• Zalo

Vì sao ngủ trong xe ô tô bật điều hòa dễ gây tử vong?

Tư vấnThứ Năm, 08/06/2023 09:37:00 +07:00Google News
(VTC News) -

Thực tế từng xảy ra nhiều ca đột tử do ngủ trên xe ô tô, vậy vì sao ngủ trong xe ô tô bật điều hòa dễ gây tử vong?

Theo bác sĩ Nguyễn Huy Hoàng, Trung tâm Oxy cao áp Việt - Nga (Bộ Quốc phòng), việc ngủ trên ô tô khi xe dừng, đỗ rất nguy hiểm, nhưng hiện nay nhiều người vẫn chưa thực sự nhận thức được điều này.

Vì sao ngủ trong xe ô tô bật điều hòa dễ gây tử vong?

Báo Sức khỏe & Đời sống dẫn lời PGS.TS Đàm Hoàng Phúc, Đại học Bách Khoa Hà Nội cho biết, quá trình làm việc của động cơ ô tô là sự đốt cháy giữa nhiên liệu (xăng, diesel) và không khí. Trong đó, ngoài khí thải CO2 thì một phần nhiên liệu cháy không hết, sinh ra CO (carbon monoxide). Nếu hít phải nhiều khí này sẽ gây ngạt, ngộ độc, mê man dẫn đến tử vong. Nguy cơ này tăng cao khi đỗ xe trong nhà kín, nơi lặng gió mà vẫn nổ máy.

Giải thích thêm về nguy cơ ngạt khí khi ngủ trong ô tô đang đỗ cao hơn lúc xe đang chạy, PGS.TS Đàm Hoàng Phúc nói, dù ô tô khi đóng cửa kín như cái hộp nhưng thực tế nó vẫn có lỗ hở, khe thông khí để trao đổi không khí với bên ngoài.

Vì vậy khi xe đang chạy dù chỉ lấy gió trong nhưng sự lưu thông không khí vẫn có dù ít hơn so với để chế độ lấy gió ngoài. Ngược lại, nếu đỗ xe trong nhà kín và nổ máy nằm ngủ, chiếc xe nổ máy sẽ hút dần oxy để cung cấp cho chu trình đốt, và thải ra CO2 và CO kín phòng, kín nhà, nên dù có mở hé cửa hay đóng kín sẽ vẫn như nhau, rất nguy hiểm.

Như vậy, khi đóng kín cửa xe sẽ bị bao phủ bởi khí CO, khi con người hít một lượng khí CO đáng kể vào cơ thể, có thể dẫn tới tình trạng hôn mê thậm chí tử vong khi ngủ trên xe ô tô. Do vậy khi ngủ trên xe ô tô cần mở hé cửa kính để tạo sự lưu thông trong không khí nếu bật điều hòa.

Vì sao ngủ trong xe ô tô bật điều hòa dễ gây tử vong? - 1

Ngủ trên xe ô tô bật điều hòa tiềm ẩn nhiều nguy hiểm

Vì sao CO nguy hiểm?

Theo bác sĩ Hoàng, hồng cầu vận chuyển oxy nhờ một chất gọi là hemoglobin (huyết sắc tố). Mỗi phân tử hemoglobin như một chiếc xe tải để chở oxy đi khắp cơ thể.

Ở điều kiện bình thường, oxy được vận chuyển trong máu động mạch ở hai dạng, kết hợp với hemoglobin (96-97%) và hoà tan trong máu (3-4%).

Khi CO xâm nhập đường thở, chúng lập tức kết hợp rất nhanh với hemoglobin và tạo thành một hợp chất rất bền vững. Có thể hiểu nôm na là CO nhanh chóng chiếm hết chỗ trên các xe tải (hemoglobin) và cố thủ ở đó.

Như vậy lúc này, các phân tử hemoglobin trong máu nạn nhân trở nên vô dụng, ko thể vận chuyển được oxy nữa. Cơ thể nạn nhân cạn kiệt oxy, khiến họ rơi vào trạng thái chết ngạt trên cạn.

Ngoài ra, khí CO lại không màu, không mùi, không vị nên nạn nhân rơi vào tình trạng hôn mê rất âm thầm, không có dấu hiệu cảnh báo.

Các chuyên gia khuyến cáo tuyệt đối không ngủ trong ô tô khi mất điện bởi tiềm ẩn nhiều nguy cơ. Trong bối cảnh nắng nóng kéo dài, cắt điện luân phiên như hiện nay, càng phải lưu ý đến những nguy cơ trên.

Hạ An(Tổng hợp)
Bình luận
vtcnews.vn