"Lương của tôi đã bị cắt, và tôi chẳng thể trông thấy bất kì tia hy vọng nào", cô Eriko Kobayashi 43 tuổi, sống tại Tokyo, Nhật Bản, nói.
Cô Kobayashi từng có khoảng thời gian rất khó khăn vì phải làm việc tới kiệt sức khi mới tới Tokyo. Sau nhiều năm cố gắng, cô có được công việc ổn định tại một tổ chức phi chính phủ và viết sách về những cuộc đấu tranh với tình trạng tâm lý không ổn định của mình.
Nhưng khi đại dịch COVID-19 lan tới Nhật, Kobayashi một lần nữa cảm nhận được trạng thái chông chênh trong quá khứ: "Tôi cứ liên tục lo sợ rằng mình có thể lại rơi vào cảnh nghèo khó".
Các chuyên gia cảnh báo rằng đại dịch COVID-19 có thể dẫn đến khủng hoảng sức khỏe tâm thần. Tình trạng thất nghiệp hàng loạt và tách biệt với xã hội đang ảnh hưởng xấu đến người dân toàn cầu.
Tại Nhật Bản, số liệu thống kê của chính phủ cho thấy số vụ tự tử ghi nhận được chỉ trong tháng 10 vượt quá tổng số người chết vì COVID-19 tại nước này trong năm 2020. Trong tháng 10, Nhật Bản có 2.153 người tự tử, trong khi số người chết trong đại dịch là 2.087 người.
“Những quốc gia khác có thể xuất hiện tình trạng tương tự hoặc thậm chí tệ hơn trong tương lai", bà Michiko Ueda, phó giáo sư tại đại học Waseda, cho biết.
Áp lực của phụ nữ Nhật
“Nước Nhật đã bỏ qua phụ nữ”, cô Kobayashi cho biết nhiều bạn bè của cô cũng mất việc. "Đây là một xã hội mà kẻ yếu bị đào thải đầu tiên khi có chuyện tồi tệ xảy ra".
Nhật Bản vốn là nước có tỷ lệ người tự tử cao vì nhiều nguyên nhân như thời gian làm việc quá dài, áp lực học tập, bị cô lập,... Trong 10 năm trở lại tính đến năm 2019, tình trạng này được cải thiện đáng kể. Nhưng đại dịch COVID-19 xảy ra khiến những tiến bộ này bị đẩy lùi. Đối tượng phải chịu nhiều tác động nhất là phụ nữ. Vào tháng 10, các vụ tự tử là phụ nữ ở Nhật Bản tăng gần 83% so với cùng thời điểm năm ngoái.
Phụ nữ là nhân lực chính cho các công việc bán thời gian trong các ngành khách sạn, dịch vụ ăn uống và bán lẻ. Đây đều là những ngành bị thiệt hại nặng trong đại dịch, khiến một lượng lớn nhân công bị sa thải.
"Tôi không có tiền sử bệnh tâm thần, nhưng tôi có thể thấy bản thân mình đang thực sự lo lắng mọi lúc", cô Akari 35 tuổi, sinh non cách đây 6 tuần và đang phải điều trị tâm lý, chia sẻ rằng cô còn phải lo cho con trai vì sợ con mắc COVID-19. "Tôi cảm thấy vô vọng, tôi cứ luôn nghĩ về trường hợp xấu nhất".
“Họ mất việc trong khi còn phải nuôi con, nhưng họ không có tiền”, Koki Ozora, chủ đường dây nóng về sức khỏe tâm thần Anata no Ibasho (tạm dịch: Nơi dành cho bạn), cho biết. "Vì vậy, họ tìm đến tự tử".
Mỗi ngày, tổ chức của anh Ozora tiếp nhận hàng trăm cuộc gọi xin giúp đỡ, trong đó phần lớn là từ những người phụ nữ gặp khó khăn về tài chính hoặc bạo lực gia đình.
“Tôi từng nhận những lời nhắn như 'Tôi đang bị cha mình cưỡng bức' hoặc 'Chồng tôi cố giết tôi’ ”, Ozora cho biết. "Những lời nhắn như vậy ngày càng nhiều".
Áp lực lên trẻ em
Việc Nhật Bản đóng cửa trường học trong đại dịch cũng khiến học sinh phải đối mặt với nạn lạm dụng, căng thẳng trong gia đình và áp lực từ việc làm bài tập về nhà. Một khảo sát của trung tâm Sức khỏe và Phát triển Trẻ em Quốc gia cho thấy 75% học sinh Nhật Bản có dấu hiệu căng thẳng do đại dịch.
"Những đứa trẻ tự làm tổn thương bản thân là do bị áp lực nhưng không thể chia sẻ với gia đình vì có thể các em thấy rằng cha mẹ không có khả năng lắng nghe mình", Naho Morisaki, nhân viên trung tâm Sức khỏe và Phát triển Trẻ em, cho biết.
Vượt qua nỗi hổ thẹn để tìm kiếm sự giúp đỡ
"Tôi biết là rất tệ khi yêu cầu giúp đỡ, nhưng tôi có thể nói chuyện được không?" là câu mà đường dây nóng của anh Ozora thường xuyên nhận được nhất. Người Nhật thường cảm thấy hổ thẹn khi tìm kiếm sự giúp đỡ, mặc dù điều đó là hoàn toàn chính đáng. Sự "xấu hổ" khi nói về bệnh trầm cảm thường khiến nhiều người e ngại tìm đến bác sĩ tâm lý hoặc các tổ chức hỗ trợ.
Trước đây, cô Akari từng sống ở Mỹ, cô nói rằng việc tìm kiếm sự giúp đỡ có vẻ dễ dàng hơn nhiều khi còn ở nước ngoài: “Khi tôi sống ở Mỹ, tôi biết nhiều người từng tiếp nhận biện pháp trị liệu, đó là điều bình thường, nhưng ở Nhật Bản lại rất khó”.
Vào đầu những năm 2000, chính phủ Nhật Bản nỗ lực cải thiện tình trạng tự tử bằng cách hỗ trợ nạn nhân. Năm 2006, nước này thông qua đạo luật Cơ bản về Phòng chống Tự tử nhằm hỗ trợ những người bị ảnh hưởng bởi vấn đề này.
Nhưng cả cô Ozora và Kobayashi đều cho rằng những thay đổi đó là chưa đủ: để giảm tỷ lệ tự tử, xã hội Nhật Bản cần phải thay đổi.
“Thật đáng xấu hổ khi người khác biết được điểm yếu của bạn, vì vậy bạn giấu kín mọi thứ, giữ chúng trong lòng và chịu đựng”, cô Kobayashi chia sẻ. "Chúng ta cần tạo ra một nền văn hóa nơi mỗi người có thể thoải mái thể hiện mặt yếu đuối và đau buồn của mình".
Dù phải đối mặt với việc bị cắt giảm lương và tài chính eo hẹp, cô Kobayashi vẫn không ngừng cố gắng lạc quan và kiểm soát tâm trạng của mình một cách lành mạnh. Cô hy vọng rằng câu chuyện của mình có thể tạo động lực cho nhiều người khác, để những người đang gặp khó khắn nhận ra rằng họ không đơn độc trước khi quá muộn.
"Tôi công khai nói với công chúng rằng mình từng có bệnh tâm lý và bị trầm cảm với hy vọng rằng những người khác cũng được khuyến khích để lên tiếng", cô nói. "Giờ tôi đã 43 và cuộc sống bắt đầu vui vẻ hơn vào lúc trung niên. Vì vậy, tôi cảm thấy thật tốt khi mình vẫn còn sống".
Bình luận