• Zalo

Vì sao Trung Quốc sẽ không chấp nhận Triều Tiên là quốc gia hạt nhân?

Thế giớiThứ Tư, 20/09/2017 15:01:00 +07:00Google News

Trong bối cảnh căng thẳng leo thang, Đại sứ Trung Quốc tại Mỹ cho biết Bắc Kinh sẽ không công nhận chương trình vũ trang hạt nhân của Triều Tiên

Trong tình hình căng thẳng leo thang trên bán đảo Triều Tiên, Đại sứ Trung Quốc tại Mỹ Thôi Thiên Khải cho biết Bắc Kinh sẽ không công nhận Triều Tiên là quốc gia hạt nhân.

Bình luận của ông được đưa ra sau khi một số chuyên gia và nhà quan sát nói thế giới nên thừa nhận Triều Tiên có vũ khí hạt nhân và hướng các chính sách đi đến việc làm thế nào để Bình Nhưỡng không sử dụng chúng.

Theo tờ báo Hong Kong SCMP, Trung Quốc có nhiều lí do để phản đối chính quyền Kim Jong-un sở hữu vũ khí hạt nhân.

trung-quoc-se-khong-cong-nhan-trieu-tien-1

 Trung Quốc lo ngại thừa nhận vũ khí hạt nhân của Triều Tiên sẽ đẩy mạnh chạy đua vũ trang. (Ảnh: Reuters)

Thứ nhất, theo các nhà quan sát, Trung Quốc lo ngại việc thừa nhận Triều Tiên sở hữu vũ khí hạt nhân sẽ đẩy mạnh cuộc chạy đua vũ trang trong khu vực. Khi Triều Tiên sở hữu kho vũ khí hạt nhân đáng tin cậy, Hàn Quốc và Nhật Bản sẽ cảm thấy cần phải có vũ khí hạt nhân riêng.

Theo nhà nghiên cứu Đặng Duật Văn từ Viện nghiên cứu Charhar, Hàn Quốc và Mỹ đang thảo luận về việc giới thiệu lại chương trình vũ khí có gắn đầu đạn hạt nhân của Mỹ. Dù Hàn Quốc vẫn luôn hướng tới chính sách phi hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên và tuyên bố sẽ không thay đổi chính sách này.

Khi đó, “Trung Quốc sẽ không có lựa chọn nào khác mà phải chấp nhận việc Hàn Quốc phát triển vũ khí hạt nhân”, ông Đặng nói.

cui_tiankai 4

 Đại sứ Trung Quốc tại Mỹ Thôi Thiên Khải. (Ảnh: SBS)

Bên cạnh đó, Trung Quốc là một trong những nước ký Hiệp ước không phổ biến vũ khí hạt nhân nhằm hạn chế sự lan rộng cũng như hướng đến giải trừ loại vũ khí hạt nhân. Nhật Bản, Mỹ và 185 quốc gia thành viên Liên Hợp Quốc khác cũng đã kí Hiệp ước.

Vì vậy nếu Trung Quốc chấp nhận Triều Tiên là quốc gia hạt nhân sẽ mâu thuẫn với những thế lực hạt nhân mới nổi khác như Ấn Độ, Pakistan. “Tại sao Triều Tiên lại là trường hợp ngoại lệ nếu như các thế lực hạt nhân mới như Ấn Độ, Pakistan và Israel vẫn chưa được công nhận là quốc gia hạt nhân?”, ông Nhạc Cương, Đại tá đã về hưu của Trung Quốc nói.

Video: Chương trình hạt nhân của Triều Tiên đáng gờm cỡ nào?

Ngoài ra, Trung Quốc cũng đang thận trọng với việc người hàng xóm của mình có khả năng đang sở hữu kho vũ khí hạt nhân. Đây là mối đe dọa rõ ràng với an ninh Trung Quốc và chương trình hạt nhân của Triều Tiên còn tiềm ẩn nguy cơ rò rỉ chất phóng xạ sang lãnh thổ Trung Quốc.

Theo SCMP, trong kịch bản tệ nhất, các vũ khí có thể được sử dụng để chống lại Bắc Kinh. Ông Đặng nói: “Nếu mối quan hệ giữa Trung Quốc và Triều Tiên xấu đi, không ai đảm bảo lãnh đạo Kim Jong-un sẽ không sử dụng vũ khí hạt nhân chống lại Trung Quốc.

Trong khi đó, Robert Maning, chuyên gia an ninh quốc tế tại một cơ quan nghiên cứu của Mỹ nhận định: “Tôi nghĩ sẽ tốt cho Mỹ khi nhắc nhở Trung Quốc rằng tên lửa của Triều Tiên có thể phóng đi tất cả mọi hướng".

Phương Anh
Bình luận
vtcnews.vn