Trong một tuyên bố chung trên cương vị đồng Chủ tịch Nhóm Minsk của Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu (OSCE), Tổng thống 3 nước trên "kêu gọi lập tức ngừng thù địch giữa các lực lượng quân sự liên quan". Tuyên bố nêu rõ: "Chúng tôi cũng kêu gọi các lãnh đạo Armenia và Azerbaijan cam kết ngay lập tức nối lại các cuộc đàm phán với thiện ý và vô điều kiện, dưới sự bảo trợ của các đồng Chủ tịch Nhóm Minsk".
Cùng ngày, theo hãng tin Reuters (Anh), Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan bày tỏ phản đối việc Mỹ, Pháp và Nga can dự vào việc tìm kiếm một thỏa thuận ngừng bắn tại vùng Caucasus, với lý do họ đã không quan tâm đến các vấn đề tại khu vực này trong khoảng 30 năm qua.
Ông Erdogan cũng nhắc lại rằng một nền hòa bình lâu dài tại khu vực này chỉ có thể có nếu đi kèm với điều kiện Armenia phải rút khỏi Nagorny - Karabakh. Phát biểu trên truyền hình, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ khẳng định: "Việc đạt một lệnh ngừng bắn lâu dài trong khu vực còn tùy thuộc vào việc Armenia rút quân khỏi toàn bộ lãnh thổ của Azerbaijan".
Tranh chấp Nagorno-Karabakh là một vấn đề lịch sử. Khu vực này nằm sâu trong lãnh thổ phía Tây Nam của Azerbaijan, nhưng có đa số dân cư là người gốc Armenia nên muốn sáp nhập khu vực này vào Armenia. Điều này đã gây ra tranh chấp chủ quyền giữa hai nước mà đỉnh điểm là cuộc chiến tranh kéo dài từ tháng 2/1988 đến tháng 5/1994. Bất chấp thỏa thuận ngừng bắn đạt được năm 1994 và nhiều cuộc đàm phán hòa bình sau đó với sự trung gian của Nhóm Minsk, xung đột vẫn xảy ra tại đây. Căng thẳng tái bùng phát vào sáng 27/9 sau khi nổ ra các vụ đụng độ ác liệt giữa hai bên. Theo các nguồn tin chính thức, xung đột quân sự đã khiến hàng chục người thiệt mạng và hàng trăm người bị thương. Đây được cho là các vụ đụng độ nghiêm trọng nhất kể từ năm 2016 tại khu vực này, làm gia tăng nguy cơ nổ ra một cuộc chiến tranh giữa hai quốc gia.
Nhóm Minsk thành lập năm 1992 với mục đích làm trung gian cho một giải pháp hòa bình liên quan đến khu vực Nagorny - Karabakh.
Bình luận