Nhiều người cứ nghĩ đến việc vé trận đấu tuyển Việt Nam- tuyển Indonesia ế ẩm mà xót ruột. Dù bóng đá nội đang xuống giá thảm hại nhưng chỉ riêng với các cầu thủ Việt Nam, đó là trận đấu của những đôi chân tiền tỷ. Tính sơ sơ, giá trị của các tuyển thủ cũng cả trăm tỷ.
Nhưng tiền tỷ mà đá trong khung cảnh vắng teo thì khác nào trận đấu của tuyển Việt Nam được tổ chức trong một cái hộp khổng lồ mang tên Mỹ Đình.
Câu hỏi đặt ra là tại sao cứ phải tổ chức ở Mỹ Đình? Cho oai? Cho sang? Hay đơn giản chỉ là để xứng tầm đội tuyển?
Sân vận động Quốc gia Mỹ Đình sáng 15/10 (Ảnh Hà Thành) |
Thực tế cho thấy, ngoại trừ các trận đấu với những đối thủ lớn, tầm cỡ (như Olympic Brazil năm 2008) thì các trận giao hữu của ĐTVN với những đội tuyển "tầm tầm" hoặc trong khu vực đều rơi vào tình trạng ế khách. Sân Mỹ Đình hơn 4 vạn chỗ nhưng chỉ chứa đến một phần tư.
Dân Hà Nội chán bóng đá nội, không thiết tha thì tại sao không thể tổ chức ở một nơi khác mà người hâm mộ đã "khát" đội tuyển nhiều năm? Đúng là "kẻ ăn không hết- người lần chẳng ra".
Một trận bóng đá, dù là trận bóng đá của đội tuyển cũng nên coi là một món hàng. Thời buổi này là lúc mà để bán được hàng, người ta phải tìm mọi cách tiếp thị tận nơi người tiêu dùng, phải phục vụ, cưng chiều khách hàng như thượng đế, phải tung chiêu khuyến mại. Nói tóm lại, theo một nguyên tắc kinh doanh là "bán cái người ta cần chứ không phải bán cái ta có".
Tất nhiên cũng có một chân lý khác "người giỏi là người bán được cái mình có, còn người kém may ra chỉ bán được cái người ta cần". Nhưng chỉ đúng trong một vài trường hợp, bóng đá nội, ở thời điểm hiện tại chưa đủ đẳng cấp và trình độ quản lý giỏi tới mức "bán được cái mình có".
Có thể đặt ra một chỉ tiêu cho mùa V.League mới thế này: "Nhà vô địch thực sự không phải là đội bóng nhiều điểm số nhất mà chính là đội bóng…bán được nhiều vé nhất".
Nếu hôm nay, đội tuyển đá trong hộp Mỹ Đình với lượng khán giả khiêm tốn thì các nhà tổ chức nên cân nhắc lại địa điểm tổ chức. Đội tuyển nên đá ở nơi có nhu cầu thực sự.
Bởi nếu tổ chức một trận đấu mà tiền vé cuối cùng cũng chỉ đủ…một bữa chiêu đãi đội bạn thì thật là lãng phí.
Quầy vé trân Việt Nam - Indonesia sáng 15/10 (Ảnh: Hà Thành) |
Bên điện ảnh, người ta đang nhắc đến một bộ phim do UBND TP Hà Nội đầu tư dài 30 tập có kinh phí lên tới 56 tỷ đồng để phục vụ đại lễ 1000 năm Thăng Long cách đây 2 năm. Bộ phim này không được công chiếu, cũng chẳng được giới thiệu ra cho khán giả. Nghĩa là im thin thít, còn hơn cả việc được cất trong hộp.
Thì để trận đấu của đội tuyển đừng như…phim, có thể hỏi lại "tại sao cứ phải Mỹ Đình?".
Song An (Thể thao 24h)
Bình luận