Không giống Thái Lan, Malaysia không được coi như kình địch số 1 của tuyển Việt Nam ở đấu trường khu vực. Malaysia cũng không phải đối thủ mà tuyển Việt Nam có tới nhẵn hai thập kỷ không thắng như Indonesia. Thậm chí, "Những chú hổ Malaya" từng chịu những trận thua rất đậm trước thế hệ của những Minh Phương, Công Vinh, Tài Em, hay trước đó là Hồng Sơn, Huỳnh Đức...
Tuy nhiên, cục diện đã đảo chiều chóng mặt trong 10 năm qua. Từ chỗ đối thủ ưa thích, Malaysia trở thành tác nhân trong hàng loạt bi kịch mà bóng đá Việt Nam phải đối diện. Năm 2014, Safiq Rahim cùng các đồng đội đã khiến tuyển Việt Nam chịu một trong những trận thua tồi tệ nhất trong lịch sử.
Video: Malaysia thắng tối thiểu trước Campuchia
Từ Mai Xuân Hợp đến Trần Nguyên Mạnh
Nhiều thế hệ cầu thủ bóng đá Việt Nam đã vĩnh viễn chìm vào quên lãng khi không vượt qua được cú sốc sau những sai lầm. Trùng hợp hơn, hầu hết các sai lầm đều đến khi tuyển Việt Nam đương đầu với Malaysia.
Pha đốt lưới nhà vụng về của Mai Xuân Hợp đã "giết chết" giấc mơ vàng SEA Games của U23 Việt Nam vào năm 2009 - một năm sau danh hiệu vô địch AFF Cup. Đội bóng của HLV Henrique Calisto khi ấy được đánh giá mạnh nhất khu vực đã cuốn phăng mọi vật cản để đi tới trận chung kết. Khi biết đối thủ là U23 Malaysia (thua U23 Việt Nam 1-3 ở vòng bảng), nhiều người đã nghĩ tới chiến thắng, thậm chí là chiến thắng dễ dàng cho Tấn Trường cùng các đồng đội.
Để rồi, bi kịch đã đến. Sau hàng loạt cơ hội bị bỏ lỡ, U23 Việt Nam bị trừng phạt với bàn đốt lưới nhà của Mai Xuân Hợp. Thủ thành Bùi Tấn Trường bật khóc đau đớn, trước khi anh trở thành nạn nhân với pha bắt bóng hụt trong trận bán kết AFF Cup 2010. Tuyển Việt Nam thua 0-2, đánh mất hoàn toàn nhuệ khí và không thể xuyên thủng mành lưới đối phương trong trận lượt về. Mất ngôi vô địch, HLV Calisto cũng từ chức, đánh dấu giai đoạn bóng đá Việt Nam chìm vào màn đêm.
Sự khởi sắc xuất hiện ở AFF Cup 2014 khi đội bóng của HLV Toshiya Miura băng băng tiến tới bán kết. Tuy nhiên, Malaysia lại phá vỡ giấc mơ vô địch của tuyển Việt Nam. Hai bàn thắng của Văn Quyết và Huy Toàn giúp đội bóng áo đỏ đánh bại Malaysia 2-1 trong trận lượt đi ngay tại Kuala Lumpur, song những sai lầm ấu trĩ của thủ môn Trần Nguyên Mạnh cùng hàng phòng ngự khiến tuyển Việt Nam thua 2-4 trên sân nhà (cả bốn bàn thua đều đến trong hiệp một).
Kết thúc trận đấu, HLV Miura tựa lưng vào cabin huấn luyện, còn cổ động viên bật khóc như mưa. Tất cả không tin được điều gì vừa xảy ra.
Sức bật của Malaysia
Cả ba lần thất bại trước Malaysia có mẫu số chung: tuyển Việt Nam được đánh giá cao hơn đối thủ, tạo ra nhiều cơ hội ăn bàn hơn và đều thua vì những sai lầm cá nhân khó hiểu. Dù vậy, không thể phủ nhận: Malaysia là đối thủ tiềm ẩn sức chiến đấu mạnh mẽ, nhất là khi bị dồn vào thế chân tường.
Chức vô địch SEA Games 2009 và AFF Cup 2010 của Malaysia đến ở thời điểm thầy trò HLV Rajagobal không được kỳ vọng nhiều. Thực tế, "Những chú hổ Malaya" không có lối chơi đẹp mắt (như "Thái tiktok" của HLV Kiatisak Senamuang xây dựng cho Thái Lan). Malaysia chơi bóng chân phương, dựa nhiều vào thể lực, sức mạnh và đá khá "rát". Khi Malaysia vô địch AFF Cup 2010, ấn tượng lớn nhất mà Talaha cùng các đồng đội để lại còn không đậm nét bằng những... bê bối do cổ động viên của họ gây ra.
Cụ thể, khán giả Malaysia đã dùng đèn laze chiếu vào mắt thủ môn của Việt Nam và Indonesia, gián tiếp khiến Tấn Trường mất tập trung và mắc sai lầm trong trận lượt đi.
Vũ khí tinh thần là thứ tạo nên sức mạnh tiềm ẩn cho Malaysia. Càng khó khăn, Malaysia càng dễ có sức bật. Ngược lại, các thế hệ đi trước ở tuyển Việt Nam vụn vỡ rất nhanh trước áp lực. Khi ở cửa dưới, đội bóng áo vàng - đen có thể chơi thứ bóng đá phòng ngự - phản công sở trường và gây sát thương cho đối thủ nhờ khả năng dứt điểm của các tiền đạo. Malaysia có trận ra quân vất vả trước Lào khi phải đá cửa trên và áp đặt thế trận, với hệ quả là chỉ ghi được hai bàn trong những phút cuối để cầm chắc chiến thắng.
Tuy vậy, khi được trở lại Mỹ Đình và "nằm" chiếu dưới, Malaysia sẽ lại lùi xuống như hồ vồ mồi. Muốn chiến thắng, tuyển Việt Nam cần rất cảnh giác. HLV Tan Cheng Hoe khẳng định Malaysia sẽ chơi tấn công, song đó chỉ là "đòn gió". Ở vòng chung kết U23 châu Á, HLV Ong Kim Swee từng lớn tiếng chê bai U23 Việt Nam đá phòng ngự tiêu cực để kiếm vé đi tiếp, song U23 Malaysia đã áp dụng chiến thuật tương tự để đánh bại U23 Ả Rập Xê Út.
Sự khó lường trong lối chơi cũng là vũ khí của Malaysia. Nếu Myanmar chơi bóng bài bản dưới sự dẫn dắt của HLV Antoine Hey, Campuchia và Lào thi đấu khá... ngây thơ, Malaysia luôn thi đấu rất khó lường. Thành công của lứa U23/ Olympic Malaysia cũng tạo động lực để "Những chú hổ Malaya" hướng tới thành tích cao tại AFF Cup 2018.
Một trận đấu khó khăn, nhưng tuyển Việt Nam buộc phải tìm ra phương án để hóa giải đối thủ khó chịu. Bởi nếu vượt qua vòng bảng, chờ đợi thầy trò HLV Park Hang Seo sẽ là những thử thách còn khắc nghiệt hơn nhiều.
Bình luận