Ngày 1/2, trả lời câu hỏi của phóng viên về phản ứng của Việt Nam trước những diễn biến tình hình gần đây tại Myanmar, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng nêu rõ:
“Là nước láng giềng trong khu vực và cùng là thành viên ASEAN, Việt Nam hết sức quan tâm theo dõi tình hình đang diễn ra tại Myanmar. Việt Nam mong muốn Myanmar sớm ổn định tình hình để xây dựng và phát triển đất nước, vì hòa bình, ổn định, hợp tác ở khu vực và tiếp tục đóng góp cho tiến trình xây dựng Cộng đồng ASEAN”.
Sáng 1/2, quân đội Myanmar bắt Cố vấn Nhà nước Aung San Suu Kyi, Tổng thống Win Myint và một số lãnh đạo cấp cao trong đảng cầm quyền, đồng thời tuyên bố tình trạng khẩn cấp trong một năm để điều hành đất nước.
Hàng loạt các quốc gia lên tiếng trước diễn biến mới này ở Myanmar.
Bộ Ngoại giao Indonesia bày tỏ quan ngại về những diễn biến chính trị mới nhất ở Myanmar. Indonesia nhấn mạnh các tranh chấp liên quan đến kết quả tổng tuyển cử có thể được giải quyết bằng các cơ chế pháp lý hiện có. Jakarta kêu gọi tất cả các bên ở Myanmar kiềm chế và đưa ra cách tiếp cận đối thoại nhằm tìm ra lối thoát cho những thách thức và vấn đề khác nhau đang tồn tại để tình hình không trở nên tồi tệ hơn.
Trong khi đó, Philippines cho rằng đây là “vấn đề nội bộ” của Myanmar và họ sẽ không can thiệp. Ông Harry Roque, người phát ngôn của Tổng thống Philippines cho biết Manila hy vọng tình hình trở lại bình thường càng sớm càng tốt và mối quan tâm chính của chính phủ nước này là sự an toàn của người Philippines tại Myanmar.
Trong tuyên bố đưa ra chiều 1/2. Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) kêu gọi Myanmar theo đuổi "đối thoại, hòa giải và quay lại tình trạng bình thường" sau khi vụ đảo chính.
"Chúng tôi nhắc lại rằng sự ổn định chính trị tại các nước thành viên ASEAN là cần thiết đối với việc đạt được một cộng đồng ASEAN hòa bình, ổn định và thịnh vượng", ASEAN nêu rõ trong tuyên bố.
Bình luận