Người được nhắc đến là Nguyễn Mại (1655-1720), quê làng Ninh Xá, huyện Chí Linh, Hải Dương.
Sách Đại Nam nhất thống chí mô tả ông là người “có sức khỏe, mưu lược, trộm cướp phải nín hơi, xét kiện sáng suốt, danh vọng rất cao”.
Còn Khâm định Việt sử thông giám cương mục viết: “Mại là người khỏe mạnh, mưu lược lại giỏi bắn cung và cưỡi ngựa”.
Năm 1691, triều vua Lê Hy Tông, Nguyễn Mại đỗ hoàng giáp và ra làm quan. Với phẩm cách thanh cao, chính trực, không sợ cường quyền, Nguyễn Mại chỉ trích cả lối sống xa hoa của chúa Trịnh. Chúa Trịnh dù có phần phật ý, vẫn kính nể và trọng dụng ông. Chúa giao cho ông trọng trách giữ thủy quân, sau làm Đốc trấn Cao Bằng rồi chuyển về trấn thủ Sơn Tây.
Cũng tại trấn Sơn Tây, hậu thế ngày nay mới biết đến tài năng xử án và xét đoán như thần của Nguyễn Mại. Nhiều câu chuyện xử án của ông được lưu truyền trong dân gian.
Một hôm, Nguyễn Mại đi qua làng Đông Ngạc (Hà Nội ngày nay), chợt nghe thấy người đàn bà đang lớn tiếng chửi mất buồng chuối. Ông chợt nghĩ, lý dịch xưa nay không thấy ai để ý đến việc điều tra xét xử tội ăn cắp vặt, nên tệ nạn này mới hoành hành, liền tiến đến hỏi người đàn bà và phát hiện vết chặt trên cây chuối còn mới.
Đoán biết là kẻ trộm chỉ ở quanh đây, ông liền gọi lý trưởng đến, ra lệnh tất cả người làng ra vét ao đình. Trong khi mọi người đang hì hục làm, ông bảo lý trưởng đi mua trầu cau, phát cho mọi người ăn trong lúc nghỉ giải lao. Sau đó, ông sai mọi người rửa tay thật sạch, lên sân đình ngồi nghỉ.
Trong số các bàn tay đưa ra nhận trầu, Nguyễn Mại nhận thấy trên tay một người vẫn còn dính vết bùn dù đã rửa, liền ra lệnh bắt ngay người đó. Quả nhiên đó là người ăn trộm chuối bởi nhựa chuối dính trên tay, ngâm xuống bùn thì dính bẩn và không thể rửa sạch ngay. Chỉ qua vài câu xét hỏi, người này phải cúi đầu nhận tội, trả lại buồng chuối đã lấy và chịu nộp phạt trước dân làng.
Sách Ngự chế Việt sử tổng vịnh tập còn lưu lại câu chuyện một lần Nguyễn Mại đi qua chợ Bảo Khám ở Gia Bình (Bắc Ninh), thấy người đàn bà mất con gà đang to tiếng chửi rủa. Có lẽ vì xót của mà bà ta lôi cả tam đời ngũ đại kẻ đánh cắp ra chửi. Nguyễn Mại nghe thấy bèn mắng người đàn bà này là ác khẩu, rồi sai tất cả người dân trong làng, cả già trẻ gái trai, đến vả vào má bà này.
Mọi người vì sợ lệnh quan mà miễn cưỡng chấp hành, nhưng vẫn thương hại bà mà giơ cao đánh khẽ. Thế nhưng, có một người lại ra sức tát mạnh. Nguyễn Mại lập tức cho bắt lại và tra hỏi. Quả nhiên đó chính là thủ phạm, vì bị chửi rủa mà căm phẫn bất bình.
Một lần khác, Nguyễn Mại gặp một ni cô tại chùa Sơn Vi (nay thuộc Phú Thọ) kêu mất đồ đạc. Để phá vụ án này, ông ra lệnh lập đàn khấn cúng, buộc các ni cô khác trong chùa một tay cầm cờ phướn, một tay nắm bó lúa, đi vòng quanh, miệng hô "kẻ nào gian thì lúa ở trong tay sẽ mọc mầm". Trong khi các ni cô đang diễu hành, thấy một ni cô vừa đi thỉnh thoảng lại hé tay ra xem, ông liền đưa ra vặn hỏi, quả đúng đây là thủ phạm.
Dù là người thanh liêm chính trực, nhưng cuối đời Nguyễn Mại lại chịu nhiều oan khuất. Có tài liệu lịch sử cho rằng, vì mạo phạm can gián chúa Trịnh mà ông bị ám sát khi còn đương chức. Người con trai thứ ba đưa linh cữu cha về an táng tại quê nhà.
Tuy nhiên, ngay cả khi nằm xuống, vị quan thanh liêm này vẫn không tránh khỏi tai ương. 20 năm sau khi Nguyễn Mại mất, năm 1740, nông dân vùng Chí Linh nổi dậy, tập hợp nghĩa quân chống lại triều đình vì không chịu nổi áp bức. Lãnh đạo cuộc khởi nghĩa là anh em Nguyễn Cừ, Nguyễn Tuyển, hai cháu nội của Nguyễn Mại.
Chúa Trịnh sai quân đi đánh dẹp vùng Chí Linh. Nguyễn Cừ, Nguyễn Tuyển bị bắt, quy kết tội làm phản nên chém đầu, tru di tam tộc. Mồ mả họ hàng nhà hai ông bị xâm phạm, trong đó có cả mộ Nguyễn Mại.
Bình luận