Bloomberg dẫn các nguồn thạo tin cho biết do lo lắng về viễn cảnh Nhà Trắng không còn Tổng thống Trump, Nga đang cố gắng xác định kịch bản này sẽ tác động thế nào đối với hàng loạt các vấn đề từ vũ khí hạt nhân, quan hệ với Trung Quốc, xuất khẩu năng lượng cho tới lệnh trừng phạt và các cuộc xung đột toàn cầu.
Mặc dù ít người nhìn thấy triển vọng cải thiện quan hệ Nga - Mỹ nếu ông Trump tái đắc cử. Nhưng một vị "tân Tổng thống" là Joe Biden có thể sẽ trở thành tin xấu với Nga, những người thân với giới lãnh đạo Nga nói với Bloomberg.
Nhiều quan chức Mỹ bấy lâu năm vẫn luôn giữ vững niềm tin Nga can thiệp bầu cử Mỹ, cả trong cuộc bầu cử cách đây 4 năm và hiện tại.
Theo một quan chức tình báo cấp cao của Anh, chính trị Mỹ đã phân cực tới mức Nga không cần phải can thiệp và tạo ra những tranh cãi mới. Tuy nhiên, Giám đốc FBI Christopher Wray không ngừng khẳng định, Nga vẫn đang triển khai một chiến dịch "tích cực" để bôi nhọ ứng viên Biden và làm sâu sắc thêm những xung đột nội bộ của Mỹ.
Cựu cố vấn của Điện Kremlin Gleb Pavlovsky nhận định, giới lãnh đạo Nga vẫn đang ủng hộ ông Trump. Nhưng không rõ họ giúp đỡ vị Tổng thống Mỹ đương nhiệm bằng cách nào.
Về phần mình, các quan chức Nga luôn phủ nhận các cáo buộc, tố ngược "chứng sợ Nga" ở Mỹ sẽ không thay đổi dù ai là chủ nhân Nhà Trắng.
Tuy nhiên, cách nhìn nhận của ông Trump và ông Biden về vấn đề với Nga hoàn toàn khác biệt.
Tuần trước, Tổng thống Trump nói Trung Quốc và bỏ phiếu qua thư là những mối đe dọa lớn hơn cả Nga. Trong khi đó ông Biden lại khẳng định ông sẽ khiến Matxcơva phải trả giá vì can thiệp bầu cử.
Căng thẳng giữa Nga với Đức và Pháp liên quan tới vụ đầu độc chính trị gia đối lập Nga Alexey Navalny sẽ càng bị khoét sâu nếu ông Trump thất cử.
"Nếu Biden được bầu, chúng tôi sẽ phải đối đầu với sự hợp nhất của phương Tây trên lập trường chống Nga", Andrey Kortunov - người đứng đầu Hội đồng Quan hệ Quốc tế Nga nhận định.
Theo Bloomberg, cái nhìn không mấy thiện cảm của nhiều quan chức trong điện Kremlin đối với Biden tích tụ từ khi ông tới thăm Matxcơva năm 2011. Với tư cách là Phó Tổng thống Mỹ khi đó, Biden nói rằng ông nghĩ ông Putin không nên tranh cử tổng thống nữa.
Đầu tháng 9, Microsoft cho biết họ đã ngăn chặn một vụ tấn công từ tin tặc Nga nhằm vào một công ty vận động hành lang làm việc với chiến dịch tranh cử của ông Biden.
Giống như Microsoft, nhiều quan chức Mỹ luôn tin vào việc Nga vẫn đang cố gắng phá hoại nền dân chủ Mỹ.
Theo Cựu giám đốc cấp cao về Châu Âu và Nga của Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ, bà Fiona Hill, chính điều này khiến Matxcơva đánh mất đi sự ủng hộ từ giới chính trị Mỹ tới nỗi tương lai quan hệ gữa 2 nước giờ phải phụ thuộc vào người sẽ giành chiến thắng vào tháng 11 tới.
Bình luận