• Zalo

Việt Nam - Trung Quốc trao đổi thẳng thắn về biển Đông

Thế giớiThứ Tư, 19/06/2013 09:24:00 +07:00Google News

Chuyến thăm có ý nghĩa rất quan trọng trong bối cảnh tình hình khu vực và thế giới có nhiều chuyển biến nhanh chóng và phức tạp.

Chuyến thăm có ý nghĩa rất quan trọng trong bối cảnh tình hình khu vực và thế giới có nhiều chuyển biến nhanh chóng và phức tạp, Việt Nam và Trung Quốc đều đang ở giai đoạn then chốt trong sự nghiệp đổi mới và cải cách mở cửa.

Chuyến thăm Trung Quốc của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang là chuyến thăm đầu tiên trên cương vị chủ tịch nước và cũng là chuyến thăm Trung Quốc đầu tiên của lãnh đạo cấp cao Việt Nam sau khi Trung Quốc có ban lãnh đạo mới.
Việt Nam - Trung Quốc trao đổi thẳng thắn về biển Đông
Đối thoại quốc phòng Việt - Trung tại Bắc Kinh, Trung Quốc ngày 5/6 - Ảnh: defense.pk 

Đại sứ Nguyễn Văn Thơ khẳng định dù tình hình khu vực và thế giới có nhiều thay đổi, quan hệ hai nước có những lúc thăng trầm, nhưng lãnh đạo và nhân dân hai nước đều có một nhận thức chung không thay đổi là sự phát triển ổn định của quan hệ hai nước có ý nghĩa quan trọng và trực tiếp không chỉ đối với sự phát triển ở mỗi nước mà còn đối với hòa bình, ổn định và thịnh vượng chung của khu vực. Kể từ khi bình thường hóa quan hệ năm 1991, tuy còn một số bất đồng nhưng hợp tác và hữu nghị vẫn là dòng chảy chính trong quan hệ hai nước.
Chỉ còn vấn đề trên biển
Theo đại sứ Nguyễn Văn Thơ, trong ba vấn đề lớn tồn tại do lịch sử để lại, hai nước đã giải quyết được hai vấn đề là biên giới trên bộ và vịnh Bắc bộ. Hiện hai nước còn bất đồng trong vấn đề biển Đông. Việt Nam luôn nhận thức đây là vấn đề lớn, khó khăn, lâu dài và có lập trường rõ ràng, nhất quán. Nếu vấn đề này không được xử lý ổn thỏa sẽ ảnh hưởng tới đại cục quan hệ hai nước, tới hòa bình, ổn định ở khu vực.
Đại sứ Nguyễn Văn Thơ cho biết trong chuyến thăm của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, hai bên sẽ tiếp tục trao đổi thẳng thắn, chân thành về vấn đề biển Đông. Phía Việt Nam mong muốn từ tầm cao chiến lược và quan hệ hữu nghị, lãnh đạo hai nước sẽ chỉ đạo và thúc đẩy giải quyết vấn đề biển Đông thông qua thương lượng hòa bình trên cơ sở bình đẳng, tôn trọng lẫn nhau, trên cơ sở luật pháp quốc tế, nhất là Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật biển (UNCLOS) năm 1982, tuân thủ nghiêm túc Tuyên bố chung về ứng xử của các bên ở biển Đông (DOC) và tiến tới Bộ quy tắc ứng xử của các bên ở biển Đông (COC).
Đã lập đường dây nóng
Quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt - Trung không ngừng được củng cố và phát triển. Giao lưu chính trị không ngừng được thúc đẩy với các chuyến thăm và gặp gỡ giữa hai nước. Gần đây, hai bên cũng thiết lập và vận hành đường dây nóng giữa lãnh đạo cấp cao hai nước. Trong cuộc điện đàm ngày 21-3, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng và Tổng bí thư Tập Cận Bình đã nhất trí về những phương hướng lớn chỉ đạo quan hệ hai nước trong thời gian tới, góp phần đưa quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt - Trung phát triển lành mạnh, ổn định lâu dài.
Hai bên cũng sẽ thảo luận biện pháp xử lý thỏa đáng những vấn đề nảy sinh từ hoạt động nghề cá và ngư dân, không để ảnh hưởng đến quan hệ hữu nghị cũng như đời sống và tâm tư tình cảm của người dân hai nước.
Theo đại sứ Thơ, việc đảm bảo cho ngư dân Việt Nam được tự do đánh bắt cá tại các ngư trường truyền thống ở biển Đông là điều rất quan trọng.
Về vấn đề này, trả lời TTXVN ngày 17-6, đại sứ Trung Quốc tại Việt Nam Khổng Huyễn Hựu cũng nhìn nhận: “Vấn đề trên biển là vấn đề duy nhất còn tồn tại, chưa được giải quyết giữa hai nước, gây cản trở nhất định cho việc phát triển quan hệ và cũng là thực trạng mà hai bên đều không mong muốn. Vấn đề trên biển vô cùng phức tạp và nhạy cảm, nên để giải quyết một cách triệt để cần phải có thời gian”.
Theo ông Khổng, để giải quyết một cách thỏa đáng và từng bước vấn đề trên biển, lãnh đạo cấp cao hai nước đã đạt được nhận thức chung quan trọng. Hai bên đã ký “Thỏa thuận về những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển”, trong đó trọng tâm là cần phải xuất phát từ đại cục hữu nghị giữa hai nước, thông qua đàm phán hiệp thương để giải quyết, không để khác biệt giữa hai bên ảnh hưởng đến sự phát triển thuận lợi của quan hệ hai nước, tạo môi trường phát triển tốt đẹp cho mỗi bên.
“Chỉ cần hai bên cùng xuất phát từ đại cục này, thực hiện và tuân thủ nghiêm ngặt nhận thức chung có liên quan của lãnh đạo cấp cao hai nước và thỏa thuận về những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển, kiểm soát hữu hiệu khác biệt, tích cực tìm kiếm hợp tác và thiết thực duy trì ổn định... nhất định sẽ xử lý và giải quyết thỏa đáng vấn đề trên biển” - đại sứ Trung Quốc tại Việt Nam nhấn mạnh.
Đặt mục tiêu giao thương 60 tỉ USD
Theo TTXVN, về quan hệ kinh tế - thương mại, Trung Quốc hiện là bạn hàng thương mại hàng đầu của Việt Nam. Năm 2012, tổng kim ngạch thương mại Việt - Trung đạt 41,18 tỉ USD và trong bốn tháng đầu năm 2013 đạt 14,31 tỉ USD, tạo tiền đề để hai nước sớm hoàn thành mục tiêu 60 tỉ USD vào năm 2015.
Về đầu tư, tính đến tháng 5-2013 Trung Quốc có 913 dự án đầu tư vào Việt Nam với tổng số vốn khoảng 4,77 tỉ USD, đứng thứ 13 trong số các nước và vùng lãnh thổ đầu tư ở Việt Nam. 
Tuy vẫn còn một số vấn đề tồn tại cần phải khắc phục như vấn đề nhập siêu của Việt Nam trong thương mại với Trung Quốc, chất lượng và tiến độ các dự án đầu tư phải được nâng lên, nhưng có thể khẳng định những kết quả đó đã góp phần tích cực cho sự phát triển của mỗi nước, tạo việc làm cho hàng triệu lao động mỗi nước.
Đầu tư trực tiếp của Trung Quốc sang Việt Nam cũng còn rất nhiều tiềm năng. Để có sự bứt phá về chất trong quan hệ kinh tế, thương mại và đầu tư giữa hai nước trong thời gian tới, đại sứ Nguyễn Văn Thơ cho rằng hai nước cần phát huy đầy đủ hơn nữa vai trò Ủy ban chỉ đạo hợp tác song phương để hoạch định và điều phối hiệu quả các hoạt động hợp tác kinh tế; xử lý kịp thời và hiệu quả các vấn đề phát sinh như đảm bảo thương mại biên giới trật tự, ổn định, các vấn đề về lao động, an toàn vệ sinh thực phẩm, kiểm dịch động - thực vật...

Theo TTXVN

Bình luận
vtcnews.vn