Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam vừa công bố giá 4 bộ sách giáo khoa lớp 1 mới được Bộ Giáo dục và Đào tạo phê duyệt. Cụ thể, bộ "Kết nối tri thức với cuộc sống" gồm 10 cuốn, giá 179.000 đồng. Bộ "Chân trời sáng tạo" gồm 9 cuốn, giá 186.000 đồng. Bộ "Cùng học để phát triển năng lực" gồm 10 cuốn, giá 194.000 đồng. Bộ "Vì sự bình đẳng và dân chủ trong giáo dục" gồm 9 cuốn, giá 189.000 đồng.
Trong khi đó, giá sách giáo khoa lớp 1 năm học 2019 - 2020 theo chương trình giáo dục hiện hành chỉ 54.000 đồng/bộ.
Lý giải về điều này, Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam cho biết giá sách được xây dựng dựa trên nhiều yếu tố, đầu tiên là số cuốn sách trong mỗi bộ. Cụ thể, bộ sách giáo khoa lớp 1 hiện hành chỉ gồm 6 cuốn, trong khi các bộ sách mới có 9 hoặc 10 cuốn (sách giáo khoa toán, tiếng Việt gồm 2 tập) sử dụng cho 8 môn học bắt buộc (tiếng Việt, toán, đạo đức, tự nhiên và xã hội, âm nhạc, mĩ thuật, hoạt động trải nghiệm, giáo dục thể chất).
Yếu tố thứ hai là chi phí tổ chức bản thảo, bao gồm chi phí nhuận bút (theo Nghị định 18/2014/NĐ-CP), biên tập, thiết kế, minh hoạ, chế bản, đọc góp ý, thẩm định đề cương chi tiết, bài mẫu, bản thảo, chi phí dạy thực nghiệm...
Sách giáo khoa mới cũng đòi hỏi đầu tư kĩ lưỡng trong công tác tập huấn và triển khai biên soạn, biên tập, thiết kế - chế bản, thực nghiệm. Việc thực nghiệm sách giáo khoa cũng được thực hiện qua nhiều vòng, trên nhiều đối tượng, ở nhiều địa bàn có điều kiện giáo dục khác nhau.
Mặt khác, theo Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam, khác với việc cả nước chỉ có một bộ sách giáo khoa, khi có nhiều bộ sách giáo khoa cùng được xuất bản, sản lượng phát hành của mỗi bộ sẽ giảm đi, các khoản chi phí tổ chức bản thảo được phân bổ theo sản lượng đó sẽ cao hơn so với sách hiện hành. Ngoài ra, chi phí vật tư, công in, chi phí lưu thông, bán hàng, chi phí tích hợp công nghệ 4.0 cũng tác động đến giá sách giáo khoa.
Việc biên soạn sách giáo khoa lần này được thực hiện hoàn toàn bằng nguồn vốn doanh nghiệp và vay ngân hàng. Giá bán một mặt phải bù đắp các chi phí, mặt khác phải đảm bảo tỷ lệ lợi nhuận tối thiểu nhằm duy trì việc vận hành, đầu tư tái sản xuất, bảo toàn và phát triển vốn của doanh nghiệp.
Video: Bộ GD&ĐT hướng dẫn chọn sách giáo khoa lớp 1 mới.
Bình luận