Báo VnExpress dẫn lời TS.BS Trịnh Hoàng Kim Tú, cố vấn chuyên môn tại Trung tâm Y sinh học Phân tử, Đại học Y dược TP.HCM cho biết, thông thường, quá trình hồi phục vết thương trải qua ba giai đoạn chính gồm:
- Giai đoạn viêm: Cơ thể sẽ ngăn chặn sự mất máu bằng cách co mạch và hình thành cục máu đông. Đồng thời, các tế bào miễn dịch di chuyển đến vùng bị thương để loại bỏ vi khuẩn, tế bào chết.
- Giai đoạn tăng sinh: Cơ thể tạo mô hạt làm đầy vết thương, tái tạo da và mạch máu mới. Các nguyên bào sợi bắt đầu phân chia, tạo collagen và glycosaminoglycans, giúp ổn định vết thương. Khi đó, vết thương bắt đầu khép lại và tái tạo da.
- Giai đoạn tái tạo: Phần lớn mạch máu, nguyên bào sợi, tế bào viêm tại vết thương sẽ biến mất, collagen dư thừa được tiêu hủy đi, vết thương bắt đầu lành và có thể phát triển thành sẹo.
Tuy nhiên, ở người cao tuổi, quá trình lành vết thương chậm hơn, các giai đoạn hồi phục nói trên có thể kéo dài hơn so với người trẻ. Lý do là sự lão hóa khiến các chức năng trong cơ thể suy giảm, dẫn đến suy giảm miễn dịch. Lúc này, cơ thể có phản ứng viêm kéo dài, tạo ra nhiều chất oxy hóa gây tăng tổn thương thay vì giúp tế bào lành lại, từ đó khiến vết thương chậm lành.
Ngoài ra, tế bào da bị thoái hóa khi cao tuổi, phân chia chậm hơn, khiến cho làn da mỏng và dễ bị tổn thương. Mầm bệnh từ môi trường dễ dàng xâm nhập cơ thể, làm tăng nguy cơ nhiễm trùng, viêm loét, tổn thương các vùng da xung quanh, tiếp tục kéo dài thời gian hồi phục.
Các yếu tố khác cũng làm chậm quá trình lành vết thương, như điều trị bệnh nền (tiểu đường, người ghép tạng), dinh dưỡng kém, căng thẳng, hút thuốc, sử dụng đồ uống có cồn. Do đó, người cao tuổi cần hạn chế hút thuốc, uống rượu và cần có các biện pháp giảm căng thẳng để đẩy nhanh tốc độ hồi phục vết thương.
Dinh dưỡng cân bằng cũng giúp vết thương phục hồi nhanh. Người cao tuổi cần tránh món chứa nhiều dầu, mỡ, nhiều đường, muối hoặc các thực phẩm chế biến. Các món ăn này có thể kích thích viêm sưng, làm chậm quá trình phục hồi vết thương.
Một số chất dinh dưỡng quan trọng dưới đây nên chú trọng bổ sung và tối ưu, gồm:
Carbohydrate: Cung cấp năng lượng chính cho cơ thể, giúp dự trữ năng lượng, thúc đẩy sức khỏe tiêu hóa. Trong đó, carbohydrate từ rau xanh, hoa quả, ngũ cốc nguyên hạt, các loại đậu được coi là lành mạnh, tốt cho sức khỏe.
Protein: Có vai trò xây dựng và sửa chữa da, cơ và các mô. Nguồn protein tốt nên lấy từ thịt nạc, cá, trứng, đậu, sữa chua và phô mai.
Vitamin C: Vitamin C được coi là thần dược trong việc chữa lành vết thương. Thực phẩm giàu vitamin C gồm trái cây họ cam quýt, dâu tây, rau bina, khoai tây, bông cải xanh, kiwi, ớt chuông.
Kẽm: Hỗ trợ một số chức năng trong cơ thể và đóng vai trò quan trọng trong quá trình chữa lành vết thương. Nguồn kẽm tốt nhất từ thịt, cá, thịt gia cầm.
Bài viết trên đây hy vọng phần nào trả lời cho thắc mắc "Vì sao vết thương ở người cao tuổi chậm lành?". Mọi người khi có vết thương cần được chăm sóc, điều trị đúng cách, không nên tự ý đắp các loại lá cây, thuốc nam lên vết thương, điều này khiến vi khuẩn tấn công, sinh sôi và lây lan gây nhiễm trùng trên diện rộng.
Bình luận