Vì lý do hết sức đặc biệt, tân chủ tịch VFF Lê Hùng Dũng đã phải mang họ mẹ dù cha ông nguyên làTổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Việt Nam
Ông Lê Hùng Dũng sinh ngày 11/1/1954 tại nhà thờ Cù Lao Giềng thuộc xã Tấn Mỹ, huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang.
Khi làm khai sinh gốc, ông mang họ Nguyễn theo thân phụ là Nguyễn Quyền Sinh (tên thật là Nguyễn Ngọc Lượm) - nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Việt Nam và nguyên Chủ tịch Liên đoàn Quần vợt Việt Nam. Anh trai của ông là Nguyễn Hùng Việt cũng mang họ bố nhưng ông Dũng phải đổi sang họ Lê theo mẹ khi chưa đầy một tuổi.
Thân phụ ông Lê Hùng Dũng và cố nhà văn Nguyễn Quang Sáng vừa là đồng hương lại là chỗ thân tình nên tác giả của "Chiếc lược ngà" nắm khá rõ về bí ẩn trên. Nhà văn Nguyễn Quang Sáng từng lý giải về điều này trong một bài ký: "Anh (Nguyễn Quyền Sinh) có hai con trai, nhưng mang hai họ khác nhau. Đứa con đầu lấy họ của anh - họ Nguyễn, đứa con thứ hai vừa ra đời thì anh xuống tàu đi tập kết, vợ con đều ở lại. Để tránh con mắt soi mói, nhòm ngó của địch nên lấy họ mẹ, họ Lê...”.
Trong cuốn Lê Hùng Dũng - 60 năm với đời của tác giả Giản Thanh Sơn, tân chủ tịch VFF Lê Hùng Dũng cũng giải thích tương tự.Ông Lê Hùng Dũng (bên phải) và cha
"Lúc mới 7-8 tháng tuổi, tháng 8/1954, má tôi bồng tôi và anh tôi xuống thị xã Cao Lãnh để tiễn ba tôi đi tập kết ra Bắc theo hiệp định đình chiến Geneve 1954. Má tôi, anh tôi và tôi bắt đầu một cuộc trường chinh 21 năm mưu sinh để tồn tại, đấu tranh để sinh tồn vì gia đình tôi bị mật vụ chính quyền Việt Nam Cộng hòa xếp vào loại gia đình cộng sản, cần theo dõi, quản lý chặt chẽ. Vì vậy, khi làm lại giấy tờ khai sinh, má tôi phải khai lại tôi họ Lê”.
Phải đến ngày 7/5/1975, tức là một tuần sau khi miền Nam hoàn toàn giải phóng, ông Lê Hùng Dũng mới gặp lại cha. Khi đó, ông đang ở trong quân ngũ. Các con của ông Dũng sau này mang họ Nguyễn như ông nội.
Ông Nguyễn Quyền Sinh là cán bộ cao cấp ngành công an, từng giữ chức Phó cục trưởng Cục phục vụ ngoại giao đoàn. Sau đó, ông được biệt phái sang lĩnh vực du lịch và từng làm Giám đốc công ty du lịch TP HCM, Phó tổng cục trưởng rồi Tổng cục trưởng Tổng cục du lịch.
Ông Lê Hùng Dũng cũng có nhiều năm gắn bó với ngành du lịch . Từ năm 1983 tới năm 2003, ông nắm các vị trí Phó giám đốc nhà hàng Festival (Trung tâm Du lịch Thanh niên VN), Giám đốc Trung tâm Du lịch Thanh niên Việt Nam, Chủ tịch Công ty TNHH MTV Du lịch Thanh niên Việt Nam...Gia đình nhỏ của ông Lê Hùng Dũng
Đến năm 1997, ông bước chân vào VFF trong vai trò Trưởng ban Tài chính - Vận động tài trợ sau thành công trong việc tổ chức giải U21 cùng năm. Sau một nhiệm kỳ vắng bóng (2001-2005), ông Dũng trở lại VFF với bài diễn thuyết đầy sức nặng khi tuyên bố đội U23 Việt Nam sẽ được thưởng sáu tỷ đồng nếu giành HC vàng SEA Games.
Sau hai nhiệm kỳ giữ chức phó chủ tịch phụ trách tài chính thành công, ông trở thành quyền chủ tịch VFF vào tháng 12/2013 trước khi nhận ghế chủ tịch VFF tại Đại hội nhiệm kỳ VII ngày 25/3/2014.
Ông là chủ tịch VFF thứ chín sau các ông: Trịnh Ngọc Chữ (1989-1991), Dương Nghiệp Chí (1991-1993), Đoàn Văn Xê (1993-1997), Mai Văn Muôn (1997-2001), Hồ Đức Việt (2001-2003), Trần Duy Ly (quyền chủ tịch VFF từ tháng 1/2003 - tháng 8/2003), Mai Liêm Trực (2003-2005), Nguyễn Trọng Hỷ (2005-2013).
Bình luận