• Zalo

Vì sao quan chức bỏ hàng triệu USD mua hộ chiếu Síp?

Tư liệuThứ Tư, 26/08/2020 19:00:00 +07:00Google News
(VTC News) -

Người sở hữu hộ chiếu Síp sẽ trở thành công dân EU và được sống, đi lại, làm việc tự do ở 27 nước thành viên và có thể nhập cảnh vào 174 nước mà không cần thị thực.

“Hồ sơ Síp” được hãng tin Qatar Al Jazeera công bố đã gây chấn động trên toàn thế giới, khi hàng loạt cá nhân cả nổi tiếng lẫn tai tiếng được chỉ mặt gọi tên trong danh sách những người chi trả hàng triệu USD để mua hộ chiếu của quốc đảo Địa Trung Hải, qua đó mở rộng cánh cửa trở thành công dân Liên minh châu Âu.

Hồ sơ đặt ra câu hỏi về nguy cơ các chương trình đầu tư nhập cư bị lợi dụng cho hoạt động trốn thuế, rửa tiền và trốn tránh trách nhiệm pháp lý của tội phạm hoặc những cá nhân “có rủi ro chính trị”, đặc biệt là với những người có tầm ảnh hưởng hoặc có trong tay một khối tài sản kếch xù. Một quan chức Việt Nam cũng được cho là có tên trong danh sách này, nhưng thông tin chưa được xác nhận.

Tại sao Síp lại trở thành “điểm nóng”? Với chương trình đầu tư nhập cư, có được hộ chiếu Síp sẽ giúp người sở hữu trở thành công dân EU và được sống, đi lại, làm việc tự do ở 27 nước thành viên và có thể nhập cảnh vào 174 nước mà không cần thị thực.

Hồ sơ Síp bao gồm hơn 1.400 hồ sơ đã được phê duyệt của Chương trình Đầu tư Síp (CIP), với người nộp đơn từ hơn 70 quốc gia. Các “nhà đầu tư” này đã có hộ chiếu Síp bằng cách đầu tư ít nhất 2,15 triệu euro (2,5 triệu USD) vào nước này.

Các hồ sơ Al Jazeera có trong tay được nộp trong vòng 2 năm từ 2017 đến 2019. Một số người đi kèm gia đình, như vậy tổng cộng số người có được hộ chiếu châu Âu trong số này lên đến gần 2.500.

Vì sao quan chức bỏ hàng triệu USD mua hộ chiếu Síp? - 1

Chương trình đầu tư nhập cư của Sip bị chỉ trích vì những rủi ro tạo điều kiện cho các lạm dụng phi pháp. (Ảnh minh họa)

 Síp - “Thiên đường thuế”

Tháng 3/2019, Nghị viện Châu Âu kêu gọi loại bỏ tất cả các chương trình đầu tư đổi quyền cư trú và thị thực (hay thị thực vàng, hộ chiếu vàng), chỉ đích danh Síp và Malta vì thẩm định yếu kém. Báo cáo cho biết 7 quốc gia EU (Bỉ, Síp, Hungary, Ireland, Luxembourg, Malta và Hà Lan) thể hiện đặc điểm của một "thiên đường thuế" và tạo điều kiện cho các kế hoạch trốn thuế.

Báo cáo chỉ ra một loạt ngân hàng châu Âu có liên quan đến phi vụ rửa tiền “Troika Laundromat”, bao gồm Ngân hàng Danske, Swedbank AB, Nordea Bank Abp, ING Groep NV, Credit Agricole SA, Deutsche Bank AG, KBC Group NV, Raiffeisen International AG, ABN Amro Group NV, Cooperatieve Rabobank U.A. và đơn vị Hà Lan của Turkiye Garanti Bankasi A.S.

Không có gì là bất hợp pháp khi nhập quốc tịch mới và một số quốc gia khác. Các đảo Ca-ri-bê cũng cung cấp dịch vụ này. Nhưng vấn đề của việc biến quyền công dân thành hàng hóa sẽ tạo ra nguy cơ một số người sẽ lạm dụng để trốn tránh các trách nhiệm từ quê nhà, bao gồm trốn thuế hay các truy cứu pháp lý.

Tháng 1/2019, báo cáo của Ủy ban Châu Âu thừa nhận rằng các chương trình thị thực và hộ chiếu vàng mang đến những rủi ro “cố hữu” đối với tính toàn vẹn và an ninh của EU. Ủy ban thông báo kế hoạch triệu tập một nhóm chuyên gia từ các quốc gia thành viên để đề xuất kiểm tra an ninh tối thiểu và thẩm định đối với các chương trình đầu tư như thế vào cuối năm 2019.

Lần đầu tiên, Ủy ban đã trình bày một báo cáo toàn diện về các chương trình cư trú và quốc tịch cho nhà đầu tư do một số quốc gia thành viên EU điều hành. Báo cáo lập bản đồ các hoạt động hiện có và xác định những rủi ro của các các kế hoạch này, đặc biệt liên quan đến an ninh, rửa tiền, trốn thuế và tham nhũng. Báo cáo cho thấy, sự thiếu minh bạch trong cách vận hành các chương trình và sự thiếu hợp tác giữa các quốc gia thành viên đang làm trầm trọng thêm những rủi ro này.

Vì sao quan chức bỏ hàng triệu USD mua hộ chiếu Síp? - 2

Các chương trình đầu tư nhập cư đang phát triển trên toàn cầu. (Ảnh minh họa: Getty)

Cửa ngõ vào châu Âu

Hộ chiếu Síp là vật sở hữu hấp dẫn ở nhiều quốc gia vì nó cho phép đi lại, làm việc và hoạt động ngân hàng tự do trên khắp Liên minh châu Âu. Bản thân EU vốn đã nhiều lần chỉ trích chương trình này là một rủi ro an ninh.

EU coi Síp là "cửa sau" vào phần còn lại của EU cho những đối tượng nguy cơ với khối. Dưới áp lực từ EU, Síp đã thay đổi quy tắc của mình vào năm 2019, nhưng nghiên cứu của Al Jazeera cho thấy nhiều người có ảnh hưởng chính trị và có nguy cơ tham nhũng đã "ấm chỗ" công dân Síp trước khi thay đổi quy tắc có hiệu lực.

Theo bà Everett-Allen, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu dân cư quốc tế tại công ty tư vấn Knight Frank, Ủy ban châu Âu đã công khai chỉ trích Síp, Moldova và Malta về mức độ lỏng lẻo của các chương trình đầu tư cư trú của họ trong năm 2019, lo lắng rằng các quỹ đầu tư có thể được sử dụng để tham nhũng hoặc rửa tiền. Kết quả là Moldova đã hủy bỏ chương trình của mình.

Tuy nhiên, các chương trình đầu tư quốc tịch ở Malta và Síp, cho phép đi lại và cư trú tại EU, vẫn tiếp tục, và các chương trình ở Síp và Montenegro gần đây đã tăng "nhảy vọt", theo công ty tư vấn Henley & Partners.

Síp, một hòn đảo Địa Trung Hải nhỏ bé chỉ dài 240 km và rộng 100 km, yêu cầu đầu tư 2 triệu euro vào bất động sản để có quốc tịch, cộng thêm 150.000 euro vào quỹ của chính phủ, mang lại cho bất kỳ ai khả năng trở thành công dân bằng cách đầu tư, và khả năng sống , làm việc, học tập và đầu tư ở bất kỳ đâu trong Liên minh Châu Âu.

Theo Al Jazeera, chính phủ Síp đã bị phát hiện cấp quyền công dân châu Âu cho tội phạm, những người đang bị điều tra tội phạm và những người được coi là có nguy cơ tham nhũng cao - trên quy mô mà các nhà phê bình cho là có hệ thống.

Ủy ban Châu Âu, cũng như các tổ chức phi chính phủ hàng đầu về chống tham nhũng như Global Witness và Transparency International, đã chỉ trích Chương trình Đầu tư Síp và muốn loại bỏ nó.

Họ cho rằng chương trình đã tạo điều kiện cho việc "rửa" các tài sản bị đánh cắp từ Nga và hơn thế nữa, đã làm xói mòn lòng tin vào các tổ chức tài chính ở EU.

Đứng trước lùm xùm này, chính phủ Síp cho biết họ đã thắt chặt các quy tắc của mình và mỗi đơn đăng ký được nộp theo CIP đều phù hợp với các quy định tại thời điểm đó.

Síp hiện hứa sẽ tước quyền công dân của một số người Síp nhập tịch nếu họ phạm tội nghiêm trọng. Vào tháng 7/2020, họ thông qua một điều luật cho phép điều này xảy ra.

Bộ trưởng Nội vụ nước này cho biết, với tư cách là một quốc gia thành viên EU, họ hoạt động với sự minh bạch tuyệt đối.

Phương Anh
Bình luận
vtcnews.vn