• Zalo

Vì sao tội phạm giết người ngày càng man rợ?

Pháp luậtThứ Năm, 09/10/2014 07:29:00 +07:00Google News

(VTC News) – Tại sao gần đây liên tiếp xảy ra các vụ giết người man rợ đang là câu hỏi được dư luận quan tâm.

(VTC News) –  Tại sao gần đây liên tiếp xảy ra các vụ giết người man rợ đang là câu hỏi được dư luận quan tâm.

Thời gian gần đây liên tục xảy ra nhiều vụ án giết người máu lạnh, man rợ khiến dư luận hoang mang. Nguyên nhân nào dẫn đến tình trạng này, gốc rễ của nó là do đâu?

Để dư luận hiểu rõ hơn vấn đề này, phóng viên VTC News đã có cuộc phỏng vấn luật sư Nguyễn Đức Chánh - Giám đốc Công ty luật TNHH Đức Chánh - Đoàn luật sư TP.HCM.
Luật sư Nguyễn Đức Chánh - Giám đốc Công ty luật TNHH Đức Chánh - Đoàn luật sư TP.HCM. 
- Thưa ông, ông nhìn nhận như thế nào về những vụ án giết người man rợ trong thời gian gần đây, đặc biệt là hành vi chặt xác phi tang gây chấn động?

Thực tế là tội phạm thời nào cũng có, tồn tại trong mọi xã hội. Từ khi con người xuất hiện đã có sự đấu tranh giữa cái thiện và cái ác. Nó luôn hiện hữu trong đời sống xã hội. Nhưng chúng ta có thể hạn chế tội phạm, hạn chế cái ác và làm xã hội tốt đẹp hơn.

Trong thời gian qua xảy ra nhiều vụ án giết người mà những kẻ phạm tội thực hiện một cách man rợ, tàn bạo như chặt xác làm ba khúc nhằm phi tang hay giết người tình rồi đốt xác để chiếm đoạt tài sản... 

 

Nếu ai đó suy nghĩ rằng áp dụng các biện pháp như án tử hình, tù chung thân có thể là biện pháp hữu hiệu để ngăn ngừa hành vi phạm tội man rợ, theo tôi là sai lầm.
Luật sư Nguyễn Đức Chánh,
Đoàn luật sư TP.HCM. 
 
Nhìn vào những vụ án này thì có thể thấy cách thức thực hiện tội phạm ngày càng man rợ, tư tưởng giải quyết mâu thuẫn bằng hành vi bạo lực ngày càng phổ biến…

Nó đang là vấn đề nhức nhối trong xã hội hiện nay. Đằng sau các vụ án đó là nỗi đau của những gia đình, không chỉ là gia đình bị hại mà cả gia đình của những kẻ gây ra tội ác.

- Theo ông, nguyên nhân nào dẫn đến tình trạng này, gốc rễ của vấn đề là do đâu?

Nguyên nhân xảy ra những vụ án giết người man rợ thì nhiều. Có thể là do kẻ thực hiện tội phạm nghiện ma túy, có thể do họ sinh ra trong gia đình không lành mạnh, sự suy đồi những chuẩn mực đạo đức trong xã hội, lối sống buông thả… hay có thể xuất phát từ ý nghĩ để nhằm che giấu tội ác, gây khó khăn cho quá trình điều tra.

Nhưng gốc rễ của mọi nguyên nhân vẫn xuất phát từ giáo dục mà ra. Vì giáo dục giữ vai trò chủ đạo đối với sự hình thành và phát triển nhân cách. Giáo dục có thể mang lại những tiến bộ mà các nhân tố khác như bẩm sinh - di truyền hoặc môi trường, hoàn cảnh không thể có được.

- Có ý kiến cho rằng, pháp luật chưa đủ mạnh để răn đe khiến kẻ phạm tội giết người “nhờn luật”, bất chấp tất cả để thực hiện hành vi gây án, quan điểm của ông thế nào.

Nếu ai đó suy nghĩ rằng áp dụng các biện pháp như án tử hình, tù chung thân có thể là biện pháp hữu hiệu để ngăn ngừa hành vi phạm tội man rợ, theo tôi là sai lầm. 

Bởi lẽ, khi thực hiện tội ác thì tội phạm chưa nghĩ đến hậu quả mà mình sẽ gánh chịu. Mặt khác, việc áp dụng hình phạt tử hình đối với người thực hiện hành vi phạm tội cũng không thể làm cho người bị hại sống lại. Làm vậy, nó mang nặng tính “nợ máu phải trả bằng máu”. 

Tôi tham gia bào chữa cho Hồ Duy Trúc trong băng cướp “chém trước, cướp sau” chấn động Sài Gòn, nhưng một điều dễ nhận thấy là sau khi tuyên án tử hình với Hồ Duy Trúc, án chung thân với Trần Văn Luông thì vẫn xuất hiện nhiều băng nhóm cũng có thủ đoạn “chém trước, cướp sau”. 

Hay trong vụ án mà bị cáo Đặng Văn Khuyến bị TAND TP.HCM tuyên án tử hình về hành vi giết người, lúc thực hiện hành vi giết người Khuyến đã chấp nhận hậu quả khi chia sẻ trên facebook là: “chào tạm biệt, ngày mai mình đi tù”. 

Đến khi nhận án tử hình thì trên khuôn mặt của Khuyến không tỏ vẻ có chút hối hận nào, vì bị cáo cho rằng người bị hại đã phản bội mình, chết là đáng.

Ông bà ta thường nói “phòng bệnh hơn chữa bệnh”. Chúng ta nên xây dựng, tăng cường các biện pháp mang tính phòng ngừa tội phạm hơn là giải quyết hậu quả của nó.

- Ông vừa nhận định giáo dục là gốc rễ nguyên nhân của những vụ giết người rùng rợn. Vậy theo ông giáo dục hiện nay đang tồn tại bất cập gì, thưa ông?

Các yếu tố ảnh hưởng đến sự phát triển nhân cách con người là yếu tố di truyền, yếu tố môi trường, yếu tố giáo dục và yếu tố hoạt động cá nhân. Giáo dục giữ vai trò chủ đạo đối với sự hình thành và phát triển nhân cách. 
Vụ án giết người, chặt khúc phi tang chấn động Sài Gòn mới đây 
Vì vậy, khi giáo dục còn tồn tại nhiều vấn đề thì rõ ràng nó ảnh hưởng rất nhiều đến việc hình thành và phát triển nhân cách của con người. Nếu một người có nhân cách “xấu” thì đó là mầm mống của những tội ác về sau. 

Khi đi học chúng ta luôn nghe thấy câu khẩu hiệu “Tiên học lễ, hậu học văn” nhưng có một điều ai cũng nhận thấy là giáo dục nước ta quá chú trọng vào việc “học văn” hơn là “học lễ”. 

Mặt khác, yếu tố giáo dục ở đây phải trong cả 3 môi trường: Nhà trường – Gia đình – Xã hội. Nhưng tồn tại câu chuyện là một số phụ huynh cứ đẩy trách nhiệm giáo dục lên nhà trường và suy nghĩ rằng cho con đi học thì mình không cần dạy dỗ, giáo dục con. 

Chẳng hạn, hình ảnh phụ huynh chở em học sinh vượt đèn đỏ, vứt rác bừa bãi,… không phải hiếm. Nó cho thấy trách nhiệm của phụ huynh trong việc giáo dục nói chung và giáo dục ý thức pháp luật cho con mình là có “vấn đề”.

Gia đình là tế bào xã hội, nếu gia đình tốt thì xã hội tốt và ngược lại. 

- Chúng ta cần thực hiện những giải pháp gì để đem lại cuộc sống yên bình cho xã hội, giảm bớt tội ác trong con người?

Bất kỳ vấn đề, hiện tượng xã hội nào thì để giải quyết cũng phải có giải pháp đồng bộ. 

Chúng ta muốn đấu tranh, phòng chống tội phạm có hiệu quả thì phải nghiên cứu nguyên nhân, điều kiện làm phát sinh hiện tượng tội phạm. Vấn đề này thuộc về ngành tội phạm học. 

Chỉ khi tìm hiểu được bản chất tội phạm thì chúng ta mới đấu tranh, phòng chống nó mọi cách có hiệu quả. Vì vậy, cần đầu tư hơn nữa cho ngành khoa học còn non trẻ ở nước ta.

Chúng ta muốn giảm bớt cái ác, cái xấu trong con người thì không có gì ngoài việc xây dựng, phát triển giáo dục theo hướng thiện. 

Tôi xin trích 2 câu thơ trong bài Nửa đêm (trích trong tập thơ “Nhật ký trong tù” của Chủ tịch Hồ Chí Minh): 

“Hiền, dữ phải đâu là tính sẵn,

Phần nhiều do giáo dục mà nên.”

Xin cảm ơn ông!

Sỹ Hưng(thực hiện)

Bình luận
vtcnews.vn