Trong cuộc họp báo diễn ra hôm 29/9, bà Nguyễn Thị Hương - Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê - nhận định trong bối cảnh kinh tế, chính trị thế giới biến động khó lường, tình hình kinh tế - xã hội 9 tháng đầu năm của Việt Nam vẫn đạt được kết quả tích cực trong hầu hết lĩnh vực.
GDP quý III ước tính tăng 13,67% so với cùng kỳ năm ngoái. Một phần nguyên nhân là cùng kỳ năm ngoái tăng trưởng âm. Tổng cục Thống kê chỉ ra đây là thời điểm dịch Covid-19 bùng phát mạnh, ảnh hưởng nghiêm trọng đến các hoạt động sản xuất kinh doanh.
GDP 9 tháng năm tăng 8,83% so với cùng kỳ năm trước, là mức tăng cao nhất của 9 tháng trong giai đoạn 2011-2022.
"Triển vọng thế giới trở nên khó khăn hơn do xung đột quân sự Nga - Ukraine kéo dài; lạm phát duy trì ở mức cao, nhất là tại châu Âu và Mỹ; xu hướng tăng lãi suất, thu hẹp chính sách tiền tệ, tài khóa ở nhiều quốc gia; thời tiết diễn biến bất thường tại một số châu lục…", bà Nguyễn Thị Hương nhận định.
Trong bối cảnh đó, theo cơ quan này, hoạt động sản xuất kinh doanh trong quý III của nước ta vẫn tăng trưởng mạnh mẽ, nhất là so với cùng kỳ năm ngoái.
"Nhiều ngành đã khôi phục mạnh mẽ và đạt mức tăng trưởng cao hơn trước khi dịch Covid-19 xảy ra như công nghiệp chế biến, chế tạo; bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng; xuất khẩu hàng hóa…", Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê nhận xét.
Theo bà, đằng sau sự phục hồi mạnh mẽ của nền kinh tế, các nhiệm vụ, giải pháp của Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội đã được triển khai quyết liệt.
Kinh tế vĩ mô tiếp tục duy trì ổn định, lạm phát trong tầm kiểm soát, các cân đối lớn được đảm bảo; chính sách tiền tệ, tài khóa điều hành chủ động, linh hoạt và hiệu quả.
"Môi trường đầu tư kinh doanh cải thiện tích cực, an sinh xã hội được đảm bảo, góp phần phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, tạo sự tin tưởng, ủng hộ của người dân và cộng đồng doanh nghiệp", bà Hương nhận xét.
Ngành công nghiệp nói chung đóng góp 3,25 điểm phần trăm vào mức tăng chung.
Lĩnh vực dịch vụ cũng phục hồi mạnh mẽ với tốc độ tăng trưởng đạt 10,57%, cao nhất trong vòng 11 năm. Những ngành dịch vụ có đóng góp lớn vào mức tăng chung là bán buôn, bán lẻ (1 điểm phần trăm), vận tải kho bãi (0,83 điểm phần trăm), dịch vụ lưu trú (0,81 điểm phần trăm).
Các tổ chức quốc tế cũng đưa ra những dự báo tích cực đối với kinh tế Việt Nam. Ngân hàng Thế giới (WB) dự báo GDP Việt Nam sẽ tăng lần lượt 7,2% trong năm 2022 và 6,7% vào năm 2023.
Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cũng vừa nâng dự báo tăng trưởng của Việt Nam lên 7% trong năm 2022. Trong khi đó, mức dự báo được Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) đưa ra là 6,5%.
Lạm phát của Việt Nam thuộc nhóm thấp
Theo Tổng cục Thống kê, mặt bằng giá trong nước nhìn chung được kiểm soát dù lạm phát trên thế giới tiếp tục tăng cao.
Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 9 tăng 3,94% so với cùng kỳ năm trước. Trong khi đó, CPI bình quân quý III và 9 tháng tăng lần lượt 3,32% và 2,73%. Lạm phát cơ bản tăng 1,88%.
Tổng cục Thống kê chỉ ra những thách thức đối với công tác điều hành chính sách như dịch Covid-19, xung đột Nga - Ukraine và tình trạng đứt gãy chuỗi cung ứng khiến giá năng lượng, hàng hóa thế giới tăng cao.
Tại châu Á, CPI tháng 8 của Thái Lan tăng 7,9% so với cùng kỳ năm trước; Hàn Quốc tăng 5,7%; Indonesia tăng 4,7%; Nhật Bản tăng 3%; Trung Quốc tăng 2,5%.
Tổng cục Thống kê nhận định Việt Nam tiếp tục thuộc nhóm quốc gia có mức tăng lạm phát thấp so với mặt bằng chung.
Giải thích về điều này, bà Nguyễn Thu Oanh - Vụ trưởng Vụ Thống kê Giá - cho rằng Chính phủ đã chủ động ứng phó với lạm phát thông qua các chính sách, giải pháp giúp giảm áp lực đáng kể lên mặt bằng giá, ổn định hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và đời sống người dân.
Tuy nhiên, áp lực lạm phát trong những tháng tới vẫn còn hiện hữu. "Diễn biến giá cả hàng hóa, nguyên nhiên vật liệu trên thế giới đang có xu hướng giảm do tăng trưởng kinh tế toàn cầu chậm lại, nhưng rủi ro tăng trở lại khá cao do xung đột giữa Nga - Ukraine chưa chấm dứt", Tổng cục Thống kê cảnh báo.
Ngoài ra, theo cơ quan này, kinh tế Việt Nam có khả năng phục hồi mạnh hơn trong các tháng còn lại của năm do tác động của các gói hỗ trợ thúc đẩy tăng trưởng. Cùng với đó, nhu cầu tiêu dùng hàng hóa và dịch vụ tăng sẽ đẩy giá cả hàng hóa lên cao.
Bình luận