kinh doanh của cộng đồng doanh nghiệp, Chính phủ đã trực tiếp chỉ đạo, điều hành sát sao trong việc sửa đổi nhiều quyết định liên quan đến thương mại, hải quan, hạ tầng cơ sở logistics... Năng lực của doanh nghiệp dịch vụ logistics cải thiện đáng kể, đóng góp tích cực vào các hoạt động kinh tế. Chỉ số Hiệu quả Logistics (LPI) của Việt Nam xếp hạng 39/160 nước, tăng 25 bậc so với năm 2016 vươn lên đứng thứ 3 trong các nước ASEAN.
Mặc dù vậy, Bộ Công Thương nhận định, hoạt động xuất nhập khẩu năm 2020 sẽ còn đối diện với nhiều khó khăn, trong khi Quốc hội giao chỉ tiêu tăng trưởng xuất khẩu đạt 7-8%.
Bình luận