• Zalo

Vì sao Jack Ma bỏ 1 tỷ USD mua lại Lazada?

Kinh tếThứ Năm, 14/04/2016 07:35:00 +07:00Google News

Việc thâu tóm Lazada với mức giá 1 tỷ USD, tập đoàn Alibaba cũng như ông chủ Jack Ma chắc chắn đã có sự tính toán, nhìn xa trông rộng nhất định

(VTC News) - Việc thâu tóm một nền thương mại điện tử ở vị trí top đầu tại khu vực châu Á như Lazada với mức giá 1 tỷ USD, tập đoàn Alibaba cũng như ông chủ Jack Ma chắc chắn phải có những sự tính toán, nhìn xa trông rộng.

Nền tảng thương mại điện tử đang "phủ sóng" rộng rãi trên khắp Đông Nam Á - Lazada - đã chính thức nằm trong tay Tập đoàn Alibaba của tỷ phú Jack Ma vào ngày 12/4.


Đại diện của Lazada cũng đã xác nhận lại thông tin này với báo chí, rằng Alibaba đã mua lại Lazada bằng cách nắm giữ cổ phần chi phối của sàn thương mại điện tử này.

Cụ thể, tập đoàn của tỷ phú Jack Ma đã đầu tư gần 500 triệu USD để mua lại lượng cổ phiếu mới phát hành của Lazada, cộng với việc mua lại cổ phần từ những cổ đông chính hiện tại của công ty này.

Tổng giá trị khoản đầu tư mà Alibaba đổ vào Lazada ước tính là vào khoảng 1 tỷ USD.

Thông tin này đã gây sốc cho toàn bộ ngành thương mại điện tử của Đông Nam Á nói chung và của Việt Nam nói riêng, khi một số người cho rằng, một sàn thương mại điện tử đang thuộc hạng top 1 lại có thể dễ dàng bán mình rồi bị "thâu tóm" một cách nhanh chóng như vậy. Chưa kể, sự xuất hiện của "kẻ chi phối" lần này lại là một ông lớn đã quá nổi tiếng, đó là Alibaba.
Tập đoàn Alibaba của tỷ phú Jack Ma đã chi 1 tỷ USD để mua lại Lazada
Nhiều người cho rằng, sự tham gia của Alibaba lần này thông qua Lazada sẽ làm nên cuộc cách mạng có thể làm thay đổi lại toàn bộ ngành thương mại điện tử của khu vực Đông Nam Á, hay cũng như của chính Việt Nam.

Tại Việt Nam, thương mại điện tử từ trước đến nay vẫn luôn là ngành được kỳ vọng sẽ càng ngày càng phát triển mạnh sẽ. Song, rốt cục đến nay, ngành này lại gặp muôn vàn khó khăn, hoạt động theo kiểu "vật vờ" và thậm chí đang có chiều hướng ngày càng đi xuống.


Hiện nay, vẫn còn quá sớm để nói về việc Alibaba có thể thành công tại Việt Nam với Lazada hay không, nhưng không phải ngẫu nhiên hay "nổi hứng" mà Alibaba mới mạnh bao chi hẳn 1 tỷ USD để mua sàn thương mại này về nhà.

Tất nhiên, kể cả là một tỷ phú, không ai dễ dàng bỏ ra một lượng tiền khổng lồ để đầu tư vào một cái gì đó mà không có sự tính toán, nhìn xa trông rộng.

Nhất là ở đây, lại là Alibaba - một tập đoàn thương mại điện tử hàng đầu Trung Quốc và nổi tiếng trên thế giới, được hoạt động dưới sự điều hành của tỷ phú Jack Ma - người đàn ông giàu nhất nhì châu Á.


Đông Nam Á là "mảnh đất" mới quá màu mỡ

Theo phân tích của trang Tech In Asia, quyết định đổ 1 tỷ USD vào Lazada của Alibaba là bởi tập đoàn này đang mong muốn tìm được một thị trường mới ngoài Trung Quốc, sau khi đã trở thành "ông trùm" thương mại điện tử tại quốc gia này.

Theo báo cáo doanh thu mới nhất, mỗi năm Alibaba có 407 triệu người mua sắm thường xuyên qua Taobao và Tmall tại thị trường Trung Quốc - gấp 2 lần so với lượng khách hàng của đối thủ JD, và còn vượt xa nhiều lần so với Amazon tại Trung Quốc.

Trong vòng một vài năm trở lại đây, Jack Ma và các cộng sự đã đề ra chiến lược nhằm giúp những người dân ở các quốc gia xa xôi được sử dụng thương mại điện tử thường xuyên hơn, bao gồm cả việc xây dựng những trung tâm phân phối tại những nơi công ty chưa có trụ sở giao hàng.

Với tầng lớp trung lưu và người dân sống tại thành thị chiếm số lượng lớn, Trung Quốc đã trở thành một thị trường thương mại điện tử vững chắc mà khi tung ra Taobao vào năm 2013, Jack Ma đã đánh gục ngay được trang eBay của Trung Quốc.
Ông chủ Jack Ma đã xây dựng nên một Alibaba quá thành công tại Trung Quốc
Alibaba còn lên kế hoạch đầu tư nhiều năng lực vào thị trường thương mại điện tử ở vùng nông thôn, với mục đích đem thương mại điện tử tới tất cả các ngôi làng của Trung Quốc để những người dân ở nông thôn cũng có thể nếm trải cuộc sống thành thị và ngược lại là bán các sản phẩm của mình tới các thành phố.

Do đó, với tổng số 785 triệu người sử dụng Internet trên di động tại Trung Quốc, sự thống trị của Alibaba trong thương mại điện tử tại quốc gia này là điều có thể thấy được một cách rõ ràng.

Vì vậy mà việc Alibaba "tiếp quản" Lazada sẽ đem đến cho tập đoàn này một "mảnh đất" mới hết sức màu mỡ - mang tên là Đông Nam Á - để khai thác, khi mà hiện nay Lazada vẫn đang được đánh giá là nền tảng thương mại điện tử chiếm ưu thế tại các quốc gia như Indonesia, Malaysia, Philippines, Singapore, Thái Lan và Việt Nam.

Với thương vụ 1 tỷ USD lần này, Lazada đã trở thành vụ mua bán thương hiệu ở nước ngoài lớn nhất của Alibaba tính đến thời điểm này.

Trước đó Alibaba cũng đã rót hơn 1 tỷ USD vào startup Paytm của Ấn Độ trong năm 2015 thông qua công ty con Ant Financial, cộng thêm đó là một khoản đầu tư trị giá 500 triệu USD vào Snapdeal của nước này.

Hiện nay Paytm cũng đã có chỗ đứng của mình trong thị trường bán lẻ trực tuyến và thanh toán qua điện thoại tại Ấn Độ, và dưới sự "dẫn dắt" của Alibaba, Paytm hoàn toàn có khả năng nâng cao vị thế của mình tại thời điểm mà ở Ấn chưa có được dịch vụ thanh toán điện tử nào được gọi là "hàng đầu".

Theo trang Tech In Asia, vì Đông Nam Á là một khu vực phát triển nhanh với tầng lớp trung lưu ngày càng tăng, nên không khó hiểu khi "mảnh đất" này lại lọt vào tầm ngắm của Alibaba.

Đông Nam Á có số dân 618 triệu, trong đó ước tính khoảng 190 triệu người tại khu vực này có thể được xếp vào tầng lớp trung lưu, với mức thu nhập vào khoảng 16 – 100 USD một ngày.

Dự kiến con số này sẽ tăng lên 400 triệu vào năm 2020 và dân số cũng sẽ tăng lên, tương đương với việc số người sử dụng Lazada (nay đã thuộc quyền kiểm soát của Alibaba) cũng sẽ tăng lên, bao gồm cả hai chiều là giao dịch mua và giao dịch bán.

Lazada có những cái mà Alibaba "thích"

Và tất nhiên, một lý do nữa để Alibaba sẵn sàng bỏ túi ra 1 tỷ USD là vì Lazada quá... hấp dẫn.

Hiện tại Lazada có 6 trang web khác nhau tại mỗi quốc gia, được đánh giá là công ty thương mại điện tử hàng đầu trong khu vực.

Theo số liệu báo cáo doanh thu của ông chủ cũ Rocket, chỉ tính riêng trong 6 tháng đầu năm 2015, người dùng Lazada đã bỏ ra tổng cộng 433 triệu USD để mua sắm ở đây, tăng gấp 4 lần so với cùng kỳ năm 2014.

Tại thời điểm giữa năm 2016, Lazada đạt 5,7 triệu khách hàng thường xuyên, tức là tăng gấp 4 lần so với con số 1,4 triệu vào giữa năm 2014.

Những con số này khá nhỏ khi so sánh với hai thị trường Trung Quốc của Alibaba, nhưng nó là dấu hiệu cho thấy sự tăng trưởng mạnh ngoài sức mong đợi khi Lazada bước chân vào thị trường thương mại điện tử của khu vực này.

Lazada đã bắt đầu với một dịch vụ giống như Amazon với các loại hàng tồn kho và các kho hàng riêng của mình, nhưng sau đó công ty này đã cho phép các nhà bán lẻ nhỏ cho tới các nhãn hàng lớn tham gia bán sản phẩm trực tiếp cho người dùng - giống như điều mong muốn ở một sàn thương mại điện tử của Alibaba.

Theo số liệu gần đây nhất, có khoảng 27.000 nhà bán lẻ trên 6 quốc gia đang hoạt động trong Lazada.
Rocket Internet, "ông tổ" của Lazada và một loạt các dịch vụ web khác đã có nhiều sự thất bại, như việc dịch vụ Easy Taxi đã không thể "chọi" lại với Uber hay Grab đã cho thấy những khó khăn để phát triển trong ngành công nghệ chuyển động không ngừng nghỉ tại khu vực Đông Nam Á.

Tuy nhiên, riêng với Lazada thì Rocket lại có được sự phát triển được coi là sớm và có chất lượng trong ngành thương mại điện tử của khu vực

Lazada đã "thấm" được những khó khăn của thương mại điện tử tại Đông Nam Á

Đông Nam Á quá rộng lớn, trong đó có những nơi kém phát triển, khả năng kết nối cũng như tốc độ internet còn rất hạn chế và người dân sinh sống phân tán trên hàng ngàn hòn đảo.

Mỗi quốc gia lại có một thứ ngôn ngữ riêng của mình, luật pháp khác nhau, văn hóa khác nhau, thuế, phương thức thanh toán, thủ tục thông quan, và các thiết lập về hậu cần khác cũng hoàn toàn khác nhau.

Mỗi quốc gia lại có sự khởi động và cạnh tranh khác nhau trong lĩnh vực thương mại điện tử. Chưa kể, mỗi nơi có một mức sống, mức tăng trưởng GDP và nhân khẩu học cũng khác nhau.

Tất cả không dừng lại ở đó. Trong khu vực Đông Nam Á, nhiều nơi cơ sở hạ tầng còn kém hoặc hầu như không có bất cứ thứ gì. Giao thông đường bộ và đường sắt cơ bản để phục vụ cho việc vận chuyển hàng hóa mua trên mạng vẫn còn ít ỏi, chi phí lại quá tốn kém. Một số nơi thậm chí chỉ có thể vận chuyển qua đường thủy bằng thuyền.

Tất cả những yếu tố đó chỉ là đại diện cho hàng loạt những rào cản rất lớn để ngành thương mại điện tử phát triển.

Và đó chính là lý do vì sao có rất ít startup thương mại điện tử khai sinh ra ở Đông Nam Á có thể mở rộng dịch vụ ra toàn khu vực. Hầu hết các dịch vụ này thường chỉ bó hẹp trong phạm vi quốc gia hoặc thậm chí chỉ quanh quẩn với một vài "ông hàng xóm" bên cạnh.

Tất cả những vấn đề này đều khá lạ lẫm đối với Alibaba, bởi ở Trung Quốc, những thứ như vậy có vẻ "dễ" hơn nhiều. Mặc dù quốc gia này có rất nhiều nhóm dân tộc, nhưng hầu hết họ đều có một ngôn ngữ chung là tiếng Trung Quốc.

Do đó, Alibaba chỉ cần xây dựng một website trên một thứ ngôn ngữ và một ứng dụng duy nhất là đã đủ để phục vụ cho khoảng 1 tỷ người dân.

Mặt khác, Trung Quốc có hệ thống đường sắt và đường cao tốc phát triển giúp rút ngắn thời gian vận chuyển và ít tốn kém. Cùng với đó là sự cạnh tranh của ngành hậu cần cũng giúp cho chi phí dịch vụ trong ngành này ở mức thấp.

Do đó, bên cạnh việc "làm quen" với những khó khăn ở thị trường Đông Nam Á như trên, Alibaba sẽ còn phải đầu tư hàng nhiều nhiều tỷ USD mới mong có thể xây dựng được một nền thương mại điện tử "phủ sóng" ở 6 thị trường khác nhau như Lazada.

Vậy nên Alibaba mới quyết chi ra 1 tỷ USD để mua lại luôn Lazada, thay vì xây dựng một sàn mới mà chưa chắc đã có thể đánh bại được chính Lazada trên thị trường thương mại điện tử của khu vực.

Trước đó, khi trả lời phỏng vấn của báo giới về thương vụ đình đàm này, đại diện của Alibaba cho biết, khoản đầu tư vào Lazada sẽ giúp cho tập đoàn này tiếp cận được với những thị trường có người dùng lớn, có sự tăng trưởng nhanh tại Đông Nam Á - một trong những thị trường thương mại điện tử đang có bước phát triển nhanh nhất trên thế giới hiện nay.

Thương vụ này còn mở ra khả năng mới cho các nhà bán lẻ Trung Quốc tiếp cận và bán sản phẩm cho người tiêu dùng tại khu vực Đông Nam Á - một điều đáng vui mừng khi nền kinh tế Trung Quốc đang phát triển ngày một chậm lại.

Tiệp Tiệp
Bình luận
vtcnews.vn