Nằm ở trung tâm Quảng trường Đỏ của thủ đô Moskva, quần thể điện Kremlin được ngăn cách bởi một con hào dài 30m và bao gồm 5 cung điện, 4 nhà thờ lớn cùng các bức tường bao quanh 20 ngọn tháp.
Trải qua nhiều thập kỷ, những bức tường của điện Kremlin vẫn được bảo tồn hoàn hảo. Các viên gạch đều xếp thẳng hàng, không có bất kỳ một viên nào bị lồi ra khỏi các hàng gạch.
Lịch sử điện Kremlin
Điện Kremlin là một tổ hợp kiến trúc phức tạp và kiên cố, là nơi ở chính thức của Tổng thống Liên bang Nga. Các bức tường và tháp Kremlin được xây dựng từ năm 1485 đến 1495.
Điện Kremlin có quy mô rộng lớn, bao gồm các nhà thờ, các khu vực bảo tàng, và thậm chí nhà ở của các lực lượng quân sự bảo vệ tổng thống.
Theo những ghi chép đầu tiên về sự hình thành thủ đô Moskva vào năm 1147. Ban đầu, vùng đất này có vai trò bảo vệ cho khu dân cư ở trên đồi Borovitskii, mũi đất nơi con sông Neglinnaya đổ vào sông Moskva.
Đến năm 1156, trên khu đất điện Kremlin ngày nay, người Nga đã xây dựng những công trình quân sự đầu tiên với tổng chiều dài khoảng 700m. Sau đó, cung điện cũng đã trải qua nhiều lần trùng tu và mở rộng.
Năm 1812, thủ đô Moskva và điện Kremlin bị quân đội của Napoléon Bonaparte chiếm đóng. Khi rút lui, Napoléon đã ra lệnh đặt mìn để phá hủy các tòa nhà của Kremlin. Mặc dù phần lớn lượng thuốc nổ đã không nổ nhưng tổn thất được cho là khá đáng kể.
Giữa thế kỷ XVIII, Cung điện Kremlin được xây dựng với quy mô lớn hơn, nằm dọc theo sườn phía nam của ngọn đồi, mé bờ sông.
Từ năm 1955 đến nay, điện Kremlin mở cửa cho công chúng tham quan và trở thành một viện bảo tàng ngoài trời thu hút tới 2.5 triệu lượt khách mỗi năm.
Đây cũng là nơi lưu giữ một số bảo vật và di sản quan trọng nhất nước Nga. Bộ sưu tập áo choàng đăng quang, đồ trang sức và áo giáp của Sa hoàng trong Cung điện Armoury cũng được cất giữ tại đây.
Bức tường của điện Kremlin
Bức tường của điện Kremlin ở Moskva được người Italia xây dựng vào cuối thế kỷ XV theo lệnh của Hoàng tử Moskva - Ivan III Vasilyevich với mục đích bảo vệ nước Nga khỏi các cuộc xâm lược và chiến tranh liên tục.
Do không được trát hay sơn mới nên những bức tường này vẫn giữ được màu gạch đỏ tự nhiên và không ai có ý định thay đổi vì lý do an ninh.
Tuy nhiên, theo một số tài liệu của nước Nga, từ năm 1680, điện Kremlin đã được sơn lại màu trắng, không còn là màu gạch đỏ tự nhiên như trước.
Ngày 7/7/1680, trong cuốn sách “Điện Kremlin ở Moskva xưa và nay”, nhà sử học Bartenev đặt câu hỏi: “Chúng ta có nên quét vôi các bức tường của điện Kremlin hay không? Hay chúng ta nên để nguyên như vậy? Hoặc có thể sơn chúng giống với màu gạch Cổng Spasskaya”.
Thời điểm nhà sử học Bartenev đặt câu hỏi, các bức tường và tòa tháp của điện Kremlin ở Moskva đã được sơn màu trắng. Nhiều điện Kremlin khác của Nga sau đó cũng được sơn trắng như điện Kremlin Rostov, điện Kremlin Novgorod, điện Kremlin Kazan,…
Sau đó, điện Kremlin ở Moskva được giữ màu sơn trắng trong vài thế kỷ tiếp theo. Vào thời điểm Napoléon tấn công Moskva năm 1812, màu sơn của điện Kremlin vẫn là màu trắng. Sau khi bị thiêu rụi, điện Kremlin được trùng tu và tiếp tục sơn màu trắng.
Chỉ có một số tòa tháp như tháp Spasskaya, tháp Nikolskaya và tháp Troitskaya là được phép thay đổi giữa hai màu sơn đỏ và trắng để phục vụ mục đích trang trí.
Điện Kremlin ở Moskva đã được sơn lại hoàn toàn trong Thế chiến II. Đây là quyết định mang tính bắt buộc. Theo đó, tháng 6/1941, điện Kremlin được cải trang thành các khu dân cư, cửa sổ của các ngôi nhà được vẽ lên tường. Mục đích là nhằm nguỵ trang, đánh lạc hướng các cuộc công kích của Đức.
Theo dự án của học giả Boris Iofan, các bức tường nhà và lỗ đen của cửa sổ được sơn trên bức tường màu trắng của điện Kremlin. Những con đường nhân tạo được xây dựng trên Quảng trường Đỏ, trong khi Lăng của lãnh tụ Lenin được phủ bằng ván ép với hình ảnh của một dinh thự thông thường. Việc ngụy trang đã phát huy tác dụng, giảm thiếu thiệt hại từ các đợt không kích của kẻ thù khi điện Kremlin ở Moskva dường như “biến mất”.
Tuy nhiên, sau chiến tranh, điện Kremlin cần được tái thiết quy mô lớn. Đến năm 1947, nhân dịp kỷ niệm 800 năm thành lập thủ đô Moskva, nhà lãnh đạo Joseph Stalin đã ra lệnh sơn lại màu đỏ cho các bức tường và điện Kremlin.
Kể từ đó, màu sắc của các bức tường của điện Kremlin ở Moskva được duy trì bằng màu đỏ và tiến hành nhuộm màu định kỳ để giữ được nét đẹp của những bức tường này.
“Một loạt yếu tố tiếp tục tác động tiêu cực đến các bức tường điện Kremlin ở Moskva. Chúng tôi sống trong điều kiện của mùa đông nước Nga. Nước thấm vào các lỗ rỗng của gạch làm hỏng phần bên ngoài viên gạch”, Sergei Devyatov, Tiến sĩ Khoa học Lịch sử và là cố vấn của giám đốc Cơ quan Bảo vệ Liên bang Nga, cho hay.
Theo ông Sergei Devyatov, vào cuối những năm 1990, gạch ở tường điện Kremlin đã ở tình trạng hư hỏng và được bảo quản bằng một dung dịch đặc biệt. Dung dịch này bảo vệ gạch khỏi tác động của mưa, gió, bầu khí quyển và môi trường bên ngoài.
Bình luận