Ban Quản lý đường sắt đô thị (QLĐSĐT) TP.HCM vừa kiến nghị UBND TP.HCM xem xét chỉ đạo các đơn vị liên quan khẩn trương triển khai các bước tiếp theo để đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án tuyến đường sắt đô thị Bến Thành - Tham Lương (còn gọi là tuyến metro số 2) vì dự án vốn đã chậm nay còn phải… chờ!
Có vốn nhưng không thể giải ngân
Theo ông Phan Nhật Linh, Trưởng Phòng Kế hoạch - Hợp đồng, Ban QLĐSĐT TP, tiến độ được duyệt năm 2010, tuyến metro số 2 đi qua địa bàn của 6 quận là 1, 3, 10, Tân Bình, Tân Phú và 12 sẽ hoàn thành, đưa vào vận hành chạy thử và khai thác vào năm 2018 nhưng đến nay, chỉ 1 trong 8 gói thầu của dự án được hoàn thành là gói thầu CP1 - xây dựng tòa nhà văn phòng và các công trình phụ trợ tại depot Tham Lương, 7 gói thầu còn lại vẫn chưa ký hợp đồng.
Dù đã quá chậm nhưng hiện tại dự án phải tiếp tục "giậm chân tại chỗ" khi công tác bồi thường giải phóng mặt bằng đang bị dừng lại, đặc biệt một số quận đã thực hiện thủ tục trả vốn do không giải ngân được, như quận Tân Bình đã trả lại 800 tỷ đồng tiền giải phóng mặt bằng. Trong khi đó, đến thời điểm hiện nay, UBND các quận có tuyến metro số 2 đi qua đã hoàn thiện dự thảo phương án chi tiết từng hộ, quyết định bồi thường chi tiết từng hộ, chi tạm ứng cho một số hộ dân đồng thuận.
Để xảy ra tình trạng trên, theo ông Hoàng Như Cương, Phó trưởng Ban QLĐSĐT, là do chưa thống nhất nội dung cơ chế trách nhiệm giải trình trong kế hoạch tái định cư cập nhật nên UBND các quận không có cơ sở ban hành quyết định phê duyệt phương án bồi thường. Chưa kể, chứng thư thẩm định giá bồi thường hết hiệu lực vì đã 1 năm kể từ ngày UBND TP ban hành quyết định phê duyệt giá T2.
Từ đây, Ban QLĐSĐT đã kiến nghị UBND TP chỉ đạo Hội đồng Thẩm định bồi thường TP xem xét và trình UBND TP thông qua kế hoạch tái định cư cập nhật URP; Sở Tài nguyên và Môi trường điều chỉnh đơn giá T2 theo quy định. Bên cạnh đó, Sở Tài chính cùng Sở Kế hoạch và Đầu tư phê duyệt điều chỉnh dự án, bố trí vốn thực hiện công tác bồi thường; UBND các quận tiếp tục triển khai thủ tục cần thiết để chi trả bồi thường, thu hồi đất và bàn giao mặt bằng.
Mong sớm được thông qua việc điều chỉnh
Ngoài khó khăn trên, theo Ban QLĐSĐT TP, đến nay tổng mức đầu tư điều chỉnh dự án tuyến metro số 2 vẫn chưa được thông qua. Cụ thể, tuyến metro số 2 với tổng mức đầu tư được phê duyệt năm 2010 là 26.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, hiện tại tổng mức đầu tư điều chỉnh dự kiến tăng đến gần 48.000 tỷ đồng. Nguyên nhân bị đội vốn là do trong quá trình triển khai có điều chỉnh về thiết kế cơ sở, thời gian chuẩn bị kéo dài, chậm trễ trong quá trình triển khai, tăng khối lượng xây dựng, trượt giá…
Liên quan đến chuyện điều chỉnh vốn, tháng 5/2018, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) đã thay mặt Chính phủ trình Quốc hội (QH) đề nghị xem xét, có ý kiến thống nhất về việc điều chỉnh tổng mức đầu tư dự án, làm cơ sở để Chính phủ chỉ đạo UBND TP thẩm định, phê duyệt điều chỉnh dự án theo quy định. Sau đó, Ủy ban Thường vụ QH đã giao Ủy ban Kinh tế của QH thẩm tra.
Đến tháng 6/2018, Bộ GTVT ban hành Quyết định 1294 thành lập tổ chuyên gia để thẩm định tổng mức đầu tư. Vào tháng 7, lãnh đạo QH và Chính phủ đã đồng chủ trì phiên họp về việc chuẩn bị một số nội dung cần trình QH, Ủy ban Thường vụ QH, trong đó có nội dung điều chỉnh tổng mức đầu tư dự án.
Đa số ý kiến tại phiên họp đều nhận định pháp lý để thực hiện điều chỉnh dự án chưa được quy định rõ để áp dụng. Cụ thể là thủ tục áp dụng để xem xét việc "nâng hạng" dự án từ dự án nhóm A lên dự án quan trọng quốc gia. Sau đó, Tổng Thư ký QH đã ban hành Thông báo 2119, trong đó đề nghị Chính phủ báo cáo Ban Cán sự Đảng Chính phủ xin ý kiến chỉ đạo của Bộ Chính trị về việc điều chỉnh tổng mức đầu tư.
Căn cứ kết luận của Bộ Chính trị, Ủy ban Thường vụ QH sẽ triển khai các nội dung tiếp theo. Đến tháng 9-2018, Bộ GTVT đề nghị UBND TP nghiên cứu giải trình, tiếp thu các ý kiến của thành viên Chính phủ… Thực hiện đề nghị trên, đầu tháng 10, UBND TP đã có công văn gửi Bộ GTVT về giải trình, tiếp thu các ý kiến của thành viên Chính phủ và cập nhật dự thảo Tờ trình Bộ Chính trị của Ban Cán sự Đảng Chính phủ.
Theo Ban QLĐSĐT, căn cứ tình hình công tác điều chỉnh dự án hiện nay, dự kiến đến cuối năm 2019 có thể trao thầu các gói thầu thi công chính của dự án. Khi được trung ương thông qua, UBND TP sẽ phê duyệt điều chỉnh dự án vào quý I/2019 và các gói thầu sẽ được thực hiện ngay sau đó. Ban QLĐSĐT cho biết hiện nay ban đang tổ chức lựa chọn nhà thầu song song với quá trình điều chỉnh dự án.
Cụ thể: gói thầu CP5 - cơ điện hệ thống đã tiến hành đóng, mở thầu. Ban cũng đang thực hiện các bước cần thiết để hoàn thiện tổ chuyên gia đấu thầu. Gói thầu CP3 (CP3a và CP3b) - hầm và các ga ngầm đã phát hành hồ sơ mời thầu từ đầu năm 2018; gia hạn thời gian đóng, mở thầu; đã phát hành 4 phụ lục hồ sơ mời thầu. Các gói thầu còn lại đang hoàn thiện hồ sơ mời thầu.
Video: Cận cảnh hầm ngầm metro xuyên lòng đất đầu tiên ở Việt Nam
Gấp rút điều chỉnh thời gian thực hiện
Ngày 5/11, Ban QLĐSĐT TP.HCM đã có công văn gửi UBND TP về điều chỉnh thời gian thực hiện dự án xây dựng tuyến metro số 2.
Theo Ban QLĐSĐT, trong thời gian thực hiện các thủ tục điều chỉnh dự án đầu tư, UBND TP đã trình Thủ tướng Chính phủ xem xét quyết định gia hạn thời gian thực hiện dự án đến tháng 12/2020 để có cơ sở gia hạn các hiệp định vay đã ký với nhà tài trợ (hết hiệu lực vào năm 2018) và tiếp tục thực hiện các hợp đồng đang thực hiện, tổ chức đấu thầu tuyển chọn một số gói thầu trong giai đoạn thực hiện điều chỉnh dự án, bảo đảm nguồn vốn sau khi dự án đầu tư điều chỉnh được phê duyệt. Thủ tướng Chính phủ đã chấp thuận gia hạn thời gian hoàn thành đến tháng 12/2020 tại Quyết định 1286/2017. Đến nay, các thủ tục gia hạn các hiệp định vay đến cuối năm 2020 cũng đã hoàn tất.
Do đó, để bảo đảm cơ sở pháp lý tiếp tục triển khai các công tác của dự án trong khi công tác điều chỉnh dự án vẫn đang được các cấp thẩm quyền xem xét, Ban QLĐSĐT trình UBND TP chấp thuận phê duyệt điều chỉnh thời gian thực hiện dự án đến tháng 12/2020.
Bình luận