Nhiều kinh nghiệm và các cách thức phòng chống thiên tai được các chuyên gia hàng đầu Nhật Bản chia sẻ sáng nay trong Hội thảo về Hợp tác phòng chống thiên tai Việt Nam - Nhật Bản diễn ra ở Hà Nội. Hội thảo do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp Tổ chức hợp tác quốc tế Nhật Bản JICA tại Việt Nam thực hiện.
Theo ông Kokawa Naoki, đại diện Hội chữ thập đỏ Nhật Bản, thảm họa kép động đất, sóng thần tháng 3/2011 cho thấy sức tàn phá kinh hoàng của thiên nhiên và điều này có thể xảy đến với bất cứ quốc gia nào.
Ông Kokawa Naoki chia sẻ những kinh nghiệm của tổ chức này trong quá trình cứu hộ, cứu trợ người dân trong thảm họa kép khiến hàng ngàn người chết, hàng trăm ngàn người phải di tản.
Đại diện Hội chữ thập đỏ Nhật Bản cũng công bố những số liệu về sự hỗ trợ của cộng đồng quốc tế đối với đất nước họ sau thảm họa kép.
Sóng thần trong thảm họa kép năm 2011 của Nhật Bản |
Riêng với Việt Nam, chúng ta đã quyên góp được 7.8 triệu USD tiền mặt, thông qua Đại sứ quán, Lãnh sự quán Nhật Bản ở Việt Nam. Hội chữ thập đỏ 2 nước cũng có kênh quyên góp riêng và huy đông được 6.1 triệu USD.
Ông Kokawa cho biết, tất cả số tiền quyên góp được từ cộng đồng quốc tế, được chuyển 100% đến những nạn nhân của thảm họa. Các chi phí trung gian, vận chuyển tiền và vật chất quyên góp đều được tổ chức này chi trả chứ không dùng đến tiền quyên góp.
Bên cạnh việc chia sẻ kinh nghiệm từ các chuyên gia đã trực tiếp thực hiện quá trình khắc phục hậu quả thảm họa kép, phía Nhật Bản còn có các công ty chuyên về hệ thống dự báo, phòng chống thiên tai.
Các công ty này đã trình bày về các sản phẩm của mình, trong đó hội tụ nhiều công nghệ hiện đại nhất để có thể hỗ trợ con người trong quá trình dự báo, phòng chống thiên tai.
Hiện trường kinh hoàng của thảm họa kép để lại |
Tiêu biểu là Fujitsu với hệ thống cảnh báo thiên tai hiện đại. Hệ thống hoạt động theo nguyên tắc dây chuyền, các cảm biến có khả năng đo chỉ số thời tiết được đặt ở các khu vực nguy cơ cao, dữ liệu liên tiếp được truyền về trung tâm và phân loại qua người quản lý.
Cuối cùng các số liệu sẽ được phân tích để đưa ra những cảnh báo sớm nhất có thể về các vấn đề như lũ quét, ngập lụt hay sạt lở đất.
Không đi sâu vào quá trình cảnh báo, Công ty SE của Nhật Bản lại đẩy mạnh công tác phòng chống. Sản phẩm của họ mang đến hội thảo là những neo đất dự ứng lực, khi đóng chặt vào thành đất nghiêng sẽ chống được hiện tượng sạt lở trong lũ.
Không chỉ có chức năng gia cố, các neo đất của SE còn được trang bị hệ thống cảm biến hiện đại, đổi màu đèn báo theo trạng thái chịu lực của cáp bên trong, điều này giúp những người quản lý dễ dàng vận hành và phát hiện sớm những điểm có nguy cơ sạt lở và ngăn chặn kịp thời.
Sóng thần trong thảm họa kép năm 2011 của Nhật Bản cao đến 15m |
Về phía Việt Nam, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát nhấn mạnh: Sau 40 năm xây dựng và phát triển, Việt Nam và Nhật Bản đã trở thành những người bạn tốt, gắn bó keo sơn và nay là những đối tác chiến lược quan trọng của nhau.
Các lĩnh vực hợp tác giữa hai nước ngày càng được mở rộng và toàn diện. Đặc biệt, sau chuyến thăm của Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe trong tháng 1 năm nay, Chính phủ hai nước đã nhất trí đưa quan hệ đối tác chiến lược Việt Nam–Nhật Bản lên một tầm cao mới và lấy năm 2013 là “Năm hữu nghị Việt Nam–Nhật Bản”. Sự kiện này mở đầu cho giai đoạn phát triển mới trong những năm tới.
Bộ trưởng Cao Đức Phát cũng cho biết, trong khuôn khổ hội thảo diễn ra sáng 13/9, hai bên đã ký kết Biên bản ghi nhớ hợp tác trong lĩnh vực quản lý thiên tai lần thứ 2 cho giai đoạn từ nay đến năm 2016.
Tùng Đinh
Bình luận